Marie Laguerre trở thành biểu tượng chống quấy rối tình dục phụ nữ ở Pháp
Khi Marie Laguerre mắng vào mặt kẻ quấy rối, hắn lập tức đấm vào mặt cô. Video gây sốc về cuộc tấn công trên đường phố Paris đang thu hút hàng triệu người xem trên mạng xã hội, mở ra cuộc thảo luận trên toàn nước Pháp về tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ, theo
CNN."Hắn không phải kẻ đầu tiên trong ngày hôm đó, hay trong tuần đó", cô gái 22 tuổi kể lại ngày bị quấy rối hôm 24/7. "Ngày nào tôi cũng gặp vài kẻ như thế".
Hôm đó, Laguerre đang trên đường về nhà thì một gã đàn ông trên phố bắt đầu huýt sáo, tạo ra những tiếng động "bỡn cợt và sỉ nhục" cô.
"Tôi rất giận, mắng hắn câm miệng", Laguerre nói. "Tôi tưởng hắn không nghe được, nhưng hắn có nghe thấy và nổi điên, vớ lấy cái gạt tàn ném vào người tôi. Tôi to tiếng với gã lần nữa và sau đó, hắn đuổi theo đấm tôi".
Sự việc được camera an ninh tại một quán cà phê gần đó ghi lại. Sau khi đấm Laguerre, người này bỏ đi, nhưng bị các nhân chứng có mặt ở quán cà phê chặn lại.
"Tôi rất tự hào dù bị đấm. Tôi không muốn cho hắn thấy bất kỳ vẻ yếu đuối hoặc dấu hiệu nào để hắn nghĩ rằng có thể hạ nhục tôi", cô nói.
Công tố viên Paris cho hay chưa tìm thấy người tấn công Laguerre trong video. Sau khi chia sẻ video lên mạng xã hội, cô nhận được hàng trăm tin nhắn của những người phụ nữ chia sẻ chuyện bị quấy rối, cũng như của nhiều người đàn ông nói rằng họ đã nhận ra hành vi đó xấu xa tới mức nào.
"Khi đọc những dòng tin nhắn này, tôi cảm thấy mình được tăng thêm sức mạnh và hy vọng. Vì bây giờ, nhờ có video này, cánh đàn ông đã nhận ra những tình huống xấu mà phụ nữ chúng tôi đang phải đối mặt trên đường phố. Chúng tôi không cảm thấy an toàn", Laguerre nói.
Trong tuần này, cô đã phát động một diễn đàn trực tuyến cho phụ nữ có tên "Chúng ta đều bị quấy rối", để họ có thể giấu tên chia sẻ những trải nghiệm đáng buồn của mình.
Laguerre cảm ơn vì camera đã ghi lại được vụ tấn công, giúp nâng cao nhận thức về tình huốc mà mỗi phụ nữ phải đối mặt.
"Video này khiến nhiều người sốc, bởi họ có thể thực sự nhìn thấy điều gì xảy ra với phụ nữ nếu nói không", Laguerre bày tỏ. "Họ cũng có thể nhận thấy rằng đó không phải là hành vi tán tỉnh, mà là hành động với mong muốn thống trị phụ nữ. Nó giúp nâng cao nhận thức rằng chúng ta phải lắng nghe phụ nữ một cách thực sự, bởi vấn đề này đã và đang được nhắc đến nhiều năm nay".
Theo một khảo sát năm 2015 do Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học của Pháp thực hiện trên 27.000 phụ nữ, 20% số được hỏi cho biết từng bị huýt sáo tán tỉnh, 8% bị lăng mạ bằng lời nói, 3% bị theo đuôi ở nơi công cộng, 1,3% phụ nữ bị bạo hành thể xác.
Hôm 1/8, quốc hội Pháp đã thông qua một luật mới cấm bình luận hay nhận xét liên quan tới tình dục và giới tính mang ý "hèn hạ, sỉ nhục, dọa dẫm, hay xúc phạm". Quấy rối nơi công cộng có thể bị phạt tiền từ 104 đến 876 USD.
Laguerre cho rằng chủ nghĩa tình dục đã lan tỏa khắp xã hội, không chỉ thể hiện qua quấy rối trên đường phố.
"Chúng tôi không cảm thấy an toàn nơi công cộng, mà còn ở nơi làm việc", cô nói. "Những người đàn ông thích quấy rối đó ở mọi tầng lớp xã hội, từ chính trị gia tới diễn viên, nhạc sĩ, bác sĩ, giáo viên, có mặt ở mọi nơi. Họ có thể là bạn bè, anh trai, thậm chí là bố, hoặc con trai. Điều quan trọng là chúng ta không được phép nhân nhượng. Nếu nhìn thấy những hành vi tương tự xảy ra, bạn phải nói: 'Tôi không đồng ý với anh, anh phải chấm dứt ngay việc này'".
Theo VNexpress