Hai chị em Jade và Christian Kilduff - Ảnh: DIANA KILDUFF/Manchester Evening News

Jade Kilduff chia sẻ: "Mơ ước của tôi là em trai có thể nói chuyện với bất cứ ai nó muốn. Tôi muốn một thế giới mà em tôi và những người khác không bị lạc lõng hay cô đơn giữa mọi người". 

"Đơn giản" thế thôi, nhưng để làm được điều đó, Jade Kilduff thực sự đã dồn tất cả những yêu thương và trìu mến cho cậu em trai bé bỏng sinh ra đã thiệt thòi của mình.

Jade đã thấy Christian (3 tuổi, bị bệnh bại não bẩm sinh) muốn nói chuyện với mọi người như thế nào. Cô cũng thấy nhiều người không hề biết tới ngôn ngữ ký hiệu. Trái tim cô gái tuổi teen xót xa khi thấy cậu em bé bỏng như bị bỏ rơi vì mọi người không biết làm sao để nói chuyện với nó.

Để giúp em Christian có thể giao tiếp, Jade dạy em cách dùng ngôn ngữ Makaton, một dạng thức giao tiếp được phát triển trên nền tảng ngôn ngữ ký hiệu của Anh (British Sign Language - BSL).

Các ký hiệu Makaton là một dạng ngôn ngữ ký hiệu cơ bản dành cho trẻ em trên toàn thế giới. Hiện có hơn 100.000 trẻ em và người lớn dùng các ký hiệu và biểu tượng Makaton trong biểu đạt, giao tiếp hằng ngày của họ.

Kể từ lúc dạy em trai ngôn ngữ ký hiệu Makaton vào đầu năm nay, Jade cũng lập ra một kênh online chia sẻ kiến thức về ngôn ngữ ký hiệu có tên "Sign along with us" (dùng ngôn ngữ ký hiệu với chúng tôi). 

Chỉ sau vài tuần thiết lập, trang Facebook của cô đã thu hút gần 7.000 lượt like và số tài khoản theo dõi còn nhiều hơn số người theo dõi trên tài khoản YouTube và Twitter gộp lại. Mỗi ngày, Jade và Christian lại dạy mọi người một vài ký hiệu mới trong ngôn ngữ Makaton qua một video hai chị em cùng thực hiện.

Sau khi thành lập kênh dạy ngôn ngữ ký hiệu, bạn bè của Christian cũng đã vào học, và theo Jade, giờ thì em trai cô đã có thể nói chuyện được với bạn bè, chú bé không còn đơn độc nữa. "Nó đã giúp Christian có được sự độc lập để em không phải nhờ người khác nói hộ cho mình, và tôi muốn mọi đứa trẻ (khuyết tật) khác cũng có được điều đó", Jade nói.

"Nó thực sự thành công và tôi đã nghĩ sẽ tốt hơn biết bao nếu ngôn ngữ Makaton cơ bản được dạy tại mọi ngôi trường để tất cả mọi người đều có thể giao tiếp với nhau", Jade chia sẻ với trang Manchester Evening News (Anh).

Đầu tháng 9 này, một đoạn video ghi lại cảnh hai chị em cùng biểu diễn một bài hát bằng ngôn ngữ Makaton đã thu hút hơn 2,34 triệu lượt xem. Trong đó, hai chị em biểu diễn bài Someone you loved, một trong những bài hát yêu thích nhất của họ.

Đoạn video giản dị, ấm áp của hai chị em đã thực sự "đốn tim" cư dân mạng. Rất nhiều người chia sẻ lại trên các nền tảng mạng xã hội khác. Rất vui vì video của hai chị em được đón nhận tích cực, song cô bé Jade vẫn không quên sứ mệnh lâu dài luôn theo đuổi: nhắc lại với mọi người về tầm quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu.

Từ những trải nghiệm riêng, Jade Kilduff đã phát động một kiến nghị tập thể (xin chữ ký của cộng đồng) trên trang web của Chính phủ Anh, đề nghị đưa ngôn ngữ ký hiệu trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường.

Cô bé Jade hi vọng khi ngôn ngữ ký hiệu được dạy ở mọi ngôi trường, nó sẽ xóa bỏ cảm giác bị cô lập với những người khó khăn trong giao tiếp. Tới ngày 1-3 năm nay, sau khi nhận được 20.912 chữ ký ủng hộ, Chính phủ Anh đã phản hồi với nội dung: "Makaton là một công cụ giao tiếp giá trị với một số học sinh và trường học. Mặc dù chúng tôi không có kế hoạch thay đổi chương trình giáo dục trong nước, nhưng các trường học cũng có thể linh hoạt trong việc lựa chọn giảng dạy môn này".

Theo quy định của Chính phủ Anh, nếu một kiến nghị (petition) gửi lên trang web của chính phủ thu được 10.000 chữ ký trở lên, chính phủ sẽ phản hồi. Còn nếu thu được 100.000 chữ ký trở lên, vấn đề kiến nghị sẽ được mang ra bàn thảo tại Quốc hội. 

Theo tuoitre