Đặt niềm tin vào Diana

Lady Diana Spencer - một quý tộc có mối liên hệ chặt chẽ với hoàng gia - kết hôn với Thái tử Charles vào tháng 7/1981. Họ có hai con trai, Hoàng tử William và Harry. Spencer là một gia tộc nổi tiếng. Cha của Diana là cận thần riêng của Vua George VI (cha nữ hoàng) và sau đó là chính nữ hoàng. Sau vài năm công khai cuộc hôn nhân đầy bất ổn, Charles và Diana ly hôn năm 1996. Công nương Diana qua đời chỉ một năm sau đó vì tai nạn xe hơi. Từ đây, phần lớn thông tin được xoáy vào cái chết đó nhằm tạo ra những câu chuyện sai lệch, chỉ trích chế độ quân chủ và cá nhân nữ hoàng.

Theo giáo sư lịch sử Arianne Chernock - Đại học Boston (Mỹ) - Diana đã kể quá nhiều với truyền thông về cuộc sống cũng như những tâm tư, tình cảm riêng. Ngược lại, trong suốt triều đại của mình, nữ hoàng cẩn thận hơn nhiều, thinh lặng và hành động. Tương tác đầu tiên tạo sự ấm áp giữa hai người phụ nữ là khi Diana được mời đến Balmoral, điền trang hoàng gia ở Scotland. Nữ hoàng đã cho rằng Diana khá phù hợp với Charles. Tuy nhiên, kết quả tốt đẹp của lần gặp gỡ này lại không mở ra sự suôn sẻ trong cuộc sống sau này ở hoàng cung của Diana. 

leftcenterrightdel
Nữ hoàng Elizabeth II cùng Thái tử Charles và Công nương Diana trên ban công Cung điện Buckingham trong đám cưới của họ - Ảnh: Getty Images 

Trong khi nữ hoàng có niềm tin Diana có thể hòa hợp với cuộc sống hoàng gia, thì trái lại, dù đã nỗ lực để hòa nhập nhưng Diana vẫn luôn khao khát những điều khác. “Diana muốn được nữ hoàng hướng dẫn, gần gũi nhiều hơn. Tôi nghĩ Diana đã rất cô đơn và ước rằng có thể dễ dàng tiếp cận mẹ chồng hơn và nữ hoàng luôn sẵn sàng hơn với cô ấy”, Chernock nói.

Nữ hoàng Elizabeth II có cách nhìn nhận mọi thứ theo hướng khác. Bà cho rằng đã làm những gì có thể trong vai trò của mình. Bà từng thể hiện trong một lá thư viết cho người bạn: “Tôi tin rằng Diana sẽ thấy cuộc sống ở đây ít gánh nặng hơn dự kiến”. Sau đám cưới của Charles và Diana, nữ hoàng lập tức giao cho Diana các trọng trách hoàng gia, thể hiện sự tin tưởng của bà vào khả năng của công nương trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức của bà. 

Mối quan hệ của hai người phụ nữ thay đổi khi hôn nhân giữa Thái tử Charles và Công nương Diana đổ vỡ. Công nương tiết lộ rằng mình đã không nhận được hỗ trợ cần thiết khi hỏi ý kiến nữ hoàng về cuộc hôn nhân. Vị nữ quốc vương thì cảm thấy công nương quá tình cảm trong xử lý các vấn đề. Khi một người hầu cho biết Diana đã khóc ba lần trong vòng nửa giờ khi chờ gặp bà, nữ hoàng đã trả lời: “Tôi đã ôm cô ấy một giờ đồng hồ và cô ấy đã khóc không ngừng”.

Trong thập niên 1990, khi Diana chọn báo chí để bày tỏ những nỗi niềm, dù choáng váng vì con dâu đã công khai quá nhiều chuyện riêng tư, nhưng Elizabeth II vẫn giữ im lặng. Chính sự im lặng của bà đã càng khiến không ít người thúc đẩy các thuyết âm mưu về cái chết của Diana. Nội tâm của nữ hoàng là một bí ẩn, theo Chernock. Chính cuộc ly hôn của Charles và Diana đã khiến bà bớt cứng nhắc hơn nhiều trong quan niệm về hôn nhân và hoàng tộc.

Sự kiện gây dư luận trái chiều trong suốt 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II chính là cái chết của Diana. Thay vì ngay lập tức trở lại London từ Balmoral để an ủi thần dân, Elizabeth II đã chọn ở lại Scotland để chăm sóc hai đứa cháu vừa mồ côi mẹ. Cái chết của công nương là bước ngoặt đối với chế độ quân chủ và đối với chính nữ hoàng để từ đó, bà đã phát triển mối liên kết gần hơn với người dân của mình. Theo Chernock, Elizabeth II ít nhất đã cố gắng đưa thêm một chút gì đó cảm xúc tự nhiên, một chút kết nối vào trách vụ hoàng gia của mình. 

Bước ngoặt đối với chế độ quân chủ

Khoảnh khắc nữ hoàng phá vỡ nguyên tắc nghiêm ngặt của hoàng gia trong đám tang Diana ngày 6/9/1997, trở nên dấu ấn lịch sử sau khi bà vừa băng hà ở tuổi 96. Với tư cách là người đứng đầu vương quốc, nữ hoàng không bao giờ cúi đầu trước bất kỳ ai. Hành động Elizabeth II cúi đầu tỏ lòng kính trọng cố Công nương Diana khi quan tài đi qua thể hiện nội tâm sâu sắc nhất của nữ hoàng. Nhà báo người Ý Alberto Angela cho rằng, hình ảnh của nữ hoàng trong tang lễ Diana mang tính biểu tượng cao. “Khi đó chúng tôi có mặt trước cổng Cung điện Buckingham và cử chỉ cúi đầu chào của nữ hoàng như biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc. Bà đã bất chấp các quy ước hoàng gia. Ngay cả trong giờ phút đen tối nhất, Elizabeth II vẫn đặt trách vụ của mình lên hàng đầu và chứng minh rằng bà có thể giành được trái tim của mọi người ngay trong lúc đau đớn nhất”, Angela nói.

Kể từ giây phút đó, theo Angela, chế độ quân chủ thậm chí còn mạnh hơn. Trong bài phát biểu trước quốc dân sau đám tang, Nữ hoàng Elizabeth II thừa nhận không dễ để thể hiện “cảm giác mất mát”. “Những gì tôi đang nói với quý vị vào lúc này là nói với tư cách nữ hoàng và cũng với tư cách một người bà, tôi nói từ trái tim mình. Đầu tiên, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Diana. Cô là một con người đặc biệt và tài năng. Trong bất cứ hoàn cảnh tốt xấu nào, cô ấy không bao giờ mất khả năng mỉm cười, cũng như truyền cảm hứng cho người khác bằng sự ấm áp và lòng tốt của mình. Tôi ngưỡng mộ và tôn trọng cô ấy vì nghị lực và sự cam kết của cô ấy đối với người khác, và đặc biệt là vì sự tận tâm của cô ấy đối với hai con trai của mình”, nữ hoàng rõ ràng từng lời.

Vua Charles III nói về sự ra đi của mẹ: “Cái chết của mẹ yêu dấu của tôi, nữ hoàng, là đau buồn lớn nhất với tôi và tất cả thành viên trong gia đình. Chúng tôi tiếc thương sự ra đi của một vị vua đáng kính và một người mẹ được nhiều người yêu mến…”.

Cả hai người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Anh quốc giống nhau hơn những gì mọi người nghĩ. Một nữ hoàng thinh lặng và truyền thống, một công nương thẳng thắn và hiện đại, nhưng theo cách mạnh mẽ riêng của mình, cả hai đều cống hiến cả cuộc đời cho gia đình và đất nước. 

Theo phụ nữ TPHCM