Một ngày giữa tháng 9/1954, Marilyn Monroe mặc chiếc đầm cocktail xếp ly trắng ngang gối khi quay cảnh phim The seven year itch ở đường ray tàu điện ngầm thành phố New York. Nhân vật của cô vừa quay sang hỏi nhân vật do Tom Ewell thủ vai: "Ồ, anh có cảm nhận được luồng gió từ tàu điện không?", vừa duyên dáng đưa tay giữ tà váy đang bị tốc cao.

Cảnh quay thực hiện lúc một giờ đêm tại góc đại lộ Lexington và đường 52 (New York). Marilyn phải quay đi quay lại 14 lần trong hơn ba giờ đồng hồ, thu hút khoảng 100 phóng viên, nhiếp ảnh gia và tầm 2.000 - 5.000 khán giả. Đám đông chủ yếu là nam giới, hét lớn "Cao hơn" mỗi lần gió thổi bay váy cô đào. Nữ diễn viên đã chuẩn bị kỹ lưỡng với hai lớp quần trắng để không bị lộ quá nhiều.

Tuy nhiên, 14 cảnh quay không thể sử dụng bởi tiếng ồn quá lớn từ đám đông. Sau này, cảnh trong phim được thực hiện lại trong phim trường ở California, khán giả chỉ thấy cảnh tốc váy qua loa, quay phần chân cô đào. Nhưng hiệu ứng truyền thông từ buổi quay đầu khiến tác phẩm trở nên nổi tiếng trước cả khi ra mắt.

The seven year itch kể về người đàn ông bị vợ và con bỏ rơi ở nhà trong chuyến nghỉ mát gia đình. Anh ta gặp, làm quen với một người mẫu tóc vàng gợi cảm, quyến rũ lầu trên do Marilyn Monroe thủ vai. Một lần, cả hai đi xem phim. Khi bước khỏi rạp chiếu, họ tới bến tàu điện ngầm, dẫn tới cảnh kinh điển - một trong những khoảnh khắc biểu tượng của điện ảnh, thời trang thế kỷ 20.


                                                                         Đám đông báo chí, người hâm mộ, nhiếp ảnh gia tụ tập trong buổi quay ở New York. Ảnh: Shaw Family Archives.

William Travilla đảm nhận thiết kế trang phục. Ông là nhà tạo mốt hàng đầu của hãng phim 20th Century Fox thời đó, từng hợp tác Marilyn Monroe trong tám tác phẩm khác như How to Marry a Millionaire (1953), Gentlemen Prefer Blondes (1953)... Ở The seven year itch, Travilla sử dụng vải crepe - một loại lụa trơn từ tơ nhân tạo, tạo nếp và chuyển động nhẹ nhàng mỗi lần nữ diễn viên di chuyển, đủ nhẹ để bay lên khi có gió.

Chiếc váy của Marilyn dựa trên phong cách thời trang thịnh hành thập niên 1950 -1960, đồng thời mang hơi hướng váy áo trong thần thoại Hy Lạp. Chất liệu mềm rủ màu trắng ngà với những đường xếp ly, cổ khoét sâu tôn vòng một, hở lưng, vai, cánh tay cùng chiếc thắt lưng mảnh mai quấn quanh eo. Travilla mô tả thiết kế của mình: "Mát mẻ và sạch sẽ, trong một thành phố đầy tăm tối".

Tuy vậy, sự thành công của trang phục không hoàn toàn nằm ở sự hở hang. Deborah Nadoolman Landis - giáo sư thiết kế trang phục tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) nhận xét: "Chiếc váy thể hiện những nét tương phản trong con người Monroe - ngây thơ và toan tính, mong manh mà dũng cảm". Bộ váy kết hợp giữa vẻ trong trắng, thơ ngây và táo bạo, khêu gợi, phù hợp phong cách cô đào nóng bỏng của Hollywood.


                    Hannah Lack của CNN nhận xét: "Cả cô ấy và chiếc váy đều trắng như thiên thần và táo bạo. Thiết kế phản ánh nét đối lập đầy thu hút của chính nữ diễn viên". Ảnh: AP.

Nhưng trang phục và cảnh phim cũng là hồi kết cho cuộc hôn nhân lần hai của cô với cầu thủ Joe Dimaggio. "Marilyn chia tay Joe vì những bức ảnh gợi cảm", tờ Daily News giật tít. Chồng cô ghen tuông và muốn vợ thành người phụ nữ truyền thống, trong khi Marilyn khao khát tự do, nổi tiếng. Dimaggio có mặt trong cảnh quay tại ga tàu, giận dữ khi vợ liên tục tốc váy trước con mắt hàng nghìn đàn ông. Họ tranh cãi nảy lửa khi cô đào quay lại khách sạn Suite 1105 sau đó. Sự việc thành giọt nước tràn ly cho cuộc hôn nhân kéo dài chín tháng của cả hai. Ba tuần sau, cô đào tuyên bố ly hôn.

Bộ váy trắng của Marilyn Monroe tạo nên ảnh hưởng văn hóa, nghệ thuật lớn. Nhiều tạp chí như Zoom, Quattroruote, Quick, Rosie... tái hiện cảnh tốc váy kinh điển trên trang bìa. Vô số buổi chụp hình thời trang, quảng cáo bán soda, ôtô, kem tẩy lông... mượn khoảnh khắc nổi tiếng. Nữ diễn viên Kelly LeBrock mặc váy đỏ, diễn lại cảnh tốc váy trên poster The lady in Red (1984). Những phim Asso (1981), Bordello of Blood (1996), Breaking all the Rules (1985) cũng bắt chước.

Sau này, những ngôi sao như Britney Spears, Nicki Minaj, Lindsay Lohan, Madonna mượn trang phục, khoảnh khắc nổi tiếng trong nhiều lần trình diễn. Thương hiệu Barbie ra mắt mẫu búp bê tóc vàng mặc váy trắng giống Marilyn. Năm 2011, nghệ sĩ điêu khắc Seward Johnson tạo nên tác phẩm Forever Marilyn cao 8 m trong tư thế tốc váy. Tác phẩm được trưng bày ở nhiều nơi và đặt tại công viên Palm Spring (California) đầu năm nay.


                                                                                               Người xem tập trung quanh tác phẩm "Forever Marilyn". Ảnh: AP.

Mặc dù váy cocktail trắng là một trong những trang phục nổi tiếng nhất sự nghiệp Travilla, nhà tạo mốt không thực sự chú ý đến nó, thậm chí từng gọi là "chiếc váy nhỏ ngớ ngẩn" (that silly little dress). Khi Travilla mất năm 1990, nữ diễn viên Debbie Reynolds mua lại thiết kế với giá 200 USD. Năm 2011, chiếc váy được bán lại với giá 4,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá các kỷ vật của Hollywood do Reynolds tổ chức.

Đến nay, Marilyn Monroe trong bộ cocktail trắng xếp ly vẫn là biểu tượng phóng khoáng của Hollywood thế kỷ 20. Cây bút Hannah Lack của CNN nhận xét: "Trong nhiều thập kỷ kể từ khi bộ phim (The seven years itch) ra mắt, chiếc váy khêu gợi đã trở thành hình ảnh gợi nhắc tới Marilyn".

Theo vnexpress