leftcenterrightdel
 Phụ nữ Hàn Quốc cắt tóc ngắn ủng hộ nữ quyền

Chiến dịch này được thực hiện sau vụ 1 nữ nhân viên bán thời gian ở tuổi 20 đang làm việc tại một cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Nam Kyungsang, bị 1 thanh niên khoảng 20 tuổi hành hung chỉ vì cô để tóc ngắn.

Theo cảnh sát, kẻ tấn công đã bị tóm gọn khi đang hành hung nữ nhân viên tại cửa hàng vào ngày 4/11. Thanh niên này cũng hành hung 1 khách hàng nam khoảng 50 tuổi, khi người này đang cố gắng ngăn chặn vụ tấn công.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, kẻ tấn công nói nạn nhân là 1 nhà hoạt động nữ quyền vì để tóc ngắn và "kẻ hoạt động vì nữ quyền nên bị trừng phạt". Cảnh sát cho biết sẽ điều tra ngay khi các nạn nhân bình phục vết thương.

Tức giận trước vụ việc, nhiều phụ nữ để tóc ngắn bắt đầu chia sẻ ảnh của họ thông qua Instagram và các nền tảng mạng xã hội khác.

"Tóc ngắn không khiến tôi trở thành đàn ông" - một người dùng Instagram viết kèm theo ảnh của cô ấy, trong khi một người dùng X (Twitter) viết: "Mỗi người trong chúng ta đều sống cuộc sống của riêng mình. Tại sao bạn lại quan tâm đến kiểu tóc của người khác?".

Đây không phải lần đầu tiên chiến dịch tóc ngắn bùng nổ ở Hàn Quốc. Vào năm 2021, cung thủ An San, người đã giành 2 huy chương vàng ở nội dung đồng đội hỗn hợp và đồng đội nữ tại Thế vận hội Tokyo 2020, cũng đã bị các nhóm trực tuyến của nam đặt câu hỏi về mái tóc ngắn của cô. Họ còn dán nhãn cho cô là 1 nhà hoạt động vì nữ quyền, để lại những ngôn từ xúc phạm trên tài khoản cá nhân của cô.

Đáp lại, 1 chiến dịch trực tuyến để bảo vệ An đã được tiến hành với sự tham gia của các chính trị gia và người nổi tiếng.

Nữ quyền ở Hàn Quốc có đặc điểm hơi khác so với các phong trào nữ quyền ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ở đây, thuật ngữ "nữ quyền" thường gắn liền với việc phụ nữ ghét đàn ông. Do đó, một số nhóm trực tuyến (chủ yếu là các nam thanh niên) cho rằng nam giới đang bị đối xử bất công bởi cái gọi là chính sách tập trung vào nữ quyền. Họ cũng chỉ ra rằng có những trường đại học dành cho phụ nữ trong nước nhưng không có trường đại học nào chỉ dành cho nam giới.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê lại cho thấy phụ nữ chịu khá nhiều thiệt thòi.

Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ. Con số này ở mức 31,1% vào năm 2021, nghĩa là phụ nữ kiếm được trung bình ít hơn 31,1% so với nam giới. Trong khi đó, mức chênh lệch trung bình của các thành viên trong OECD là 11,9%.

Theo phụ nữ TPHCM