Bà giáo mở trường giúp hàng nghìn nữ sinh vào đại học
Cập nhật lúc 23:36, Thứ hai, 13/06/2022 (GMT+7)
Bà Trương Quế Mai, 65 tuổi, mở trường trung học ở Vân Nam để giúp hàng nghìn nữ sinh vùng nông thôn nghèo được vào đại học.
|
|
Bà Trương Quế Mai trông các học sinh học ca tối tại Trường Trung học Nữ sinh Hoa Bình, huyện Hoa Bình, thành phố Lệ Giang, tây nam Trung Quốc, ngày 4/7/2020. Ảnh: Xinhua. |
Cục Quản Lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã phê duyệt kế hoạch sản xuất một bộ phim truyền hình dài tập có tựa đề "Trường Nữ sinh Cao nguyên", dựa trên câu chuyện về cuộc đời cũng như hành trình giúp hàng nghìn nữ sinh nghèo khổ của nhà giáo dục Trương Quế Mai, SCMP ngày 12/6 đưa tin.
Bà Trương năm 2008 thành lập Trường Trung học Nữ sinh Hoa Bình, huyện Hoa Bình, thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, để giúp đỡ khoảng 2.000 nữ sinh gặp hoàn cảnh khó khăn vào đại học bằng cách truyền đạt cho các em đức tính siêng năng và kỷ luật.
Bà Trương tin rằng giáo dục đại học cung cấp bước đệm quan trọng cho sự nghiệp của mỗi em. Nhưng con đường này nằm ngoài tầm với của nhiều nữ sinh ở những vùng nông thôn nghèo Trung Quốc, nơi các gia đình thường đầu tư hơn cho con trai.
Bà Trương sinh năm 1957 tại tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Năm 1974, bà học Cao đẳng Sư Phạm Lệ Giang ở tỉnh Vân Nam. Sau khi tốt nghiệp, bà ở lại địa phương này, làm giáo viên tại thành phố Đại Lý cùng chồng.
Sau khi chồng qua đời năm 1966, bà tình nguyện tới huyện Hoa Bình xa xôi và phụ trách một trại trẻ mồ côi.
Trong quá trình công tác ở Hoa Bình, bà Trương phát hiện nhiều nữ sinh bỏ học sau khi đến trường một thời gian với nhiều lý do khác nhau như dành học phí cho em trai, phụ việc ở nhà, hoặc kết hôn. Dần dần, bà chứng kiến khoảng cách giới tính trong trình độ học vấn ngày càng tăng ở các vùng nông thôn nghèo Trung Quốc.
Bà quyết tâm xây dựng một trường trung học miễn phí dành riêng cho nữ sinh để các em có cơ hội tiếp tục theo đuổi giấc mơ vào đại học. Nhiều người cho rằng đây là ý tưởng "điên rồ".
"Khi người mẹ được giáo dục và có năng lực, con cái của người này cũng sẽ như vậy", bà chia sẻ với Xinhua. "Chúng ta phải bắt đầu từ việc trao nhiều quyền lợi hơn cho phụ nữ nếu Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề đói nghèo ở các khu vực miền núi".
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ giới tính tại các vùng nông thôn nước này là 108 nam trên 100 nữ năm 2021. Toàn Trung Quốc có hơn 723 triệu nam giới, nhiều hơn 34 triệu người so với nữ giới.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ từ xưa cùng chính sách một con trong nhiều thập kỷ qua được cho là những nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc.
"Giáo dục một phụ nữ có thể thay đổi vận mệnh của ba thế hệ", bà Trương nêu quan điểm. "Một người mẹ có văn hóa, có trách nhiệm sẽ không để con gái mình thất học".
|
|
Bà Trương Quế Mai trò chuyện với một nữ sinh. Ảnh: CCTV. |
Sau 6 năm quyên tiền và tuyển giáo viên, bà Trương Quế Mai thành lập Trường Trung học Nữ sinh Hoa Bình. Tuy nhiên, do những khó khăn ban đầu, 9 trong số 17 giáo viên đã nghỉ việc, khiến bà thường xuyên phải làm thêm giờ và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Tuy nhiên, Trường Trung học Nữ sinh Hoa Bình đã trở nên nổi tiếng với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp vào đại học cao và được xếp hạng là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu ở thành phố Lệ Giang về thành tích học tập trong nhiều năm. Đây là ngôi trường trung học miễn phí đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh tại một trong những khu vực nghèo nhất đất nước.
Bà Trương vẫn giữ chức hiệu trưởng ngôi trường và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái trao "Huân chương 1/7", một trong những phần thưởng cao quý nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo vnexpress