Memory Banda đi nhiều nơi kêu gọi bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em gái
Chống lại lệ “thanh tẩy thời thơ ấu” Banda sinh ra và lớn lên ở đất nước nghèo nhất thế giới: Malawi. Không chỉ nghèo, quê hương cô vẫn còn tồn tại rất nhiều hủ tục ảnh hưởng nặng nề đến phẩm giá người phụ nữ. Ở Malawi có tập tục “kusasa fumbi” dành cho các thiếu nữ khi bước vào tuổi dậy thì: Các em được yêu cầu đến những nơi gọi là “khu lều trại nhập môn” nhằm thực hiện nghi thức “thanh tẩy tình dục”. Trong nghi thức này, các bé gái bị ép phải quan hệ tình dục với một người đàn ông lớn tuổi hơn để “thanh tẩy thời thơ ấu” và chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Người đàn ông được gọi là “linh cẩu” sẽ được cộng đồng trả tiền để đi khắp các làng và quan hệ tình dục với những bé gái từ 9 tuổi trở lên. Những cô bé này sau đó thường khó tránh khỏi việc mang thai ngoài ý muốn, thậm chí còn có thể bị lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục. Hành động này đã vi phạm những quyền con người cơ bản của các bé gái và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hủ tục này đã khiến 44.000 trẻ em gái đang học tiểu học phải bỏ học để kết hôn vì đã mang thai. Tại đất nước châu Phi này, cứ 10 em gái thì có 5 em kết hôn trước tuổi 18.
Nhà Banda có 2 chị em. Em gái cô mang thai khi mới 11 tuổi sau các nghi thức cổ hủ. Đó là nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà Banda đã trải qua cùng em. Thấm thía nỗi khổ của em, năm Banda 13 tuổi, cô kiên quyết không chịu đến các khu lều trại nhập môn theo yêu cầu của người lớn bất chấp việc bị người lớn mắng mỏ, chửi bới mỗi ngày vì không tôn trọng truyền thống của dân làng, xã hội. Bất chấp điều đó, Banda bắt đầu nghĩ tới việc phải làm gì để thay đổi số phận những cô gái giống đứa em bất hạnh của mình. Từ việc gần gũi họ, giúp họ ôn lại cách cầm bút, viết chữ, đọc sách, Banda được nghe họ kể nhiều hơn về những trải nghiệm riêng trong vai trò làm mẹ trẻ. Năm 2011, Banda đã gặp gỡ bà Faith Phiri - người sáng lập Mạng lưới Trao quyền cho Phụ nữ (Genet) ở Malawi. Phiri đã mời Banda đồng hành trong chiến dịch chống nạn tảo hôn.
Banda đã giúp mạng lưới Genet tiến hành một nghiên cứu với 40 em gái từ các làng để thấy được tác hại của tập tục kusasa fumbi và hôn nhân cưỡng bức. Genet đã thiết kế một chương trình kể chuyện gọi là “Dòng sông cuộc đời,” trong đó mỗi em gái có thể chia sẻ câu chuyện của mình qua tranh vẽ, thơ hay văn về những khó khăn mình gặp phải và bày tỏ hy vọng cho tương lai. Banda và các em gái khác đã chia sẻ về việc các hủ tục gây ra những áp lực, khiến các em phải bỏ học hay có thai như thế nào. Genet cũng giáo dục cho các cô gái về kỹ năng lãnh đạo, tự bảo vệ và thuyết trình trước đám đông để họ có thể đề đạt nguyện vọng lên các trưởng làng và quốc hội.
Memory Banda và những cô gái dũng cảm chống lại hủ tục
Nỗ lực của Banda và các cô gái đã được đền đáp bằng sự ủng hộ đầu tiên của nữ trưởng làng Chitera ở Chiradzulu. Genet và các cô gái đã cùng vị trưởng làng này thuyết phục 60 trưởng làng khác thiết lập các luật lệ địa phương nhằm xử phạt những người đàn ông thực hiện kusasa fumbi và kết hôn với trẻ em gái. Những người đàn ông vi phạm quy định này sẽ phải nộp phạt dê, gà và bị cắt đất. Các bậc cha mẹ cho phép con gái chưa đến tuổi kết hôn lấy chồng sẽ phải dọn dẹp vệ sinh ở trường học địa phương trong 3 tháng. Các cộng đồng trên khắp Malawi cũng đang dần thông qua những chiến lược tiến bộ để loại bỏ kusasa fumbi và hôn nhân trẻ em. Banda cùng Genet hợp tác với các trưởng làng giúp duy trì những truyền thống văn hóa tích cực, vừa giáo dục cho trẻ em gái các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để trở thành những phụ nữ mạnh mẽ.
Nâng tuổi kết hôn lên 18
Chiến thắng đầu tiên mang lại cảm hứng lớn lao cho Banda và các bạn. Memory Banda thường xuyên cùng tổ chức Genet vận động các cô gái lên tiếng để tự bảo vệ mình. “Bạn không bao giờ biết mình là một nhà lãnh đạo cho tới khi bạn đứng lên. Hãy giúp những trẻ em gái có cơ hội phát triển. Hãy lan tỏa sức ảnh hưởng của sự thay đổi”, Banda chia sẻ. Họ quyết định tiếp tục hành động để bảo vệ cả những cô gái ở các cộng đồng khác. Giống như ở các nước Lục địa Đen khác gồm Tanzania, Sudan, Niger và Angola, tuổi kết hôn của trẻ em gái Malawi rất thấp, là yếu tố chính dẫn đến tình trạng mang thai sớm khi các em chưa đủ sức khỏe và tâm lý cho việc làm mẹ. Do đó, Banda quyết tâm phát động các chiến dịch vận động phụ nữ kết hôn đúng tuổi luật định: Đủ 18 tuổi. Mỗi khi Quốc hội Malawi họp bàn về dự thảo luật liên quan tới chế độ tảo hôn, Banda và các bạn đều tập trung ngay trước cửa tòa nghị viện. Các cô gặp từng nghị sĩ để thuyết phục họ ủng hộ luật chống tảo hôn. Không có công nghệ hiện đại, họ cố gắng xin số điện thoại của từng nghị sĩ rồi sau đó nhắn tin thuyết phục. Banda cho biết sau này, khi dự luật được thông qua, các cô gái không quên nhắn tin cảm ơn các nghị sĩ. Sau tất cả những nỗ lực đó, tới nay ở Malawi, tuổi quy định kết hôn hợp pháp là 18 tuổi, nâng lên 3 tuổi so với 15 tuổi trước đó.
Thuyết phục một đại biểu quốc hội nhằm nâng tuổi kết hôn ở Malawi lên 18 tuổi
Tuy nhiên với Banda, cuộc chiến vì bình đẳng giới, vì tương lai và hạnh phúc của người phụ nữ dường như mới chỉ bắt đầu. Cô hiểu rằng từ luật tới thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa. Vì thế, cô kêu gọi mọi người tiếp tục chung sức phổ biến luật pháp, giúp những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa hiểu được các luật lệ để có thể tự bảo vệ mình. Cô đã đi nhiều nơi nói chuyện với bài thơ đầy quyết tâm “Tôi sẽ lấy chồng khi nào tôi muốn” của cô bé người Malawi 13 tuổi Eileen Piri:
“Tôi sẽ lấy chồng khi tôi muốn. Mẹ không thể bắt tôi lấy. Cha không thể bắt tôi lấy. Bác, dì, anh chị tôi cũng không thể bắt tôi lấy. Không ai trên thế giới có thể bắt tôi lấy chồng. Dù bị đánh đập, xua đuổi hay đối xử tàn tệ, tôi cũng sẽ chỉ lấy chồng khi nào tôi muốn. Tôi sẽ kết hôn khi tôi đã được học hành tới nơi tới chốn và khi tôi thật sự trưởng thành...”.
Mai Phương (Tổng hợp)