Nhà văn Svetlana Alexievich nổi tiếng với những tác phẩm với góc nhìn đặc biệt và chân thật về chiến tranh cũng như thảm họa hạt nhân trong lịch sử

Bà Svetlana Alexievich trở thành người phụ nữ thứ 14 được vinh danh Nobel Văn học kể từ khi Viện Hàn lâm Thụy Điển bắt đầu trao giải ở hạng mục này năm 1901. Người phụ nữ gần nhất được vinh danh là nữ văn sĩ Canada Alice Munro vào năm 2013.​

 “Svetlana Alexievich đã mang đến những tác phẩm xuất chúng đầy mẫu mực về nỗi đau, lòng dũng cảm hiện hữu trong thời đại của chúng ta. Bằng câu chữ và phương pháp kết nối hình ảnh con người đặc biệt của mình bà ấy đã tái hiện những trang sử về tâm hồn, những cung bậc cảm xúc mà độc giả chưa bao giờ được biết đến, đồng thời đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về cả một thời đại ”, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, bà Sara Danius, chia sẻ trong phần công bố kết quả Nobel Văn học hôm 8/10/2015.

Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, bà Alexievich sẽ được nhận món tiền thưởng 8 triệu kronor, tương đương 950.000 USD hoặc 855.000 USD.

Svetlana Alexievich là nhà báo, nhà văn người Belarus nổi tiếng với những tác phẩm với góc nhìn đặc biệt và chân thật về chiến tranh cũng như thảm họa hạt nhân trong lịch sử như War’s Unwomanly Face (tạm dịch: Gương mặt thiếu nữ tính của chiến tranh), quyển sách xuất bản năm 1988 được viết dựa trên hàng trăm cuộc phỏng vấn với những người phụ nữ từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai; hay quyển Voices of Utopia (tạm dịch: Tiếng nói của Utopia) miêu tả cuộc sống ở Liên bang Xô Viết trước đây theo góc nhìn của tác giả.

Ngoài War’s Unwomanly Face thì bà Alexievich còn những tác phẩm khác viết bằng tiếng Anh như Zinky Boys: Soviet Voices From a Forgotten War (tạm dịch: Tiếng nói Xô Viết từ một cuộc chiến tranh bị lãng quên) xuất bản năm 1992, Voices From Chernobyl: Chronicle of the Future (tạm dịch: Tiếng nói từ Chernobyl: Niên đại ký sự của tương lai) năm 1999, Voices From Chernobyl: The Oral History of a Nuclear Disaster (tạm dịch: Tiếng nói từ Chernobyl: Lời nói lịch sử của một thảm họa hạt nhân) năm 2005.

Vì luôn thể hiện những quan điểm chính trị thẳng thắn và quyết liệt trái ngược với chính phủ Belarus nên Svetlana Alexievich đã từng phải di chuyển đến sống ở nhiều nước khác như Italia, Pháp, Đức và Thụy Điển... Dù vậy bà vẫn chưa bao giờ ngừng viết và xuất bản sách dù ở bất cứ đâu.

Chiến thắng của bà Alexievich là một sự khích lệ lớn cho các tác giả không có sách ăn khách hàng đầu mang tham vọng giành giải Nobel. Thực tế trong một thập niên qua Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển thường trao giải cho những nhà văn châu Âu không “nổi như cồn” mà có những tác phẩm có chiều sâu như tiểu thuyết gia Pháp J. M. G. Le Clézio vào năm 2008, tác giả người Rumani - Đức Herta Muller năm 2009 hay nhà thơ - dịch giả Thụy Điển Tomas Transtromer năm 2011.

    Theo vietnamplus.vn; thanhnien.vn