Năm 2022, Justine Aldersey-Williams đặt ra thử thách tự làm ra quần jeans cho riêng mình sau khi nhận thấy tác động môi trường của ngành thời trang.

leftcenterrightdel
 Justine Aldersey-Williams mặc chiếc quần jeans do mình gieo hạt, trồng cây, quay sợi, dệt và cắt may - Ảnh: Paul Coope

Công việc này là một phần của dự án thí điểm thời trang tái tạo Homegrown Homespun do Justine thành lập với sự hợp tác của Patrick Grant - người dẫn chương trình The Great British Stitch Bee và người sáng lập doanh nghiệp Quần áo cộng đồng. Họ hy vọng sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp thời trang qua việc giới thiệu lại các loại cây dệt bản địa để người tiêu dùng tránh mua thời trang có hại từ nhiên liệu hóa thạch. “Chúng tôi dường như quên rằng có những nhà máy dệt bản địa ở Anh và chúng tôi từng có kỹ năng tự may quần áo từ vải cây nhà lá vườn” - Justine nói.

Justine tiến hành trồng lanh và chàm trên mảnh đất của cô. Cô đã dành 9 tháng để học cách quay sợi. Sau đó, cô tranh thủ sự giúp đỡ của thợ dệt địa phương Kirsty Jean Leadbetter - nhà sáng lập Công ty dệt Liverpool - và nhà thiết kế denim Mohsin Sajid.

Cùng với việc điều hành The Wild Dyery, Justine còn thành lập Northern England Fibreshed - một tập thể các chuyên gia dệt may trong khu vực giải quyết vấn đề bóc lột xã hội và môi trường trong ngành thời trang nhanh toàn cầu bằng cách chỉ làm việc với các nguyên liệu tự nhiên có nguồn gốc địa phương và bền vững.

Justine hiện điều hành một khóa học trực tuyến về trồng trọt, kéo sợi và dệt vải. Với cô, việc trồng vải và tự may quần áo là một trải nghiệm đầy cảm xúc. “Hãy luôn kiểm tra nhãn và xem các mặt hàng được làm từ chất liệu gì. Cố gắng tránh polyester hoặc các loại vải tổng hợp khác vì chúng có hại nhất” - cô đưa ra lời khuyên.

Theo phụ nữ TPHCM