Ban đầu, Aloka Gonju không để ý đến mảng da đã chuyển màu kỳ lạ trên tay trái, cho đến khi những ngón tay cô bắt đầu đau nhức. Cơn đau kéo dài khiến cô phải xoay xở khó khăn với công việc tại một nông trang rộng lớn của Bangladesh. Tiền công ít ỏi từ việc hái chè là nguồn thu duy nhất để Gonju đỡ đần gia đình 8 thành viên gồm chồng cô, 4 người con và 3 người cháu.
“Khi ấy tôi không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra” - nữ công nhân 47 tuổi chia sẻ. Tới khi cô quyết định điều trị, tổn thương dây thần kinh ở tay trái đã lan rộng đến mức không thể cứu vãn. 2 năm trước, Gonju được chẩn đoán mắc bệnh phong.
Theo tổ chức từ thiện phi chính phủ Leprosy Mission, các đồn điền trà thuộc vùng Sylhet (đông bắc Bangladesh) có khoảng 600.000 công nhân và đa phần là phụ nữ. Đây là nơi có tỉ lệ mắc bệnh phong cao nhất thế giới.
Được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức phòng chống và hỗ trợ điều trị bệnh phong trên toàn cầu, Leprosy Mission có văn phòng làm việc tại 10 quốc gia châu Phi và châu Á. Mới đây, họ đưa ra thống kê đáng ngại: nguy cơ mắc bệnh phong đã tăng lên mức 15 ca/10.000 người ở Sylhet, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ dưới 1/10.000 người trên toàn Bangladesh. Hầu hết gia đình các công nhân hái chè đều có người nhiễm bệnh.
|
|
Gonju nay chỉ có thể lao động bằng một tay và bị cắt giảm lương |
Nỗi đau ẩn giấu
“Trong các đồn điền chè của Sylhet, bệnh phong đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy trước đây” - bác sĩ Benjamin Rozario, nhân viên y tế thường trực tại văn phòng Leprosy Mission ở Bangladesh - cho biết.
Tháng trước, Alice Cruz - báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc (LHQ) về nhiệm vụ chấm dứt phân biệt đối xử với người mắc bệnh phong - cảnh báo: số ca nhiễm bệnh còn tiềm ẩn tại Bangladesh rất có thể đang tăng cao.
Bệnh phong (hay bệnh Hansen) là một trong những căn bệnh ít được đầu tư nghiên cứu - phòng ngừa nhất thế giới. Bệnh lây truyền nhanh trong môi trường ẩm ướt. Lực lượng công nhân hái chè, thường phải sống chen chúc trong dãy nhà trọ cũ kỹ tại khu đồn điền, vốn luôn thiếu điều kiện sinh hoạt và dinh dưỡng, đặc biệt nhạy cảm với bệnh phong.
Điều trị bằng thuốc giúp ngăn chặn tiến triển bệnh. Tuy nhiên, tổn thương, khuyết tật do vi khuẩn phong gây ra không thể phục hồi.
Những ngày này, Gonju chỉ dùng tay phải để tiếp tục công việc tại một đồn điền thuộc tiểu khu Srimangal (quận Moulvibazar, nam Sylhet). Vì được trả lương theo sản lượng thu hoạch, đời sống của Gonju và gia đình giờ đây càng thêm khó khăn khi cô chỉ có thể lao động bằng một tay. Nữ công nhân đang hỗ trợ điều hành một nhóm tư vấn sức khỏe miễn phí cho người mắc bệnh phong tại nơi cô làm việc.
|
|
Nữ công nhân làm việc trong đồn điền chè tại Sylhet |
Leprosy Mission đã tư vấn, chữa trị cho hơn 1.600 ca nhiễm bệnh phong tại các đồn điền Bangladesh từ năm 2017. Chuỗi phòng khám sức khỏe di động của họ được đặt tại nhiều nông trang trồng chè. Với những người có dấu hiệu nhiễm bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế cộng đồng sẽ thăm khám, can thiệp điều trị sớm. Leprosy Mission cũng cung cấp dịch vụ tư vấn - chăm sóc lâu dài để người bệnh giảm nguy hiểm lẫn di chứng do căn bệnh để lại. “Với rất nhiều công nhân nơi đây, chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện quá đắt, giao thông cũng quá bất tiện” - Rozario cho biết - “Thế nên chúng tôi muốn "mang" dịch vụ y tế thiết thực đến giúp họ”.
Bất công kéo dài bệnh tật
Năm 1998, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố nguy cơ lây nhiễm bệnh phong tại Bangladesh đã được loại trừ - tức tỉ lệ mắc bệnh ở mức dưới 1/10.000 người. Thế nhưng điều này không đồng nghĩa rằng bệnh sẽ không có khả năng quay trở lại. Theo WHO, quốc gia Nam Á vẫn đang có số ca mắc bệnh phong cao thứ 5 trên thế giới.
Trong chuyến thăm Bangladesh hồi tháng 2 vừa qua, Cruz đại diện LHQ bày tỏ quan ngại rằng cam kết xóa sạch bệnh phong trước năm 2030 của chính phủ nước này “sẽ rất khó đạt được” giữa bối cảnh thiếu hụt ngân sách cùng hành động cụ thể như hiện nay. Cô nhấn mạnh, “tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Bangladesh vẫn chưa cho thấy tác động tích cực lên mục tiêu đẩy lùi bệnh phong”.
|
|
Các công nhân nữ tại một đồn điền cùng trò chuyện và uống trà |
Philip Gain - nhà nghiên cứu kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Môi trường và phát triển con người, tổ chức phi chính phủ đấu tranh vì công bằng nhân quyền và môi trường ở Bangladesh - tin rằng: điều kiện sống khắc khổ “đang ảnh hưởng từng ngày” lên sức khỏe những công nhân hái chè. Nhiều người bị suy dinh dưỡng. Nếu mắc bệnh nghiêm trọng, họ khó tiếp cận các cơ sở y tế vốn đang tồn tại rải rác, ít ỏi và thường cách xa nơi làm việc.
“Công nhân không được hưởng chế độ nghỉ phép thường niên hay nghỉ thai sản. Quanh đồn điền chè cũng không thể tìm ra hệ thống phòng tắm giặt, nhà vệ sinh, trong khi 95% lực lượng lao động tại đây là phụ nữ. Bữa ăn trưa nghèo nàn của họ diễn ra ngay ngoài trời, gần nơi làm việc” - Gain nói. Chuyên gia này cũng chỉ trích việc nhiều chủ đồn điền trả lương thấp với lý do đã cung ứng sẵn chỗ ở, dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho công nhân. “Trên thực tế, điều kiện sinh hoạt họ đem đến cho người lao động chỉ ở mức cơ bản”.
Theo phụ nữ TPHCM