Cậu bé George W. Bush (giữa) chụp cùng bố George Bush và mẹ Barbara Bush
tại Rye, New York, mùa hè năm 1955

Có lẽ ngay từ lúc còn con gái, bà Barbara đã muốn sống một cuộc đời bình yên và ấm cúng như mơ ước của bao phụ nữ truyền thống.

Bởi nếu không thế, chắc hẳn cô sinh viên năm nhất trường Smith College Barbara đã không quyết định "theo chồng bỏ cuộc chơi", bỏ ngang sự nghiệp học hành để theo… "đại học gia đình" với ông Bush.

Đã có khoảng 2.500 người dân tới tiễn biệt bà Barbara Bush, đệ nhất phu nhân của Tổng thống Mỹ thứ 41, trong lễ tang được tổ chức tại một nhà thờ ở Houston.

Theo hãng tin Reuters, công chúng được thăm viếng tại nơi đặt linh cữu của bà Barbara Bush bắt đầu từ trưa thứ sáu (20-4, giờ Mỹ) cho tới nửa đêm cùng ngày. Từng nhóm khoảng 10-15 người được xếp hàng vào viếng và lần lượt đi qua linh cữu của bà Barbara.

Ở tuổi 93, dù đang bệnh nặng, cựu Tổng thống George H.W. Bush vẫn ngồi xe lăn để cảm ơn những người đã tới tiễn biệt vợ ông.

Cựu đệ nhất phu nhân của nước Mỹ đã qua đời ngày thứ ba tuần này (17-4), thọ 92 tuổi.

Nhớ mãi tiếng cười của mẹ

Cho tới cuối đời, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì mình không đỗ một kỳ thi, không nhận thêm được quyết định hay không chốt được một hợp đồng. Bạn sẽ hối tiếc vì đã không dành thời gian cho chồng, con, bạn bè hay cha mẹ.

Barbara Bush

Ấy thế mà cuộc đời quả đã thích "trêu chọc" người phụ nữ tính cách xuề xòa và hài hước này khi "không chịu cho" bà sống một cuộc thầm lặng, khiêm nhường như mong muốn.

Bà trở thành một phần quan trọng trong lịch sử chính trị của nước Mỹ suốt nhiều thập kỷ khi là hậu phương vững chắc, hỗ trợ sự nghiệp cho chồng bà, Tổng thống thứ 41 George H.W. Bush, cho con trai cả là Tổng thống thứ 43 George W. 

Bush và con trai khác là Thống đốc bang Florida (giai đoạn 1999-2007), ông John Ellis "Jeb" Bush.

Nhưng ngay cả vậy thì bà vẫn quan niệm gia đình của mình "lớn" hơn Nhà Trắng, như câu nói của bà được người ta truyền tụng: "Tương lai của đất nước không phụ thuộc vào những gì diễn ra tại Nhà Trắng, mà nó phụ thuộc vào những gì diễn ra trong ngôi nhà anh".

Ông bà Bill Clinton và Hillary Clinton chia sẻ một khoảnh khắc vui vẻ
với ông bà Barbara Bush và George Bush

Dù thế, bà vẫn luôn chọn cho mình một góc khuất phía sau công việc của chồng và các con, giống như cách rất nhiều phụ nữ truyền thống, giàu đức hy sinh vẫn làm.

Đã có lần bà chia sẻ về lựa chọn của mình, khi hoàn thành cuốn hồi ký năm 1994, quan sát cách bà Hillary Clinton trong cương vị Đệ nhất phu nhân giúp chồng thực hiện hệ thống chăm sóc y tế phổ quát, bà viết: "Tôi không chắc là công chúng Mỹ thích những người vợ quá trung tâm và nổi bật. Bà ấy (Hillary Clinton) dường như mạnh mẽ hơn nhiều trong hai người họ. Liệu điều đó có khiến ông ấy trở nên yếu thế hơn không?"

"Ngôi nhà là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ là giáo viên đầu tiên và đọc là môn học đầu tiên của nó"

                                 Barbara Bush

Với quan niệm "dù anh nói về giáo dục, sự nghiệp hay dịch vụ, tức là anh đang nói về cuộc sống. Và cuộc sống thì phải thực sự có niềm vui. Nó cần niềm vui", bà chăm chút các con bằng sự chu đáo, vui vẻ, bằng tiếng cười, đôi khi là những lời nhắc nhở dí dỏm mà thấm thía với các con trong từng việc.

Có lẽ bởi vậy mà trong những lời chia sẻ sau khi mẹ mất, cựu Tổng thống George W. Bush đã nhắc tới niềm vui đáng nhớ nhất của ông những ngày có mẹ: "Mẹ đã luôn để mắt tới chúng tôi và luôn khiến chúng tôi được cười vui suốt ngày. Tôi thật là người may mắn vì được làm con mẹ".

Còn với ông Jeb Bush, cựu thống đốc bang Florida, một ngày sau khi mẹ mất, ông có mặt tại diễn đàn được tổ chức bên ngoài thành phố Chicago chỉ bởi mẹ đã muốn ông tham dự nó, và bởi ông đã hứa với mẹ việc này.

Phát biểu tại diễn đàn Elmhurst College Governmental Forum ngày 18-4, ông Jeb Bush nói ông vẫn có cảm giác như mẹ vẫn đang đứng gần ông và nhắc ông như mỗi lần "Con đã bảo với mẹ là con chỉ nói 30 phút thôi, vậy nên đừng có nói lố nhé".

Cái quái đản nhất trong việc dọn dẹp nhà cửa là dù thế nào thì ngày hôm sau nó cũng sẽ lại bẩn, vậy nến hãy cứ bỏ đó cả một tuần nếu bạn buộc phải làm thế. Con cái luôn là điều quan trọng nhất.

Barbara Bush

"Mẹ dạy tôi phục vụ người khác"

Tới giờ người ta vẫn còn lưu lại những câu nói đáng nhớ của bà Barbara, và từ đó hiểu được phần nào những quan niệm giáo dục của người phụ nữ rất truyền thống và "rất Mỹ" này.

Bà bảo: "Thiên vị cũng phải dạy (mới có). Nếu bạn nghe cha mẹ mình hạ thấp phụ nữ hay những người có xuất thân khác, đó là lý do vì sao bạn cũng sẽ làm như vậy".

Phu nhân Barbara Bush thời trẻ 

Trong những lời chia sẻ đầy xúc động sau khi mẹ mất, ông Jeb Bush cũng đã nhắc lại điều này: "Tôi thấy mình may mắn vì là con mẹ. Mẹ dạy chúng tôi biết phục vụ người khác, dạy chúng tôi làm một người dân bình thường, dạy chúng tôi yêu thương gia đình mình bằng cả tâm hồn, trái tim".

Với một người đã làm cha, làm mẹ, không niềm vinh dự và hạnh phúc nào lớn hơn sự thành đạt của con cái. Và nếu ai đó tự hỏi vì sao bà Barbara Bush có thể giúp chồng và nuôi dạy con cái được như vậy, "công thức thành công" có thể chỉ gói gọn trong mấy chữ "yêu thương" và "hy sinh".

Người phụ nữ ấy quá mạnh mẽ để có thể lùi lại phía sau, làm bệ đỡ cho chồng và các con làm nên sự nghiệp.

Bà Barbara cùng chồng, ông George Bush, vẫy tay chào những người ủng hộ
trong chiến dịch vận động tranh cử tại Springfield, Pennsylvania năm 1992

Bà hạnh phúc với mái tóc "không thèm nhuộm" và chuỗi ngọc trai giả có lẽ bởi chắc bà chưa từng băn khoăn liệu phong cách đó có "đúng chuẩn" một đệ nhất phu nhân hay không. Cũng bởi bà còn bận chăm chút cho 5 đứa con và một ông chồng.

Cho tới trước lúc cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ qua đời ngày 17-4, thọ 92 tuổi, vợ chồng tổng thống George H.W. Bush là cặp vợ chồng tổng thống Mỹ có thời gian chung sống hôn nhân lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ, 72 năm.

Gia đình ông bà Bush năm 1956

Và cũng bởi cái phúc này của gia đình mà Tổng thống George W. Bush cũng là người duy nhất trong số các Tổng thống Mỹ có cha mẹ còn sống sau khi đã kết thúc nhiệm kỳ.

Nhìn cảnh cựu tổng thống thứ 41 của nước Mỹ, mặc dù đang bị chứng bệnh Parkinson hành hạ và phải ngồi xe lăn, vẫn ở bên, nắm tay người bạn đời trong suốt những giờ khắc cuối cùng, người ta hiểu bà Barbara đã sống một cuộc đời thực trọn vẹn mà hẳn người phụ nữ nào cũng mong muốn.

Trong những năm là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ (1989-1993), bà đã dành tâm huyết rất nhiều để chăm chút cho việc dạy chữ cho người nghèo. 

Năm 1989 bà thành lập Quỹ Barbara Bush for Literacy, chuyên thực hiện các chương trình dạy chữ cho các gia đình có thu nhập thấp.

Bà đã viết hai cuốn sách "C. Fred’s Story" (1984) và "Millie’s Book" (1990) rồi góp toàn bộ tiền bán sách vào hoạt động của Quỹ này.

Sở dĩ bà quan tâm tới việc này vì cho rằng: "Nếu có nhiều người hơn biết đọc, biết viết và có thể hiểu biết, chúng ta có thể tiến gần hơn nữa trong việc giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn khác mà đất nước ta đang đối mặt hiện nay".