leftcenterrightdel
 Nữ tỷ phú giàu nhất thế giới Francoise Bettencourt Meyers trong vòng vây truyền thông.  

Con số xem ra ít ỏi nhưng cần phải biết rằng đó là “điều thần kỳ”, vì như một sự tất nhiên nam giới luôn là người vật lộn và chiến thắng trong thương trường. Thêm nữa, nữ giới ít trở thành tỷ phú nhờ được thừa hưởng, kế tục gia tài hơn là nam giới. Và, cho dù nắm trong tay khối tài sản kếch sù thì những nữ tỷ phú cũng khó làm cho khối tài sản “sinh sôi nảy nở”.

Nữ tỷ phú giàu nhất thế giới “sống trong kén”

Sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, tính đến tháng 8/2022, tổng tài sản ròng của bà Francoise Bettencourt Meyers là 74,8 tỷ USD, trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới.

Giàu có, nhưng cũng ít người biết bà Meyers còn là nhà văn, nghệ sĩ dương cầm.

Sinh ngày 10/7/1953 tại Paris (Pháp), bà là cháu ngoại của Eugene Schueller - nhà sáng lập L'Oreal, một trong những tập đoàn mỹ phẩm và làm đẹp lớn nhất thế giới. Nhờ phát minh ra công thức nhuộm tóc từ năm 1908, gia tộc này trở nên vô cùng giàu có. Mẹ bà, Liliane Bettencourt, thừa kế tập đoàn L’Oreal từ người cha, đồng thời sở hữu khoảng 21% cổ phần của Nestle.

Nhưng cô con gái của bà Liliane dù sống trong nhung lụa nhưng chưa bao giờ chạy theo lối sống xa hoa. Trong cuốn sách lịch sử các gia đình giàu có châu Âu, Tom Sancton viết về nữ tỷ phú Meyers: "Bà ấy thực sự sống trong cái kén của chính mình và cũng chỉ giao du chủ yếu trong phạm vi gia đình. Là tỷ phú nhưng bà không thích sống trong thế giới người giàu”.

Không giống những người thừa kế giàu có, bà Meyers tập trung vào sự nghiệp văn học.

Theo Vanity Fair, khi bước vào tuổi thiếu niên, mối quan hệ giữa Meyers với người mẹ giàu sang đã không mấy tốt đẹp. Mẹ bà từng gọi con gái là "một đứa trẻ lạnh lùng”.

Mối quan hệ giữa hai mẹ con nữ tỷ phú trở nên vô cùng căng thẳng khi bà Meyers khởi xướng cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ để giành quyền thừa kế, bắt đầu từ tháng 12/2007.

Tờ New York Times cho biết, bà cáo buộc bạn thân của mẹ, nhiếp ảnh gia François Marie Banier, đã lợi dụng “tình cảm đơn phương” để thao túng, khiến mẹ bà đưa cho ông này gần 1,86 tỷ USD tiền mặt cùng một số tác phẩm nghệ thuật và bất động sản. Trong khi đó người mẹ bác bỏ cáo buộc của con gái và khẳng định có quyền tự do chia sẻ tài sản của mình với người khác. Kể từ đó, hai mẹ con không nhìn mặt nhau.

Tháng 9/2018, người mẹ qua đời ở tuổi 94, bà Meyers trở thành người thừa kế duy nhất của L’Oreal và là một trong những cổ đông lớn của Nestle.

Từ đó, kiểu sống ẩn dật của Bettencourt Meyers không thể duy trì. Sau một thời gian chèo lái khối tài sản lớn thứ tư châu Âu, bà Meyers đã nhường lại vị trí của mình trong hội đồng quản trị L'Oreal cho con trai Jean Victor khi anh này mới 20 tuổi và hầu như không một chút kinh nghiệm thương trường.

Hiện bà Meyers nắm giữ cổ phần lớn nhất tại L’Oreal, công ty sở hữu các thương hiệu Lancôme và Garnier, ước tính chiếm khoảng 33,1%. Khi được hỏi ngoài tiền bà thích gì, nữ tỷ phú Meyers cho biết, bà thích dành thời gian sáng tác văn học.

Bà là tác giả của những ấn phẩm nổi tiếng như “Các vị thần Hy Lạp” - tác phẩm giành giải thưởng Dương liễu xanh danh giá của Pháp; “Một cái nhìn về Kinh thánh” và một số tác phẩm về  Do Thái - Cơ đốc. Sáng tác của bà không chỉ hấp dẫn bởi trí tưởng tượng mà còn cho thấy sự kỳ công trong nghiên cứu. Meyers cho biết, bà không muốn người đọc biết đến bà trong sự cầu kỳ của ngôn ngữ mà còn là sự tiếp cận những giá trị kiến thức.

Nữ tỷ phú Meyers còn được biết đến trong vai trò nhà từ thiện rộng lòng. Vào năm 2019, kết hợp với tập đoàn L'Oreal, Meyers và gia đình đã quyết định chi 229 triệu USD để sửa chữa Nhà thờ Đức Bà Paris khi công trình vĩ đại này bị tàn phá trong một cơn hỏa hoạn cùng năm đó.

leftcenterrightdel
 Nữ tỷ phú Diane Hendricks. 

Hành trình của nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ

Nếu như bà Francoise Bettencourt Meyers và nhiều người khác trở thành tỷ phú nhờ thừa kế, thì cũng có những nữ tỷ phú “tự thân”, trong đó phải kể đến bà Diane Hendricks, người được Forbes bầu chọn 5 năm liên tiếp.

Hiện bà Diane sở hữu khối tài sản 11,6 tỷ USD, là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ, được coi là “bà trùm” lĩnh vực vật liệu xây dựng của nước Mỹ.

Tuổi thơ của bà Diane trải qua trong một trang trại sữa ở bang Wisconsin, nơi bà được tôi luyện phẩm chất lao động chăm chỉ để sau này xây dựng cả đế chế kinh doanh. Bà Diane cho biết, việc quan sát cha mẹ làm việc trên trang trại 24/7 đã giúp hình thành cho bà phẩm chất làm việc chăm chỉ, điều vô cùng quan trọng từ những năm tháng tuổi trẻ.

Năm 17 tuổi Diane mang thai và phải hoàn thành năm cuối phổ thông ở nhà. Năm 21 tuổi, Diane đâm đơn ly hôn người chồng “tuổi teen” từ thời phổ thông và trở thành mẹ đơn thân. Không chịu cảnh buồn chán, người mẹ trẻ học để lấy chứng chỉ môi giới bất động sản.

“Việc làm mẹ không ngăn cản được khát khao vươn tới ước mơ của tôi, thậm chí tôi đã trở nên tập trung hơn vào điều mà mình muốn đạt được” - nữ tỷ phú nói.

Bước ngoặt quyết định làm thay đổi cuộc đời của bà Diane vào những năm 1970 khi kết hôn với một người chuyên thầu lắp mái nhà, Ken Hendricks. Cùng nhau, hai người đã tập hợp các tài năng, vay vốn ngân hàng để thành lập Công ty ABC Supply, đặt trụ sở tại Beloit, Wisconsin. Cho tới năm 1994, công ty này có 100 chi nhánh. 4 năm sau đó, lần đầu tiên doanh thu của công ty vượt 1 tỷ USD.

Năm 2007, người chồng qua đời, bà Diane một mình điều hành ABC Supply. Theo website chính thức, tới tháng 10/2022, công ty có hơn 840 chi nhánh. Trong vòng 5 năm qua, ABC Supply đã mua lại tài sản của 18 công ty khác để giành vị thế thống lĩnh thị trường.

Giàu có nhưng bà Diane chọn cuộc sống giản đơn. Không ở trong những biệt thự xa hoa tại các đô thị lớn, bà chọn thị trấn Beloit quê hương, nơi chỉ có chưa tới 37.000 dân. Sau những giờ căng thẳng điều hành công việc, nữ tỷ phú rất thích đến trung tâm việc làm của thị trấn, nơi bà tổ chức các buổi hội thảo để đào tạo kỹ năng như lập trình, hoạt động xây dựng cho học sinh phổ thông.

“Tôi muốn dạy cho thanh thiếu niên giá trị của công việc. Hãy để công việc là niềm vui và ý nghĩa của cuộc đời” - bà Diane Hendricks nói.

Diane sinh năm 1947 tại bang Wisconsin. Truyền thông Mỹ luôn tôn trọng khi nói rằng bà là biểu tượng của doanh nhân đi lên từ số 0, thậm chí là từ số âm. Cuộc đời không khép lại với người mẹ trẻ 17 tuổi và rất khó nhọc mới có được tấm bằng trung học. Khi kết hôn lần hai, thì người chồng lúc bấy giờ cũng tay trắng và không có bằng trung học. Chật vật nuôi 6 đứa con chung, thêm cả đứa con riêng của Diane nhưng khó khăn không đánh gục họ.

“Mọi người không tin rằng chúng tôi có thể thành công vì chúng tôi không có học vấn như nhiều doanh nhân khác, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Bạn hỏi vì sao tôi thành tỷ phú ư? Có thể bạn không tin nhưng tôi nghĩ rằng tôi có ngày hôm nay là do tôi rất thích làm việc và có thể thêm một chút may mắn. Đôi khi tôi nghĩ rằng, cuộc đời mình là điều gì đó rất không tưởng" - bà Diane nhớ lại.

leftcenterrightdel
“Nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey.   

“Thành công luôn bắt đầu từ bạn"

Trước khi trở thành bà trùm tỷ phú truyền thông, Oprah đã từng bị đuổi việc khi đang làm phóng viên tại WJZ TV của Baltimore, với lý do “không phù hợp với tin tức truyền hình”.

“Khi bị thôi việc với lời nhận xét “dã man”, tôi đã tan nát cõi lòng. Nhưng tôi không từ bỏ đam mê. Tôi vẫn nghĩ rằng rồi sẽ có người hiểu mình” - Oprah nói. Rồi, với tài năng thiên bẩm cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bà đã trở thành tỷ phú da đen đầu tiên trên thế giới ở tuổi 40 với khối tài sản 1 tỷ USD.

Oprah Winfrey sinh ngày 29/1/1954, trong một gia đình nghèo khó tại Kosciusko thuộc tiểu bang Mississippi (Mỹ). Oprah là con gái đầu lòng của một cặp vợ chồng tuổi vị thành niên không kết hôn Vernita Lee và Vernon Winfrey.

Họ đã "đường ai nấy đi" khi con gái còn ẵm ngửa và “nữ hoàng truyền thông” tương lai được giao lại cho bà ngoại, một người đàn bà rất nghiêm khắc. Bà ngoại đã buộc cô cháu gái đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Điều đó sau này được Oprah cho rằng đó là “lối thoát ra thế giới”, đã cứu mạng mình bằng cách mở ra “cánh cửa cho tất cả các loại khả năng”.

Sóng gió cuộc đời vẫn bủa vây. Hàng loạt biến cố tuổi thơ khiến Oprah trở nên ngang ngược. Năm 13 tuổi đã bỏ nhà ra đi. Năm 14 tuổi có thai do bị lạm dụng tình dục. Không may đứa trẻ đã qua đời ngay sau khi sinh. Nỗi đau mất con và những ám ảnh tuổi thơ khiến Oprah hoàn toàn mất phương hướng.

Trong lúc tuyệt vọng nhất thì người cha quay lại cứu vớt cuộc đời cô con gái bất hạnh. Oprah từng nói: “Cha tôi đã thay đổi cuộc đời tôi bằng cách khẳng định tôi giỏi hơn tôi nghĩ và tin tưởng tôi”. Oprah đi học và dần trở thành một học sinh, sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp Đại học Tennessee năm 1976 với tấm bằng cử nhân truyền thông.

Sau nhiều trắc trở, sự nghiệp của Oprah bắt đầu thăng hoa khi nhận lời tiếp quản talk show buổi sáng AM Chicago. Ban đầu, đây chỉ là một chương trình “lá cải” chuyên trò chuyện về những vấn đề tầm phào. Nhưng Oprah Winfrey dần dần đưa nó hướng tới những vấn đề chính luận và nổi bật của xã hội. “Nữ hoàng truyền thông” không ngại lồng ghép quá khứ đau thương của mình vào chương trình với lối nói hài hước, dí dỏm. Thông qua các câu chuyện, bà gửi đến khán giả thông điệp: “Sống có trách nhiệm và biết thay đổi, bạn sẽ có một cuộc đời tốt hơn”.

Thành công mỹ mãn khi AM Chicago phá hàng loạt kỷ lục, trở thành chương trình ban ngày có lượng xem cao nhất nước Mỹ với hơn 40 triệu khán giả mỗi tuần.

Thậm chí, tên của chương trình còn được đặt lại theo bà, The Oprah Winfrey Show. Là linh hồn của chương trình, Oprah Winfrey chính thức được coi là biểu tượng truyền thông mới của nước Mỹ trong gần 2 thập niên. Năm 2003, bà đi vào lịch sử khi trở thành tỷ phú da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Không chỉ dẫn chương trình, Oprah còn tham gia đóng và sản xuất phim, viết sách và đều có được những thành công nhất định. Oprah là một trong số rất ít “người đặc biệt” khiến cả nước Mỹ nể phục bởi lẽ bà phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác.

“Không quan trọng bạn là ai hay đến từ đâu, thành công luôn bắt đầu từ bạn” - Oprah nói. “Nữ hoàng truyền thông” đã chứng minh cho thế giới thấy rằng thành công không đến từ sự may mắn mà trên hết đó là nhờ vào sự nỗ lực, khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội đúng nơi, đúng thời điểm.

“Bước vào đời tôi không có thứ gì trong tay, lại phải vượt qua nỗi ám ảnh quá khứ. Nhưng nếu có cơ hội tôi không bao giờ bỏ lỡ. Cơ hội là ở những nơi không ai thấy và sẵn sàng thử những điều mới lạ” - Oprah tâm sự.

Truyền thông Mỹ cho rằng Oprah đã dùng hành trình cuộc đời của mình để chứng minh một điều không thể chối bỏ nhưng cũng rất ít người làm được, đó là “hãy biến nỗi đau thành sự khôn ngoan. Trong cuộc đời, bạn sẽ gặp phải rất nhiều nỗi đau, mắc phải rất nhiều sai lầm. Có những người sẽ coi đó là thất bại. Nhưng nếu tin vào điều đó thì bạn sẽ sai đường”.

Nói với CNN, Oprah cho rằng “bạn chịu trách nhiệm với chính cuộc sống của bạn. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ chờ ai đó tới cứu bạn, thay đổi bạn hay thậm chí là giúp bạn, thì bạn đang lãng phí thời gian của chính mình. Chỉ bạn mới có sức mạnh để đưa cuộc đời mình tiến lên phía trước”.

Người ta còn biết đến không ít “châm ngôn” từ “nữ hoàng truyền thông”. Phát biểu trong lễ phát bằng tốt nghiệp tại Đại học Harvard năm 2013, Oprah nói: “Không có những thứ tương tự như thất bại. Thất bại chỉ là do cuộc sống đang cố đẩy chúng ta đi theo hướng khác”.

Hoặc trong một cuộc phỏng vấn tại trường Đại học Standford vào năm 2011 là thông điệp: “Ai cũng có một khuynh hướng. Công việc thực sự của bạn trong cuộc sống là tìm ra càng sớm càng tốt khuynh hướng đó. Điều đó sẽ cho biết bạn thực sự là ai. Bạn phải biết thứ lóe lên trong bạn để bạn có thể rọi sáng cả thế giới theo cách của mình”.

leftcenterrightdel
BàSavitri Jindal, nữ tỷ phú giàu nhất châu Á.   

Nữ tỷ phú giàu nhất châu Á thành công nhờ “không bao giờ xuất trận”

Bà Savitri Jindal, chủ hãng thép lớn thứ ba Ấn Độ, vừa thay thế Yang Huiyan - trùm bất động sản Trung Quốc, là nữ tỷ phú giàu nhất châu Á.

Tài sản của bà Savitri Jindal vượt qua bà Yang Huiyan vào ngày 29/7/2022, theo Bloomberg Billionaires Index. Bà Jindal, 72 tuổi, người giàu thứ 10 tại Ấn Độ, hiện sở hữu 11,3 tỷ USD nhờ cổ phần tại tập đoàn Jindal Group, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm luyện kim và sản xuất điện.

Năm 2005, bà trở thành Chủ tịch của Jindal Group sau khi chồng bà qua đời. Tài sản ròng của bà Jindal biến động rất mạnh trong những năm gần đây, giảm còn 3,2 tỷ USD vào tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Đến tháng 4/2022, giá trị khối tài sản tăng lên kỷ lục 15,6 tỷ USD và giờ là 11,3 tỷ USD.

Savitri Jindal sinh năm 1950 trong một gia đình bình thường ở Assam, nơi mà nhiều trẻ em gái  không được đến trường vì là con nhà nghèo. Năm 15 tuổi, gia đình “nối dây” Savitri cho nhà công nghiệp O.P. Jindal - anh rể, vì chị gái của bà không may qua đời. Chị gái và ông Jindal đã có 6 con, người con trai lớn chỉ kém Savitri 2 tuổi. 5 năm sau cuộc “nối dây” đó Savitri mới chính thức kết hôn với Jindal khi 20 tuổi và ông Jindal đã 40. Savitri sau đó sinh được 3 người con và cùng chồng nuôi dạy tổng cộng 9 người con của mình và chị gái.

Trong khi chồng vật lộn với cuộc sống, bà Savitri ở nhà nuôi dạy con cái. Bà là "chất keo" của gia đình, chăm sóc 9 người con rất chu đáo, 4 người con trai sau khi lập gia đình vẫn cùng vợ con sống trong dinh thự của gia đình Jindal. Savitri chia dinh thự thành 4 khu vực riêng biệt, được nối với nhau bằng bếp chung.

Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm 2005 ông Jindal - trụ cột của gia đình không may qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng.

Từ đó, bà Savitri phải dấn thân vào thương trường. Là người thông minh, sau khi ra khỏi bốn bức tường, bà không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các con trai mà xác định việc mình phải làm là đoàn kết các con lại. Mỗi năm vào ngày 31/3 và ngày 7/8, là ngày giỗ và sinh nhật của ông Jindal, bà đều tổ chức cuộc họp “đại gia đình”. Trong trường hợp ai đó bắt đầu một dự án mới hoặc gặp phải một vấn đề nào, họ sẽ cùng ngồi lại bàn bạc.

Nhờ vào sự chèo lái khôn ngoan ấy mà 5 năm sau khi bà trở thành Chủ tịch của Jindal Group, doanh thu đã tăng gấp 4 lần và các con trai của bà đều có dịp thể hiện tài năng của mình. Bà không tự mình “xuất trận” nhưng bằng cách gắn kết các thành viên trong gia đình, công việc luôn trôi chảy.

Chưa từng học đại học, nhưng bà Savitri rất tôn trọng tri thức. Bà từng nói: “Chúng ta dù xây dựng nhà máy ở đâu thì cũng phải xây trường học, bệnh viện” và bản thân bà đã mở trường O.P Jindal Global University nổi tiếng khắp Ấn Độ.

Từ một bà nội trợ trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á, câu chuyện của bà Savitri được coi là một điều thần kỳ, không khác gì truyện cổ tích trong thời đại này.

10 phụ nữ giàu nhất thế giới

Theo Forbes, tính tới tháng 10/2022, 10 nữ tỷ phú hàng đầu thế giới lần lượt là:

1. Francoise Bettencourt Meyers, Pháp: Tài sản: 74,8 tỷ USD. Bà Meyers lần đầu xuất hiện trong danh sách của Forbes năm 2018, sau khi mẹ bà, Liliane Betten-court, qua đời.

2. Alice Walton, Mỹ: Tài sản: 65,3 tỷ USD. Alice là con của nhà sáng lập Walmart Sam Walton. Bà từng là phụ nữ giàu nhất thế giới năm 2020.

3. Julia Koch, Mỹ: Tài sản: Tài sản 64,8 tỷ USD. Bà là vợ của cố tỷ phú David Koch.

4. MacKenzie Scott, Mỹ: Tài sản: 43,6 tỷ USD. Từ khi ly hôn nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos năm 2019, Scott tích cực làm từ thiện. Bà đã quyên góp 12,5 tỷ USD cho hơn 1.250 tổ chức chỉ trong chưa đầy 2 năm.

5. Jacqueline Mars, Mỹ: Tài sản: 31,7 tỷ USD. Mars thừa kế khoảng một phần ba Mars Incorporated - hãng sản xuất kẹo và đồ ăn cho vật nuôi. Công ty này được sáng lập bởi cha bà, ông Frank C. Mars từ năm 1911.

6. Gina Rinehart, Australia: Tài sản: 30,2 tỷ USD. Rinehart là Chủ tịch hãng khai mỏ và nông nghiệp Hancock Prospecting Group, công ty được cha bà, ông Lang Hancock thành lập.

7. Miriam Adelson, Mỹ: Tài sản: 27,5 tỷ USD. Miriam là vợ của cố tỷ phú sòng bài Sheldon Adelson. Miriam hiện sở hữu gần 50% cổ phần của chồng trong Las Vegas Sands sau khi ông qua đời đầu năm 2021.

8. Susanne Klatten, Đức: Tài sản: 24,3 tỷ USD. Susanne Klatten sở hữu 19% hãng xe Đức BMW mà bà thừa kế từ cha mẹ, ông bà Johanna Quandt - Herbert Quandt.

9. Iris Fontbona, Chile: Tài sản: 22,8 tỷ USD. Fontbona là vợ tài phiệt khai mỏ, đồ uống Andronico Luksic. Ông qua đời vì ung thư năm 2005.

10. Abigail Johnson, Mỹ: Tài sản: 21,3 tỷ USD. Abigail Johnson là CEO Fidelity Investments từ năm 2014, tiếp quản vị trí của người cha Ned John-son.

Theo daidoanket