Để minh họa cho những áp lực đè lên vai người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản, tiểu thuyết gia Mieko Kawakami kể lại trò chơi khăm phổ biến hồi tiểu học.
Các học sinh nam thường đùa giỡn rồi bất chợt tốc váy một số bạn nữ để liếc qua đồ lót của bạn, làm bạn xấu hổ. Tuy nhiên, điều trớ trêu là những bé gái không bị tốc váy lại là người cảm thấy tủi hổ hơn.
Mieko Kawakami, 43 tuổi, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Breasts and Eggs”. Ảnh: NY Times.
Xấu hổ khi không thu hút đàn ông
“Điều đó có nghĩa là bạn không hấp dẫn”, Kawakami, 43 tuổi, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Breasts and Eggs” (tạm dịch: “Ngực và Trứng”) bán chạy nhất tại Nhật Bản vừa được xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng 4, giải thích với New York Times. “Người phụ nữ cảm thấy sỉ nhục khi bản thân mình không thu hút đàn ông. Đó là quan điểm rất phổ biến trong xã hội Nhật Bản”.
Nhưng Kawakami và những nhân vật của cô đã vượt trên định kiến đó. “Breasts and Eggs”, tác phẩm giành giải thưởng văn học danh giá bậc nhất Nhật Bản năm 2008, đưa cô trở thành một trong những ngôi sao trẻ xán lạn nhất đất nước.
Dù “Breasts and Eggs” đã làm nhiều người theo chủ nghĩa truyền thống “khó chịu” với những miêu tả chân thật về cuộc sống của phụ nữ, những lời chỉ trích của họ đã bị lấn át bởi sự yêu mến từ người hâm mộ, đa số là phụ nữ trẻ.
Họ đồng cảm sâu sắc với những nhận định sắc sảo của Kawakami về quan niệm truyền thống xã hội áp đặt lên người phụ nữ, cũng như nỗ lực vượt lên từ các nhân vật của cô. Trong “Breasts and Eggs”, người dẫn chuyện, Natsuko Natsume, ngẫm nghĩ về sự chuyên chế của sắc đẹp trong khi cố gắng thử hiểu sự ám ảnh của chị gái mình về việc nâng ngực.
“Khi bạn đẹp, mọi người đều muốn nhìn bạn, muốn chạm vào bạn”, Natsuko viết. Nhưng cô ấy không để ý tới đàn ông. Natsuko, cũng là nhà văn, quan tâm đến việc sinh nở, nhưng không phải tình dục. Biên tập viên của cô, một phụ nữ độc thân, nói rằng việc không có con vẫn là “hoàn toàn tự nhiên”.
Một nhà văn khác, là mẹ đơn thân, đã hạ gục cái tôi cao ngất của một đồng nghiệp nam trong buổi giao lưu văn học khi tuyên bố “không người đàn ông nào có thể hiểu những điều thực sự quan trọng với phụ nữ”.
Một đồng nghiệp cũ đã mô tả mẹ cô, và cả cô, chẳng khác gì “lao động không công” cho chồng mình (và sử dụng từ ngữ thô tục để mô tả giải phẫu cơ thể người phụ nữ).
Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy tinh thần nữ quyền, đất nước này vẫn tương đối “tụt hậu” so với các quốc gia phát triển khác về sự tham gia của phụ nữ trong chính trị, bộ máy điều hành và giới học thuật. Ở nhà, phụ nữ phải oằn mình gồng gánh việc nhà và chăm sóc con cái.
Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật muốn có tự do trong lựa chọn cuộc sống của mình. Ảnh: NY Times.
Sự phản kháng của phụ nữ Nhật
Tuy nhiên, phụ nữ Nhật Bản đã bắt đầu “phản kháng”. Số người trì hoãn việc lập gia đình hoặc thậm chí không kết hôn đã lên tới con số kỷ lục. Một phụ nữ đã kêu gọi các nhà tuyển dụng bỏ quy định nhân viên nữ phải đi giày cao gót, thu thập hàng chục nghìn chữ ký trong kiến ##nghị và gửi tới Bộ Lao động, khiến một số doanh nghiệp phải nới lỏng quy định về trang phục của nhân viên nữ.
Trong văn học cũng vậy, phụ nữ Nhật Bản đang thể hiện vai trò ngày càng nổi bật. “Breasts and Eggs” giành giải thưởng Akutagawa danh giá, tên tuổi của Kawakami cùng nhiều tác giả nữ Nhật Bản khác đang thu hút sự chú ý lớn ở phương Tây.
Họ bao gồm Yoko Ogawa, tác giả cuốn tiểu thuyết “The Memory Police” lọt vào chung kết Giải thưởng Sách quốc gia năm ngoái và được đề cử Giải thưởng Sách quốc tế; Sayaka Murata, cũng đã giành giải thưởng Akutagawa cho tác phẩm “Convenience Store Woman”; và Hiroko Oyamada, với cuốn tiểu thuyết đầu tay “The Factory” đã được xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng 12.
Kawakami thậm chí còn được coi là tiếng nói đại diện của chủ nghĩa nữ quyền sau cuộc phỏng vấn của cô với Haruki Murakami, nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất Nhật Bản, năm 2017.
Trong cuộc phỏng vấn, Kawakami đã đặt câu hỏi cho Murakami về “mô tuýp dai dẳng về những người phụ nữ phải hy sinh vì lợi ích của nam chính” trong tiểu thuyết của ông, bày tỏ sự thất vọng giống như ý kiến của các nhà phê bình khác. (Murakami đã trả lời nhận định của Kawakami, giải thích rằng ông không nhìn nhân vật của mình như một cá thể, mà tập trung vào cách họ tương tác với thế giới).
Kawakami chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua Zoom, được gọi là một nhà văn nữ quyền ở Nhật Bản “phần nào vẫn là một hình ảnh tiêu cực”.
Khi “Breasts and Eggs” chiến thắng Giải thưởng Akutagawa, Shintaro Ishihara, khi đó là Thị trưởng Tokyo và cũng là thành viên của ủy ban trao giải, đã mô tả lời văn của cuốn sách là “ích kỷ” và “khó chịu và khó nghe”.
Sau khi Kawakami phát biểu trên tờ Asahi Shimbun, một trong những tờ báo lớn nhất của Nhật Bản, về việc phụ nữ không cần phải sử dụng từ "shujin” (có nghĩa là “chủ nhân") khi nói về chồng mình, các nhà phê bình đã tỏ thái độ bất bình với cô trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhưng người hâm mộ nhiệt liệt đón nhận các tác phẩm của cô. “Breasts and Eggs” bán được hơn 250.000 bản tại Nhật Bản và khi Kawakami biên tập một ấn bản đặc biệt cho một tạp chí văn học, Waseda Bungaku, nó đã được bán hết chỉ trong vài ngày.
Phiên bản tiếng Anh của “Breasts and Eggs” được dịch bởi Sam Bett và David Boyd, xuất bản bởi Europa Editions. Cuốn tiểu thuyết khám phá khả năng phụ nữ có sống mà không cần đàn ông, đặc biệt là trong những hoạt động cơ bản của quá trình sinh sản.
Natsuko, một người phụ nữ độc thân trong suốt cuốn tiểu thuyết, lựa chọn thụ tinh nhân tạo với một người hiến tinh trùng, một cách hiếm thấy để những người phụ nữ độc thân vẫn có thể làm mẹ ở Nhật Bản.
Kawakami đã nghiên cứu rất kỹ về thụ tinh trong ống nghiệm để viết văn. Cô chia sẻ: “Xã hội cảm thấy khó chấp nhận khi những phụ nữ ở độ tuổi 40, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, muốn có một gia đình riêng nhưng không lấy chồng […] Nếu họ đang tìm kiếm một ngân hàng tinh trùng, họ sẽ không nói ra. Nhật Bản rất bảo thủ về vấn đề liên quan tới phụ nữ và tình dục”.
Nhiều nhân vật của cô là mẹ đơn thân hoặc con của những người mẹ đơn thân, cũng như chính Kawakami.
Ngày càng nhiều các cửa hàng như Tonosamakarubi ở Tokyo với khách hàng chủ yếu là các phụ nữ độc thân. Ảnh: New York Times.
Cô lớn lên ở Osaka, thành phố lớn thứ ba Nhật Bản, là con của một nhân viên cửa hàng tạp hóa bán thời gian. Trong “Breasts and Eggs”, cô truyền tải chân thật tiếng địa phương và những điều hài hước riêng biệt của thành phố.
Kawakami kể lại, khi 14 tuổi, cô đã khai gian tuổi để làm việc bán thời gian tại một nhà máy sản xuất linh kiện điều hòa. Để giúp đỡ gia đình, cô làm thu ngân ở cửa hàng tiện lợi, rửa chén cho nhà hàng, trợ lý nha khoa và bán sách.
Lớn lên ở tầng lớp lao động, cô học được rằng, “trong hầu hết trường hợp, người giàu vẫn giàu và nghèo vẫn hoàn nghèo”, cô nói. “Ngay cả khi nỗ lực, bạn không thể luôn thay đổi cuộc sống của mình, và tôi đã học được bài học khắc nghiệt này khi còn nhỏ”.
Những nhân vật cô đơn
Từ câu mở đầu, “Breasts and Eggs” đã hoàn toàn thẳng thắn về vấn đề tầng lớp xã hội: “Nếu bạn muốn biết ai đó đã lớn lên trong cảnh nghèo khó như thế nào, hãy hỏi nhà họ đã có bao nhiêu cửa sổ”.
Để có tiền cho em trai học đại học, Kawakami làm lễ tân quán bar. Sau đó, cô chuyển đến Tokyo để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc nhưng không thành công.
Makiko, chị gái Natsuko trong “Breasts and Eggs”, cũng làm lễ tân tại một quán bar tồi tàn. Kawakami đã khắc họa rõ nét sự bấp bênh của chính công việc đó khi các lễ tân nữ liên tục bị thay thế bằng những người trẻ hơn để vừa mắt khách hàng.
Nỗi lo lắng của họ đặc biệt phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Với việc Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhiều thành phố đã yêu cầu đóng cửa các hộp đêm và quán bar có hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Phụ nữ làm việc ở những nơi này đặc biệt dễ bị tổn thương vì rất nhiều người trong số họ bị gia đình xa lánh và không có nơi nào để đi nếu họ không có việc làm.
Ban đầu, gói cứu trợ kinh tế của chính phủ loại trừ những người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, nhưng cuối cùng họ đã được thêm vào sau một làn sóng phản đối từ những người ủng hộ.
“Tôi phải nói rằng virus corona đang làm gia tăng khoảng cách xã hội”, Kawakami nói.
Cô lo lắng về những điểm mù trong phản ứng của Nhật Bản trước đại dịch, chỉ đạo bởi các nhà hoạch định chính sách chủ yếu là nam giới. Cô cho rằng các nhà lập pháp nam giới “không biết những người phụ nữ phải vất vả chăm sóc trẻ em hoặc làm việc nhà như thế nào” khi các trường học đóng cửa và nhân viên văn phòng làm việc tại nhà.
Bản dịch tiếng Anh của “Breasts and Eggs” xuất bản sau một số tác phẩm ngắn của Kawakami trên các tạp chí văn học và ấn phẩm tiếng Anh. Một truyện ngắn, “Ms Ice Sandwich”, đã được Pushkin Press phát hành năm 2018, dịch bởi Louise Heal Kawai.
Trong tác phẩm đó, được thuật lại bởi một cậu bé lớp bốn, Kawakami đã xây dựng một nhân vật nữ bị dị nghị là đã phẫu thuật thẩm mỹ và bị đánh giá khắt khe đến tàn nhẫn vì điều đó.
Kathryn Tanaka, Phó giáo sư nghiên cứu Văn hóa và Lịch sử tại Đại học Otemae ở Nishinomiya, nói: “Cô ấy đã cho thấy những điều mà phụ nữ trải qua để đạt được những gì được coi là vẻ ngoài được xã hội chấp nhận”.
“Chúng ta đã nói rất nhiều về việc làm mẹ đơn thân hoặc phẫu thuật thẩm mỹ hoặc vô sinh, nhưng tất cả mới chỉ là trên bề mặt”, cô nói. “Những tác phẩm của cô ấy buộc bạn phải đi sâu hơn và suy ngẫm về cách những điều này trở thành một vấn đề thông qua các mối quan hệ, và cách chúng ảnh hưởng đến mỗi người”.
Kawakami chia sẻ có nhiều fan nữ trẻ tuổi tiếp cận cô trong các buổi ra mắt sách, xin chữ ký và khóc.
Có điều gì đó về sự cô đơn trong các nhân vật của Kawakami, hoặc sự khao khát của họ đối với cái gì đó lớn hơn những thứ được mong đợi ở họ, đã đánh động cảm xúc người đọc. Kawakami chia sẻ cô sẽ rất vui nếu tiểu thuyết của mình mang đến niềm an ủi tạm thời cho độc giả.
“Có lẽ tôi sẽ rất hạnh phúc nếu sau này, họ nhìn lại và nói: ‘Tôi đã từng đọc những cuốn sách của Mieko, khi còn trẻ’”, Kawakami nói, “’nhưng bây giờ tôi không có lý do gì để đọc chúng nữa’”.
Theo Zing