|
|
Đại sứ Bùi Thế Giang (thứ hai từ phải) cùng Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (giữa) thăm Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình nơi đăng ký kết hôn cho Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner năm 1986. (Ảnh: PH) |
"Dâu là con, rể là khách"
Sau Lễ rải tro cốt bà Merle Evelyn Ratner – người bạn Mỹ thân thiết của Việt Nam tại Hải Phòng (ngày 10/8), Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng Giáo sư Ngô Thanh Nhàn-chồng bà Merle tới thăm một số nơi in dấu kỷ niệm của bà Merle với Hà Nội, trong đó có Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, nơi đã làm giấy đăng kí kết hôn cho Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle.
Bà Merle luôn đau đáu việc đăng ký kết hôn ở Việt Nam, bà viết một bức tâm thư vô cùng cảm động bày tỏ nguyện vọng được đăng ký kết hôn với ông Ngô Thanh Nhàn ở Việt Nam, nhất quyết là ở Việt Nam chứ không thể nơi nào khác. Giấy kết hôn giữa một Việt kiều và một người Mỹ tại Việt Nam, trong thời kỳ cấm vận là một điều vô cùng đặc biệt. Cũng chính sự kiện đặc biệt năm 1986 đó đã gieo duyên cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, Việt Nam có một người “con dâu” trọn nghĩa, vẹn tình.
“Thành ngữ Việt Nam có câu: Dâu là con, rể là khách. Chỉ cần nhìn từ tình cảm con người thuần tuý, Merle đã thực sự là một người con của đất nước Việt Nam, của gia đình dân tộc Việt Nam”, Đại sứ Bùi Thế Giang chia sẻ.
Bao nhiêu năm gắn liền với mối quan hệ Việt-Mỹ cũng là bấy nhiêu năm Đại sứ Bùi Thế Giang biết đến người “đồng chí” Merle Ratner với một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam.
Trong mấy thập kỷ qua, nhất là trong 29 năm qua kể từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ Bùi Thế Giang và bà Merle Ratner thường xuyên liên hệ trao đổi với nhau, trực tiếp ở Việt Nam và ở Mỹ, và gián tiếp qua điện thoại.
Đại sứ Bùi Thế Giang kể rằng thông thường, mỗi lần trao đổi trực tiếp đều kéo dài cả buổi, còn khi qua điện thoại thì có lẽ cũng phải trên dưới một tiếng đồng hồ. Mọi cuộc trao đổi ấy, sau mấy câu hỏi thăm nhau về công việc, cuộc sống và gia đình, thì đều chỉ xoay quanh những nội dung liên quan tới Việt Nam.
Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Merle đều đọc kỹ, nghĩ nhiều và viết nghiêm túc nhiều kiến nghị gửi một số cơ quan Trung ương.
Đại sứ Bùi Thế Giang chia sẻ, ngoài những chuyện ở tầm chính sách, chiến lược, điều khiến bà Merle trăn trở hơn cả là làm thế nào để thành quả của cuộc kháng chiến cứu nước được tiếp tục phát huy trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam? Làm thế nào để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục là đảng của những “công bộc” của dân như Bác Hồ vẫn dạy? Làm thế nào để nhiều người Việt Nam giàu lên, nhưng đất nước Việt Nam phải mạnh hơn, dân tộc Việt Nam phải tiếp tục là lương tri, là phẩm giá của con người? Làm thế nào để những nạn nhân chiến tranh, nhất là nạn nhân chất độc Da cam/dioxin, vừa được chữa trị vừa được trả lại sự công bằng, công lý?
Lễ rải tro cốt của bà Merle được tổ chức đáng vào Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đánh dấu 63 năm kể từ lần đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hoá học xuống nước ta. Bà Merle chính là một trong số những người chủ chốt thành lập và điều phối Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Suốt cuộc đời, bà Merle luôn dành trọn thời gian và sức lực hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mỗi khi các nạn nhân sang Mỹ để vận động dư luận, đấu tranh cho lẽ phải, ngay từ ngày đầu tiên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khởi kiện 37 công ty hoá chất Mỹ tháng 1/2004.
Đại sứ Bùi Thế Giang nghẹn ngào nhớ lại những năm tháng công tác ngoại giao đầy gian khó ở Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. Những năm tháng ấy ông và gia đình, đồng nghiệp có thể vững vàng vượt qua một phần cũng nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle.
Thật khó tin một người phụ nữ Mỹ lại yêu Việt Nam nhiều hơn tất cả, sống một cuộc đời giản dị giữa lòng nước Mỹ, trong căn nhà thuê rộng 50 m2, xung quanh bốn bề là sách và tài liệu về Việt Nam, chỉ dành một khoảng nhỏ vừa kê một chiếc đệm khi ngủ. Mấy chục năm qua, căn hộ này luôn là “địa chỉ đỏ”, nơi những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại New York nói riêng và nước Mỹ nói chung có thể gặp gỡ, trao đổi. Cũng người phụ nữ Mỹ đó, sống và làm việc theo giờ Việt Nam, làm việc khi đêm khuya để có thể nói chuyện và trao đổi với những người “đồng chí” ở nửa vòng trái đất...
“Suy nghĩ của chúng tôi về bạn, về tình yêu cuộc sống của bạn, về ý chí mạnh mẽ của bạn trong cuộc đấu tranh vì lẽ phải, vì con người, và về tình yêu của bạn dành cho Việt Nam, tất cả những điều ấy sẽ xuyên qua năm tháng, sẽ vượt lên trên thời gian, sẽ trở thành bất tử. Hãy nghỉ yên, trong bình an vĩnh cửu!”, Đại sứ Bùi Thế Giang xúc động tỏ bày.
"Đất nước và người dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng tình cảm, cống hiến của bà Merle Ratner đối với sự nghiệp kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc phát triển, hội nhập của Việt Nam, cũng như hành trình tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam... Lý tưởng, cuộc đời hoạt động và những cống hiến của bà Merle Ratner đã trở thành di sản quý báu, là nguồn cảm hứng, động viên để rất nhiều bạn bè, đồng chí noi theo và tiếp tục phát huy", Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ tại lễ tưởng niệm bà Merle Everlyn Ratner vào tháng 2 tại New York.
|
|
|
Đại sứ Nguyễn Phương Nga và Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền xem lại những bức ảnh đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chụp cùng bà Merle Ratner năm 2008 tại Mỹ. (Ảnh: Thời Đại) |
Tình cảm "trước sau như một"
Trong suy nghĩ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, bà Merle Ratner là người nhiệt huyết, nhiều ý tưởng với nguồn năng lượng hết sức mạnh mẽ.
Bà lúc nào cũng nhớ đến nhà hoạt động cánh tả người Mỹ có nụ cười rất tươi, rất thẳng thắn, có điều gì băn khoăn là chia sẻ ngay, đặc biệt có quan điểm rất rõ ràng và tình cảm đối với Việt Nam “trước sau như một”.
Nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc kể: “Tôi nhớ có lần anh em Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đến nhà chị ăn cơm. Chị bảo muốn mời nhiều người nhưng nhà quá nhỏ không thể mời nhiều người được.
Căn phòng rất hẹp nhưng nếu có bất kỳ khoảng trống nào thì khoảng trống ấy đều lấp đầy bằng các kỷ vật Việt Nam. Tất cả những gì bạn bè Việt Nam mang tặng, chị đều giữ lại.
Mời chúng tôi đến nhà, chị tự tay nấu các món ăn rất tinh tế. Chị kể rất nhiều câu chuyện về bạn bè Mỹ - những người luôn tận tuỵ cống hiến để dựng xây tình hữu nghị và vun đắp quan hệ giữa hai nước”.
Các thế hệ cán bộ của Phái đoàn ai cũng nhớ đến bà Merle bởi bà hầu như có mặt trong các sự kiện, trợ giúp nhiều trong các hoạt động đoàn cấp cao sang thăm Mỹ, cũng như phối hợp mời bạn bè Mỹ sang giao lưu, trao đổi tại Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhớ cách đây không lâu (khoảng 1,2 tuần trước khi mất), bà Merle còn say sưa nói chuyện về những kế hoạch đưa bạn bè Mỹ sang thăm Việt Nam.
“Có thể thấy bất kể lúc nào chị cũng đau đáu cho Việt Nam được phát triển theo định hướng chủ nghĩa xã hội và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì trên tất cả Merle là một chiến sĩ đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, công lý và hạnh phúc con người, đặc biệt luôn quan tâm đến cuộc sống của người lao động”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cảm nhận.
"Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng tình cảm, cống hiến của bà đối với sự nghiệp kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc phát triển, hội nhập của Việt Nam; Đảng và Nhà nước Việt Nam chờ đón bà Merle Ratner như một người thân trở về nhà", Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ tại lễ tiễn đưa tro cốt bà Merle Ratner về Việt Nam ngày 6/8 tại New York. |
Mong ước lớn nhất của bà Merle trước khi ra đi là làm sao để thế hệ trẻ Mỹ, những người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ có tình yêu với quê hương Việt Nam, mong được cung cấp nhiều hơn thông tin về Việt Nam cho bạn bè Mỹ.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết bà Merle là người làm việc không ngừng nghỉ, gần đây bà còn đi học để phục vụ cho công việc phong trào cánh tả và quan hệ hữu nghị hai nước. Do công việc bận rộn mà mấy năm này bà chưa có cơ hội trở lại Việt Nam.
“Tôi nghĩ tất cả những người Việt Nam đã từng biết Mel đều không bao giờ có thể quên được chị. Chị còn rất nhiều dự định, nhiều công việc dở dang đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đáng tiếc là chị không thể tiếp tục thực hiện được kế hoạch của mình. Sự ra đi của chị là mất mát rất lớn đối với Việt Nam, với phong trào cánh tả ở Mỹ và những người đấu tranh vì hoà bình trên toàn thế giới”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga xúc động chia sẻ.
Đồng hành đấu tranh vì công lý
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền, nguyên Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) nhớ về bà Merle nhiều nhất là ở những tình cảm to lớn và những nỗ lực đồng hành của bà cùng những nạn nhân da cam Việt Nam.
Từ ngày 29/9 - 1/11/2008 Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền tham gia đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ để kiện 37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ, những đơn vị đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, lên Tòa án Tối cao Mỹ. Bà Merle và Giáo sư Ngô Thanh Nhàn thuộc tổ chức “Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – VAORRC" là người bảo trợ và tổ chức chuyến đi cho đoàn.
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền nhớ lại, năm đó, Đoàn đã đến 10 thành phố thuộc 8 bang của nước Mỹ, tiến hành trên 80 cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình, gặp gỡ tiếp xúc các cựu chiến binh, các nghị sĩ, chuyên gia y tế cộng đồng, giới trí thức, sinh viên, luật gia, các nhà hoạt động hòa bình... để trình bày về những hậy quả nghiêm trọng, lâu dài nhiều thế hệ mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và con cháu họ phải gánh chịu.
Hoạt động của đoàn đã góp phần giúp các tầng lớp người Mỹ nói chung hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh hóa học quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam, hậu quả nghiêm trọng, lâu dài mà các nạn nhân da cam Việt Nam gánh chịu, qua đó đồng tình, ủng hộ vụ kiện. Phản ứng của những người Mỹ mà đoàn tiếp xúc rất tích cực, đặc biệt là các cựu binh, nghị sĩ.
"Thành công đó có đóng góp lớn của vợ chồng Merle như: đồng hành cùng đoàn, hỗ trợ tài chính, phương tiện đi lại, tổ chức các cuộc tiếp xúc, chuẩn bị thông tin, tài liệu… Dù đơn kiện sau đó bị Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ nhưng đây là một cuộc đấu tranh lâu dài vì công lý. Đóng góp lớn của Merle là một trong những người tích cực chuẩn bị 6 dự luật cứu trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từ năm 2011 đến nay để cùng vận động Quốc hội Mỹ thông qua", Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền chia sẻ.
"Đồng chí" - "Comrade" cách thân thương bà Merle vẫn thường dùng để gọi những người bạn Việt Nam của mình vẫn vang vọng trong tâm chí của những người bạn yêu quý bà. Từ trong sâu thẳm trái tim, họ cũng kính mến và nhớ thương vô cùng người "đồng chí" Merle Ratner, một người bạn Mỹ đã sống trọn cuộc đời vì hạnh phúc của người Việt Nam!
Theo baoquocte