Vùng Bundelkhand, miền Trung Ấn Độ nổi tiếng là nơi khô cằn, hạn hán liên tục xảy ra, dẫn đến tình trạng đói nghèo, người dân phải đi nơi khác để kiếm sống. Nhưng trong 3 năm qua, cuộc sống của người phụ nữ nơi đây đã thay đổi hoàn toàn, giúp họ làm chủ cuộc sống của mình và thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Đó chính là sự xuất hiện của một công ty sữa mang tên Balinee, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn thuộc 800 ngôi làng khác nhau ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất tại Ấn Độ.
Rani Rajput, một cư dân 32 tuổi của làng Rund Karar, chia sẻ: "Tôi không sở hữu bất kỳ mảnh đất nào để làm nông nghiệp nhưng Balinee đã giúp tôi kiếm được tiền. Bây giờ tôi có đủ khả năng để cho 3 đứa con được cắp sách tới trường".
Cô Rani Rajput hiện đang sở hữu 5 con bò, được mua bằng tiền tiết kiệm. Đàn bò này đã giúp cô tạo ra nguồn sữa ổn định, dồi dào để cung cấp cho công ty.
"Phụ nữ mạnh mẽ"
"Balinee" có nghĩa là "phụ nữ mạnh mẽ, quyền lực". Công ty này được thành lập năm 2019 nhờ một dự án được tài trợ bởi Cơ quan sinh kế nông thôn quốc gia (NRLM) và Cơ quan sinh kế nông thôn bang Uttar Pradesh (UP-SRLM)
Ủy ban Phát triển Sữa Quốc gia (NDDB) làm việc để thúc đẩy, tài trợ và hỗ trợ các tổ chức do nhà sản xuất làm chủ. Balinee thu gom, bảo quản và bán sữa để tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ. Hiện tại đã có khoảng 40.000 thành viên tham gia.
Quy trình làm việc diễn ra rất đơn giản. Người dân sẽ mang sữa đến các địa điểm thu gom. Sữa được cân đo và kiểm tra chất lượng trước sự chứng kiến của mọi người. Họ sẽ được công ty trả tiền 10 ngày một lần. Việc thanh toán được gửi trực tiếp vào tài khoản của các thành viên tham gia bán sữa.
Cho đến tháng 12/2020, Balinee đã đã mua 105 vạn lít sữa từ các nhà cung cấp sữa, chủ yếu là phụ nữ ở nông thôn. Mức thu mua mùa cao điểm có khi đạt 85.000 lít mỗi ngày.
Bên cạnh đó, dự án Balinee cũng giúp các thành viên nữ thông qua việc tư vấn và hỗ trợ y tế cho gia súc của họ như cân đối khẩu phần ăn, cung cấp hạt giống cỏ xanh chất lượng tốt và hỗn hợp các khoáng chất... để nâng cao năng suất đàn gia súc.
Phụ nữ ở vùng Bundelkhand giờ đây đã không còn cảnh chạy ăn từng bữa, con cái phải nghỉ học. Giờ đây họ đã được trao quyền làm việc bình đẳng như nam giới, tự mình tạo ra của cải, giúp cuộc sống khấm khá hơn.
Thay đổi rõ nét
Pavitra Devi, một bà mẹ là thành viên của dự án này cho biết: "Nhờ việc bán sữa mà tôi có được thu nhập hơn 11 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ có nó mà tôi làm được nhiều thứ: Trả các khoản vay, chăm lo cuộc sống cho gia đình".
Arti Rajput, một phụ nữ Ấn Độ khác chia sẻ: "Cuộc sống trước đây của tôi rất khác. Làm việc quần quật trên cánh đồng mà thu nhập không có là bao. Muốn mua gì cũng phải xin chồng. Sau khi gia nhập dự án, tôi có thể tự tin khi đi ra ngoài, đủ khả năng mua sắm, cho con ăn học và làm nhiều việc khác. Tôi không cần phải phụ thuộc tài chính vào chồng nữa".
Người đại diện dự án cho hay: "Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ bằng cách cung cấp cho họ khả năng tiếp cận thị trường một cách công bằng và minh bạch; thanh toán kịp thời; nâng cao năng lực và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi để tăng lượng sữa".
Vào lúc bình minh, các trung tâm thu mua luôn tập nập, nhộn nhịp với hình ảnh của những người phụ nữ nở nụ cười rạng rỡ. Hiện tại, dự án có hơn 703 nơi thu mua sữa, đều được trang bị các máy móc hiện đại để xác định chất lượng sữa. Sản phẩm thu được sẽ gửi tới các công ty chế biến sữa gần đó.
Số tiền mà phụ nữ kiếm được từ công việc này giúp họ nâng cao vị thế trong gia đình và chất lượng cuộc sống. Cô Asha Devi, cho biết, vào thời điểm cô tham gia dự án, gia đình chỉ có một con bò. Giờ đây, với số tiền kiếm được, cô đã có 3 con bò sữa.
"Tôi có 3 con bò sản xuất khoảng 20 lít sữa. Hiện tại, tôi đã có thể đưa con mình vào học một trường tốt hơn và tiết kiệm một khoản tiền lo cho tương lai", người phụ nữ vui mừng nói.
Trong khi đó, cô Pavitra Devi nói rằng, trong 3 năm qua, cô đã tăng số lượng gia súc từ 2 đến 11 con. Mỗi ngày cô thu được 40 lít sữa. Kinh tế khả hơn, gia đình cô đã xây một cái chuồng mới cho gia súc để tăng sản lượng sữa.
Diệp Lục
Nguồn: DW, Hindustantimes