Một nhóm fan nữ hát quốc ca khi được chính quyền chọn lọc vào xem trận giao hữu bóng đá giữa Iran và Bolivia ở sân vận động Azadi, Tehran ngày 16/10/2018. Ảnh: ISNA.
Khodayari qua đời tại bệnh viện ở thủ đô Tehran sau một tuần thở máy với 90% diện tích cơ thể bị bỏng, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết. Cô tưới xăng tự thiêu trước tòa án Ershad hôm 2/9, sau khi biết mình có thể ngồi tù 6 tháng với tội danh "xuất hiện ở nơi công cộng mà không đội khăn trùm đầu".
Hồi tháng 3, Khodayari cải trang làm đàn ông, đội tóc giả màu xanh, mặc áo choàng dài nhưng không đội khăn trùm đầu để vào sân vận động ở Tehran xem một trận bóng đá. Cô bị các nhân viên an ninh phát hiện và bắt giam theo lệnh cấm phụ nữ đến các sân vận động được chính phủ Iran đưa ra sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Sau ba đêm bị tạm giữ, Khodayari được thả ra chờ xét xử. Chị gái cho hay Khodayari bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực và bệnh tình trở nên xấu đi trong thời gian cô bị giam. Theo cha cô, con gái đã ngừng dùng thuốc cách đây một năm.
Truyền thông Iran không đưa tin về cái chết của Khodayari, nhưng nó vẫn lan truyền khắp mạng xã hội với từ khóa "Cô gái Màu xanh", màu áo của đội bóng Iran mà cô yêu thích Esteghlal.
Ali Karimi, cựu trung vệ của Bayern Munich, người từng chơi 127 trận cho Iran, đã kêu gọi người dân nước này tẩy chay các sân vận động để phản đối cái chết của Khodayari.
Cầu thủ Mỹ gốc Iran Andranik "Ando" Teymourian, người Kito giáo đầu tiên làm đội trưởng đội tuyển quốc gia Iran và cũng là cầu thủ của Esteghlal, cho rằng cần lấy tên của Khodayari đặt cho một sân vận động lớn ở Tehran.
Câu lạc bộ Italy AS Roma cũng bày tỏ sự ủng hộ với cô gái Iran. "AS Roma mang màu vàng và đỏ nhưng hôm nay trái tim của chúng tôi chảy dòng máu xanh vì Sahar Khodayari", câu lạc viết trên Twitter.
Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Giám sát Nhân quyền và Nhóm vận động vì phụ nữ ở Iran OpenStadiums đều kêu gọi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) yêu cầu Iran chấm dứt lệnh cấm phụ nữ đến sân vận động.
"Nếu sự sỉ nhục, giam giữ và bỏ tù không đủ để FIFA hành động ngay bây giờ thì một trong số chúng tôi đã tự thiêu để cho thấy phụ nữ Iran cũng muốn được xem bóng đá", OpenStadiums viết trên Twitter.
FIFA đã ra thông cáo cho biết "vô cùng hối tiếc" trước "thảm kịch" của Khodayari và gửi lời chia buồn tới người thân của cô. "Chúng tôi lặp lại lời kêu gọi giới chức Iran đảm bảo sự tự do và an toàn cho bất kỳ phụ nữ nào tham gia vào cuộc đấu tranh chính đáng nhằm chấm dứt lệnh cấm vào sân vận động đối với phụ nữ ở Iran", thông cáo viết.
Hồi tháng 6, FIFA từng gửi thư tới Liên đoàn Bóng đá Iran yêu cầu đưa ra một khung thời gian cho phép phụ nữ mua vé xem vòng loại World Cup. Đáp lại, thứ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Iran Mahin Farhadi-Zad cho biết nước này chưa có thời hạn cụ thể nhưng đang chuẩn bị "hạ tầng cần thiết" để cho phép phụ nữ vào các sân vận động.
Theo
vnexpress