Soumya Swaminathan
Soumya Swaminathan là một bác sĩ nhi khoa và là một trong những chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu của Ấn Độ, nổi tiếng với nghiên cứu đột phá về bệnh lao và HIV. Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2019, bà Swaminathan là Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bà được xem là khoa học gia hàng đầu của WHO về việc điều phối hoạt động phát triển vaccine trên toàn cầu. Thời gian qua, bà tham gia các cuộc họp báo định kỳ 2 tuần/lần về đại dịch Covid-19. Bà đã kêu gọi các quốc gia tiến hành giải trình tự toàn bộ bộ gene của virus SARS-CoV-2 thường xuyên hơn và tải các trình tự lên dự án GISAID.
Để có đủ vaccine Covid-19 để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường trước năm 2022, bà Swaminathan cho biết dự án COVAX của WHO nhằm đảm bảo người dân ở cả nước giàu hay nghèo đều có quyền tiếp cận công bằng với vaccine. Bà cho rằng các nước có quyền cấp phép tiêm chủng trong lãnh thổ của mình, song nên yêu cầu hãng dược cung cấp dữ liệu an toàn trong khung thời gian nhất định và đình chỉ chương trình ngay khi gặp vấn đề.
Sarah Gilbert
Giáo sư Sarah Gilber là một trong số các nhà khoa học nữ được BBC vinh danh trong danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu năm 2020 vì những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Là trưởng dự án vaccine Oxford/ AstraZeneca, bà cùng với một tập thể nữ khoa học khác ở Đại học Oxford (Anh) đã làm việc cật lực không nghỉ ngơi suốt 1 năm qua để vaccine ChAdOx1 nCoV-19 ra đời và đến được với người dân. Bà hiện đang nghiên cứu một phiên bản vaccine mới để đối phó với biến thể Nam Phi, dự tính sẽ hoàn thiện vào mùa thu năm nay.
Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 được thiết kế từ một virus gây ra cảm cúm trên tinh tinh đã được làm yếu, chứa đoạn mã gai của virus corona để "đóng giả" virus Sars-CoV-2 giúp cơ thể tạo ra kháng thể tiêu diệt virus này. Bà Gilbert phối hợp cùng Catherine Green, nữ phó giáo sư sinh học ở Oxford sản xuất vaccine. Nhóm của Catherine sẽ đóng vai trò nuôi cấy virus để tạo ra vaccine. Gilbert cùng các cộng sự âm thầm làm việc và gánh vác trách nhiệm đưa thế giới bình thường trở lại từ đại dịch.
Nhóm của Oxford đạt được một thỏa thuận lớn với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca - hãng sẽ sản xuất và phân phối vaccine với cam kết phi lợi nhuận. Theo thỏa thuận nhân đạo mà Oxford theo đuổi, AstraZeneca bán vaccine được Oxford phát triển với giá gốc không lợi nhuận trong thời gian đại dịch và giữ nguyên giá ưu đãi này với các quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Điều đó giúp cho vaccine của họ có thể được phân phối với giá rất rẻ (khoảng hơn 3 USD/liều). Bên cạnh giá rất rẻ, vaccine ChAdOx1 nCoV-19 không đòi hỏi môi trường nhiệt độ siêu thấp để bảo quản (chỉ cần từ 2-8 độ C ở một tủ lạnh thông thường) nên sẽ dễ dàng trong các khâu vận chuyển và bảo quản, kể cả ở những nước còn nghèo.
Oezlem Tuereci
Oezlem Tuereci là một bác sĩ, nhà khoa học và doanh nhân khởi nghiệp người Đức. Bà cùng chồng, một bác sĩ chuyên khoa ung thư, sáng lập Công ty công nghệ sinh học BioNTech. Công ty của bà đã hợp tác với hãng dược Pfizer để phát triển loại vaccine công nghệ mRNA. Ngày 9/11/2020, BioNTech và đối tác, tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer, thông báo loại vaccine ngừa Covid-19 của vợ chồng ông bà phát triển đã chứng minh có hiệu quả. Kết quả đáng kinh ngạc này đã đưa BioNTech và Pfizer trở thành tên tuổi đi đầu trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp chữa trị và phòng ngừa và đã được phê duyệt vào cuối năm 2020. Đây là điểm sáng hy vọng trong một năm khủng hoảng chưa từng có.
Hơn 1.300 người từ hơn 60 quốc gia đang làm việc tại BioNTech và hơn một nửa trong số đó là phụ nữ. Bác sĩ Tuereci cho rằng các nhà nghiên cứu nên tập trung vào những điều họ muốn thay đổi và những vấn đề muốn giải quyết, suy nghĩ rộng hơn và ước mơ điều lớn lao. Dự án điều chế vaccine chống Covid-19 của vợ chồng tiến sĩ này không xuất phát từ bất kỳ động lực cạnh tranh khoa học hoặc ham muốn làm giàu nào. Họ tâm sự: "Ðiều thúc đẩy chúng tôi chính là mong muốn những đứa trẻ, những bà mẹ và những người già trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Điều cao quý nhất của khoa học và công nghệ là phục vụ người dân, đó là động lực của chúng tôi".
Kizzmekia Corbett
Tiến sĩ Kizzmekia Corbett là một trong những nhà khoa học hàng đầu đứng sau các dự án nghiên cứu vaccine của chính phủ Mỹ. Corbett là thành viên của một nhóm trong Viện Y tế Quốc gia đã phát triển một trong những loại vaccine có hiệu quả hơn 90%. Tiến sĩ Corbett hy vọng rằng công trình quan trọng của cô sẽ giúp truyền cảm hứng cho các phụ nữ da màu tham gia lĩnh vực khoa học.
Corbett là một nhà miễn dịch học, nghiên cứu viên cao cấp da màu tài ba, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu và tìm vaccine chống Covid-19. Hiện cô là nhà nghiên cứu tại trung tâm của Graham, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tìm ra vaccine. Giáo sư Ralph Baric tại Đại học North Carolina gọi Corbett là "một nhà khoa học xuất chúng, cần mẫn". Corbett bắt đầu nghiên cứu virus corona (SARS và MERS) từ khi gia nhập Trung tâm nghiên cứu vaccine của NIH năm 2014 nhưng mới đi vào nghiên cứu chuyên sâu khi Covid-19 bùng phát cuối năm 2019.
Hiện công việc của Corbett đòi hỏi cô phải làm việc 7 ngày/tuần, mỗi đêm ngủ chỉ 3-4 giờ. Tất cả nỗ lực của cô nhằm đem lại vaccine chống Covid-19, mang lại bình an cho người dân Mỹ.
Nhu Thụy (Nguồn: Theo WEF, Guardian, Focus)