Ngày càng có nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc tiếp tục tham gia lực lượng lao động - Ảnh: AFP
"Xã hội khiến tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại tuổi 30 và cũng chưa làm vợ hay làm mẹ của ai" - cô Baek Ha Nah chia sẻ.
Trong tuần, Baek là một nhân viên lo sổ sách cho một công ty nhưng đến cuối tuần lại là một ngôi sao trên kênh YouTube ở Hàn Quốc. Trên kênh YouTube của mình, Baek chuyên kêu gọi và truyền cảm hứng về một "cuộc sống độc thân", nói không với cưới hỏi và việc làm mẹ.
Hãng tin Bloomberg cho biết Baek là thành viên của "Hội độc thân ưu tú, luôn cầu tiến" (EMIF) và sở hữu kênh YouTube mang tên "Solo-darity", có nghĩa là "mi-hon" trong tiếng Hàn, dùng để gọi những người vẫn chưa kết hôn.
Dữ liệu từ Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc hồi tháng 2-2019 còn cho thấy tỉ lệ sinh thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của cơ quan thống kê này dự báo số người qua đời trong năm 2019 sẽ vượt qua số người được sinh ra trong năm nay.
Một báo cáo riêng lẻ khác từ cơ quan trên cho thấy rằng ngày càng có ít phụ nữ Hàn Quốc tin hôn nhân là chuyện bắt buộc.
Năm 2010 có 64,7% phụ nữ Hàn Quốc cho rằng kết hôn là một điều phải làm nhưng đến cuộc khảo sát năm 2018 thì tỉ lệ chỉ còn 48,1%.
Các thành viên của nhóm EMIF gặp nhau tại một nhà hàng sau cuộc họp của nhóm - Ảnh: Bloomberg
Báo cáo mới nhất về dân số của Hàn Quốc cho thấy mối đe dọa đang lớn dần với lực lượng lao động Hàn Quốc. Trong một thập kỷ tới (tính từ năm 2017), số người trong độ tuổi sinh sản ước tính sẽ giảm đi 2,5 triệu người, trong khi người cao tuổi sẽ tăng thêm 4,5 triệu người.
Theo báo cáo trên, lực lượng lao động Hàn Quốc vào khoảng 37,6 triệu người trong năm 2017. Tuy nhiên đến năm 2067, con số này dự kiến giảm hơn nửa, xuống còn 17,8 triệu người.
Từ chối kết hôn và có con cũng mang đến những hệ lụy không nhỏ cho ngành tổ chức tiệc cưới và trường học. Hơn 20% số trung tâm tổ chức tiệc cưới ở Seoul đã phải đóng cửa.
Sở Giáo dục Seoul vào đầu năm 2019 cũng thông báo ý định đóng cửa 3 trường tiểu học và trung học trong tháng 2 trong khi đã đóng cửa một trường trung học khác vì thiếu học sinh.
"Vấn đề lớn nhất của chính phủ là họ không lắng nghe phụ nữ - người phải sinh đẻ và nuôi con. Họ cố gắng gieo rắc tư tưởng gia đình là điều tốt đẹp, có con là hạnh phúc mà không nghĩ đến những thay đổi thể chất và tâm sinh lý của phụ nữ. Đó là lý do vì sao các chính sách của họ không bao giờ lôi kéo được chúng tôi" - cô Kang Han Byul, đồng sáng lập nhóm EMIF, cho biết.
Theo tuoitre