Phụ nữ Campuchia tham gia lễ mít tinh kỉ niệm ngày 8-3-2015

Những lo lắng đó là có căn cứ khi một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy: 37% phụ nữ trong khu vực Đông Nam Á (giống như một số nước châu Phi và khu vực phía Đông Địa Trung Hải) đang phải đối mặt với các hình thức bạo lực giới. Mặc dù đã nhận thức được điều đó và hành động dựa trên tinh thần chính sách cũng như pháp luật nhưng ASEAN vẫn chưa có bất cứ chương trình hành động cụ thể nào nhằm tăng thêm quyền hạn cho phụ nữ, để họ tham gia thảo luận chính trị, an ninh… từ đó hạn chế xung đột giới trong xã hội. Vì vậy, sau khi hình thành Cộng đồng, ASEAN phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ thông qua các cơ chế khác nhau.

Có thành tựu nhưng chưa hoàn thiện

Các nước ASEAN đang trong không khí tưng bừng chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015. Đây cũng là dịp để Hiệp hội nhìn lại một số thành tựu liên quan tới việc bảo vệ quyền và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập khu vực.

Thời gian qua, các Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ và Tuyên bố ASEAN về sự tiến bộ của phụ nữ đã góp phần hối thúc nhiều cơ quan chức năng và các nước thành viên lồng ghép vấn đề hòa hợp giới vào các hoạt động chính sách. Bên cạnh đó, Tuyên bố “Xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ” của ASEAN cũng có cách tiếp cận toàn diện thông qua cung cấp các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ bị bạo hành, tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân bạo lực, thúc đẩy phong trào chống bạo hành phụ nữ…

Năm 2013, 8 nước thành viên ASEAN bao gồm: Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã thông qua Tuyên bố cam kết chấm dứt bạo lực giới trong xung đột. Đây là một cam kết cụ thể đáng ghi nhận của ASEAN bởi nó mở đường cho những nỗ lực ngày càng lớn của các nước thành viên để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, theo tinh thần các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ).

ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban thúc đẩy, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) vào năm 2010. Mặc dù phản ánh rõ nét nhất các nghị quyết của LHQ nhưng ACWC vẫn chưa có một cơ chế giải quyết cụ thể các vấn đề của phụ nữ, hòa bình và an

Cần chương trình hành động cụ thể

Có thể nói rằng, cho tới nay, ASEAN vẫn chưa thành công trong việc thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các hoạt động trên ba trụ cột văn hóa – xã hội, chính trị - an ninh và kinh tế của Cộng đồng ASEAN.

Điều này có thể tạo ra khoảng cách khổng lồ trong hệ thống quản trị khu vực. Do đó, ASEAN cần phải giải quyết gấp vấn đề kể trên trong thời gian tới. Phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực vẫn là những thành phần dân số dễ bị tổn thương. Ở một số nước ASEAN, sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị còn hạn chế. Một số nước vừa trải qua xung đột chính trị nội bộ và đang trong quá trình xây dựng lại đất nước dường như dành rất ít ưu tiên cho phụ nữ. Họ cũng hạn chế vai trò của phụ nữ trong công cuộc phát triển đất nước. Hiện nay, ASEAN cần phải nhận thức được những tác động của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, vai trò của họ trong công cuộc phát triển hòa bình. Quyền lợi của họ phải là quan tâm chính của tất cả các quốc gia.

Trong chương trình nghị sự những năm tới, Philippines đã mở đường cho sự tham gia của phụ nữ vào quá trình xây dựng, gìn giữ hòa bình thông qua việc thúc đẩy vai trong của phụ nữ trong các lĩnh vực đàm phán, hòa giải hay cứu trợ. Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có Chương trình hành động quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh được Hội đồng Bảo an thông qua năm 2000.

15 năm trước, từ khi bắt đầu Nghị quyết 1325, khái niệm về xung đột, bạo lực, hòa bình, an ninh và công lý đã được mở rộng. Xung đột không chỉ còn là xung đột vũ trang mà có thể là bất cứ hình thức nào làm gián đoạn tới cuộc sống của con người. Bạo lực ngày nay còn được nhìn nhận là sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng giới.

Những gì ASEAN cần hướng tới là xây dựng một chương trình hành động cấp khu vực một cách thống nhất. Kế hoạch hành động này cần nhìn nhận tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và phải thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Kế hoạch hành động cũng nên khuyến khích các tổ chức nhân đạo coi phụ nữ là lực lượng cán bộ chủ chốt trong các công tác cứu trợ, chăm sóc hay phục hồi chức năng.

Chỉ có thể bằng những hành động cụ thể, Cộng đồng ASEAN mới có thể giải quyết được tình trạng bất bình đẳng và xứng đáng là một cộng đồng hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm.

                                                                                                               Theo Thế giới và Việt Nam