leftcenterrightdel
 

Cơ duyên đến với cô gái một cách tình cờ. Trong một lần chia sẻ hình ảnh lên mạng về phong cảnh xung quanh một ngôi làng ở Tê Hà, một người đồng hương nhưng không quen biết đã hỏi liệu cô có thể thay mặt đến thăm bố mẹ anh được không.

Người con trai đã làm việc mấy năm tại Hàn Quốc và chưa có dịp về thăm nhà. Guan nhận lời, sau đó chia sẻ lại câu chuyện trên mạng và bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu tương tự.

Từ đó, Guan tận dụng những ngày nghỉ cuối tuần để đến thăm, trò chuyện với ông bà, bố mẹ của những người con đang đi làm xa nhà, không có nhiều cơ hội về thăm người thân hoặc chưa thể về do chính sách kiểm soát dịch bệnh Zero-Covid, hạn chế đi lại nghiêm ngặt.

leftcenterrightdel
 Guan thường quay lại các chuyến viếng thăm bố mẹ người lạ để gửi cho con cái họ. 

Tính đến cuối năm nay, Guan đã đến thăm hơn 100 người lớn tuổi. Công việc hào phóng, miễn phí của cô nhận về nhiều lời khen bởi giúp vơi bớt sự cô đơn của những người già sống ở ngoại ô thành phố.

Họ chủ yếu sống một mình sau khi con cái chuyển đến các khu đô thị lớn hơn để làm việc.

Guan cho biết đến nay cô tự chi 30.000 nhân dân tệ (4.204 USD) để mua quà cho các gia đình cô ghé thăm. Ngoài trò chuyện, Guan còn nấu ăn, quay lại các buổi gặp gỡ và gửi video lại cho con, cháu của họ.

“Tôi hy vọng họ có thể nhìn thấy gia đình từ xa, ngắm gương mặt của ông bà và cha mẹ trong khung cảnh quen thuộc, thấy người thân đang ăn uống gì hàng ngày, biết về tình trạng sức khỏe của người lớn đang ra sao.

Tôi cũng mang theo những món quà và những lời chúc tốt đẹp nhất của những người thân trẻ tuổi hơn. Tôi sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ những người có nhu cầu và thấy hạnh phúc khi dành thời gian với người thân yêu của các bạn”, cô nói trong một video.

leftcenterrightdel
Trong một năm, cô gái đã thăm hơn 100 gia đình có người già sống một mình. 

Các video chia sẻ chuyến đến thăm của cô có hơn 36 triệu lượt thích trên một nền tảng ở Trung Quốc.

Lần gần nhất, cô thay mặt một cặp vợ chồng đang sống ở Bắc Kinh đến thăm cụ ông 80 tuổi ở cùng địa phương.

“Tôi chưa bao giờ gặp những người này trước khi đến thăm họ. Hầu hết chuyến đi đều không được thông báo trước nhưng không ai xua đuổi hay thiếu tin tưởng tôi. Mọi người đều đối xử với tôi như con ruột", Guan nói.

Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc vào cuối năm ngoái, 267 triệu người dân nước này, tương đương gần 19% tổng dân số, ở độ tuổi từ 60 trở lên. Hơn một nửa trong số đó sống xa con cái.

Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng một phần lớn dân số già sống cảnh neo đơn. Nhiều người trong số họ được coi là "người già bị bỏ lại phía sau".

Tháng 7 năm ngoái, các nhà lập pháp Trung Quốc đã quy định việc thăm hỏi các thành viên lớn tuổi trong gia đình là nghĩa vụ bắt buộc đối với người trưởng thành, sau khi ngày càng có nhiều tin tức tiêu cực về sự bỏ bê người già trong những năm gần đây.

Theo zingnews