leftcenterrightdel
 Phụ nữ ở nhiều nước Trung Đông không được khuyến khích đá bóng vì quan niệm trang phục bảo thủ.
 

"Con là con gái, đá bóng là không thể".

Sarah Asimrin vẫn thường nghe điều đó từ các chú của mình. Nhưng vào một buổi tối gần đây, cầu thủ trẻ người Jordan đã có mặt trên sân bóng của câu lạc bộ để tập luyện cùng với các cô gái và chàng trai khác.

"Tôi yêu bóng đá vì nó có tính hành động. Tôi rất thích bóng đá, hơn bất kỳ môn thể thao nào khác", Asimrin nói với AP.

Em gái của cô, Aya, cũng chơi bóng. Bất chấp sự e ngại của một vài người chú, gia đình vẫn ủng hộ họ. Cha của cả hai là huấn luyện viên tại một học viện bóng đá tư nhân ở Amman, Jordan.

Bóng đá nữ từ lâu đã bị bỏ quên ở Trung Đông, khu vực phát cuồng với môn bóng đá nam và lần đầu tiên đăng cai giải đấu lớn nhất hành tinh, World Cup Qatar 2022.

Các cầu thủ nữ bị kìm hãm do thiếu tài chính và phần lớn vì thái độ bảo thủ cho rằng môn thể thao vua không dành cho các cô gái cũng như đồng phục thi đấu quần đùi áo số là quá hở hang.

Trò chơi chỉ dành cho nam giới

Tuy nhiên, một số nơi đã có dấu hiệu thay đổi, chủ yếu do sự thúc đẩy tích cực từ phía chính phủ. Điều này giải tỏa tình yêu bóng đá dồn nén của phái nữ và góp phần thay đổi thái độ của công chúng.

Jordan là một trong những nước đi đầu, với một trong những đội tuyển quốc gia nữ thành công nhất trong khu vực và mạng lưới các giải đấu thanh niên, trường học dành cho trẻ em gái.

Một vài nơi khác đang tạo ra những cú hích mới. Tháng trước, các trận đấu đầu tiên của giải ngoại hạng nữ mới được tổ chức tại Saudi Arabia, nơi phụ nữ chỉ được phép tham dự các trận đấu bóng đá kể từ năm 2017. Đội tuyển nữ quốc gia Saudi Arabia đã thi đấu với các đội quốc tế lần đầu tiên trong năm nay.

leftcenterrightdel
 Không có nhiều đội bóng dành cho nữ giới tại Jordan.

Những giải đấu mới ra mắt mang đến cho các đội nữ cơ hội thi đấu quốc tế và nhóm người ủng hộ hy vọng sẽ khuyến khích sự ra đời của nhiều đội bóng nữ hơn.

Liên đoàn bóng đá châu Á và các hiệp hội bóng đá Tây Á lần đầu tiên tổ chức giải vô địch câu lạc bộ nữ vào năm 2019. Điều này tiếp sức cho ước mơ của những phụ nữ trẻ hy vọng đạt đến trình độ thi đấu chuyên nghiệp.

Masar Athamneh (20 tuổi), thành viên của một đội nữ ở Amman, cho biết cô đã chơi bóng đá từ năm 12-13 tuổi. Cô thường chơi cùng anh trai, những cậu bé trên sân cỏ trong khu phố và xem các giải đấu châu Âu trên TV. Ngôi sao bóng đá Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo là thần tượng của cô "bởi vì anh ấy đã làm việc chăm chỉ cho bản thân".

Cô hy vọng một ngày nào đó sẽ được khoác áo đội tuyển quốc gia Jordan trong các trận đấu quốc tế.

"Tất nhiên, chúng tôi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giống như 'Đây là trò chơi chỉ dành cho nam giới', 'Tại sao bạn lại mặc quần đùi?' và rất nhiều định kiến khác. Đó là vấn đề lớn mà chúng tôi phải đối mặt, nhưng tôi nghĩ cùng với thời gian nó sẽ được cải thiện", Athamneh nói.

Bóng đá nữ là "thứ xa xỉ"

Nhà phân tích thể thao Owni Fraij cho biết Liên đoàn bóng đá Jordan cung cấp hỗ trợ tài chính cho các câu lạc bộ thành lập đội nữ, khiến một số câu lạc bộ có quan niệm bảo thủ cũng phải nhảy vào cuộc.

Tuy nhiên, tiền vẫn là vấn đề lớn nhất. Các câu lạc bộ cho rằng đội nữ không tạo ra thu nhập và "như một thứ gì đó xa xỉ", Fraij nói.

Ai Cập cho thấy sự tương phản rõ rệt nhất của khu vực. Các đội nam nhận nhiều tài trợ thường xuyên vô địch các giải đấu khu vực, trong khi bóng đá nữ gần như bị bỏ quên dù rất nỗ lực. Wadi Degla là đội duy nhất giành chiến thắng trong hầu hết cuộc thi dành cho nữ.

Cầu thủ nữ Ai Cập cũng phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng. Vào năm 2020, chiến thắng của đội tuyển nữ U20 trước Lebanon đã vấp phải hàng loạt bình luận quấy rối tình dục trên mạng xã hội. Nhiều người nhận xét tục tĩu và chế nhạo rằng các cô gái không nên chơi bóng.

leftcenterrightdel
 Cầu thủ nữ có thể bị chỉ trích, quấy rối tình dục chỉ vì mặc quần đùi. 

Phản ứng của những người điều hành thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Họ đã đình chỉ các trận đấu sau đó và sa thải ban huấn luyện của đội, làm dấy lên lo ngại rằng toàn đội sẽ bị giải tán. Các cầu thủ đã phải tham gia chương trình truyền hình và lên tiếng trên mạng xã hội để bảo vệ đội bóng của mình.

Tại những khu vực có chính trị bất ổn, sự nhiệt tình của các cô gái đối với bóng đá không bao giờ tìm thấy lối thoát. Bóng đá hầu như không tồn tại ở Dải Gaza.

Một trong số ít các đội thể thao nữ của Gaza là câu lạc bộ thanh niên Beit Hanoun Al-Ahli, với 20 cô gái chơi bóng đá và bóng rổ. Cả đội mặc quần dài thay vì quần đùi và áo sơ mi dài tay khi chơi bóng.

Khi đến tuổi 17, họ sẽ dừng cuộc chơi, thường là để kết hôn, quản lý của đội Maha Shabat cho biết.

"Không có sự ủng hộ đối với phụ nữ chơi thể thao ở Dải Gaza. Không có bất kỳ sự ủng hộ nào để họ được chơi bóng giống như các cô gái ở những nơi khác trên thế giới", bà Shabat nói.

Theo zingnews