Tại trường Trung học nữ sinh Huaping, thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Hiệu trưởng Zhang Guimei luôn ôm ấp tham vọng đưa học trò vào những đại học ưu tú như Thanh Hoa, Bắc Kinh. Mục tiêu của bà là thay đổi cuộc sống nghèo khó, luẩn quẩn của những cô gái xuất thân từ những gia đình nghèo của tỉnh Vân Nam.

Hiệu trưởng Zhang Guimei giám sát học sinh làm bài tập, ngày 11/7. Ảnh: Chen Xinbo/Xinhua

Năm 1975, bà Zhang rời nhà ở tỉnh Hắc Long Giang, đến làm việc cho Văn phòng lâm nghiệp ở tỉnh Vân Nam. Sau đó, bà tiếp tục học tại một trường cao đẳng sư phạm ở thành phố Lệ Giang. Năm 1990, bà trở thành giáo viên tại quận tự trị Đại Lý, tỉnh Vân Nam và kết hôn.

Tuy nhiên, bốn năm sau, chồng bà qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. Không thể đối mặt với quá khứ đau buồn cùng kỷ niệm đã có, bà rời Đại Lý, đến thành phố Lệ Giang để tiếp tục công việc.

Khi giảng dạy tại trường trung học thiểu số Huaping, bà Zhang nhận thấy nữ sinh tại đây ít đến trường hơn và thường xuyên bỏ học. Bà đến từng nhà học sinh, tìm hiểu lý do không quay lại trường. Cô giáo Zhang khi đó nhận được câu trả lời từ phụ huynh rằng đã sắp xếp cho con gái một cuộc hôn nhân.

"Các gia đình nghèo nghĩ việc cho con gái đi học là vô ích nhưng lại đối xử và chăm chút cho con trai theo cách ngược lại. Điều này khiến tôi phát điên", bà nói. Vào lúc đó, bà Zhang nhận ra cần giúp các cô gái tiếp cận nền giáo dục tốt hơn để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó và ý tưởng thành lập trường nữ sinh ra đời.

Năm 2003, bà bắt đầu gây quỹ, kêu gọi tài trợ cho một "giấc mơ không thực tế", theo cách gọi của nhiều người. Bà đến thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, để tìm nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính với mức 2-10 nhân dân tệ (khoảng 6.000-33.000 đồng). Tuy nhiên, đáp lại sự tâm huyết của bà chỉ là sự nghi ngờ, thậm chí là cáo buộc lừa đảo và lăng mạ.

Bốn năm sau đó, Zhang dành cả kỳ nghỉ đông và hè để lang thang khắp đường phố, xin tiền xây trường nữ sinh. Dù vậy, số tiền bà nhận lại chỉ 10.000 nhân dân tệ, con số quá nhỏ với ước mơ xây trường. Đến năm 2007, bà Zhang được bầu làm Đại biểu Quốc hội nhờ sự cống hiến cho giáo dục ở nông thôn Trung Quốc. Khi đó, ước mơ xây trường trung học cho nữ sinh của bà được báo chí đưa tin, tỉnh Vân Nam hứa đầu tư 60 triệu nhân dân tệ cho dự án.

Một năm sau, trường trung học nữ sinh Huaping được hoàn thành, gồm một tòa nhà, đón 90 nữ sinh đầu tiên từ Huaping và các quận lân cận, không thu học phí.

Trường có 18 thầy cô, không tổ chức kiểm tra đầu vào nhưng bà Zhang đánh giá, khả năng nhận thức của học sinh vô cùng kém. "Các em không thể hiểu một vấn đề toán học đơn giản ngay cả khi được giải thích 8 lần", bà kể.

Chất lượng học sinh thấp khiến giáo viên liên tiếp nghỉ việc. Chỉ trong một năm, 9 người xin nghỉ, trường chỉ còn 8 thầy cô. Hiệu trưởng Zhang cho biết lúc đó đã chuẩn bị trường hợp tệ nhất là giải thể trường. Nếu việc này xảy ra, học sinh sẽ được gửi đến các trường trung học bình thường trong khu vực và tiếp tục bỏ học là điều gần như chắc chắn.

Tuy nhiên, mọi thứ được cải thiện khi bà Zhang và đồng nghiệp bắt đầu "thiết quân luật". Năm 2011, lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp và đều được nhận vào đại học hoặc cao đẳng nghề. Bốn năm sau, cơ sở vật chất của trường được cải thiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Từ năm 2015, vì sức khỏe yếu, bà Zhang không tiếp tục giảng dạy mà chuyển sang làm quản lý.

                     Hiệu trưởng Zhang Guimei. Ảnh: Yunnan.

Nữ hiệu trưởng 63 tuổi ăn, ngủ cùng học trò, giám sát việc học của các em. Với học sinh, bà Zhang được coi là "bà mẹ sắt", người lên kế hoạch nghiêm ngặt và không cho phép học sinh chểnh mảng khỏi mục tiêu đã đặt ra.

Từ 5h20, Hiệu trưởng Zhang Guime đánh thức học sinh bằng một chiếc loa. Các em có 10 phút cho bữa trưa và phải chợp mắt một chút cho buổi chiều. Mỗi tuần, học sinh chỉ được ra ngoài trường 3 tiếng và không được để tóc quá dài.

Không chỉ là hiệu trưởng, bà Zhang còn kiêm luôn nhiệm vụ của bảo vệ và nhân viên chăm sóc. Khi học sinh lên lớp, bà sẽ đi quanh trường kiểm tra độ an toàn của nguồn điện, nước.

Năm ngoái, bà Zhang khám sức khỏe, được chẩn đoán mắc nhiều bệnh, bao gồm viêm phế quản, viêm khớp và tăng huyết áp. Bác sĩ khuyên không nên làm việc quá sức nhưng bà coi việc hy sinh vì thành công của học trò là niềm hạnh phúc.

Năm 2019, 109 trên tổng số 118 học sinh của Huaping vào đại học. Hiệu trưởng Zhang chưa hài lòng với kết quả này và tin các em có thể làm tốt hơn.

Trong lần đến thăm nhà của một gia đình dân tộc Lisu, bà Zhang gặp ông nội của một nữ sinh. Ông bày tỏ niềm vui và sự biết ơn với bà Zhang khi cháu gái có thể vào đại học và "điều đó khiến ông yên lòng nhắm mắt xuôi tay".

Cả cuộc đời cống hiến cho giáo dục, đôi khi bị nói quá cứng nhắc và nghiêm khắc, bà Zhang cảm thấy hạnh phúc khi học trò thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống tốt hơn. "Thế là đủ. Đó chính là tâm nguyện của tôi", bà nói.

Theo vnexpress