Công nương Kate Middleton và hoàng hậu Jetsun Pema

Sức hút về thời trang

Hình ảnh  công nương Kate Middleton tại thủ đô Thimphu (Bhutan) với chiếc váy truyền thống có tên "kira" cùng áo choàng cape của nhà mốt Pháp Paul & Joe khiến người hâm mộ không thể rời mắt. Được biết, đây là chiếc váy được may từ chất liệu vải do Kelzang Wangmo - một thợ dệt lâu năm ở Bhutan chuyên làm chất liệu cho giới hoàng gia, thực hiện.

Khi nhìn thấy Kate mặc chiếc váy từ vải mình tự dệt, Kelzang Wangmo rất hạnh phúc. Bà cho biết, để tạo ra được một tấm vải này, bà phải nhờ tới 5 người thợ thực hiện trong suốt ba tháng. Toàn bộ quá trình từ dệt cho đến nhuộm vải đều phải thực hiện thủ công, không có sự trợ giúp của bất kỳ máy móc nào. Mỗi tấm vải như vậy có giá trung bình 1.500 USD. Ngoài ra, chiếc áo choàng cape mà Kate Middleton phối với váy làm từ len siêu nhẹ, được thêu các họa tiết lấy cảm hứng từ Ấn Độ và có giá hơn 735 USD (khoảng 16,4 triệu đồng).

Không thua kém công nương xứ Cambridge, Jetsun Pema - hoàng hậu của Bhutan cũng có tầm ảnh hưởng về thời trang. Cô cũng được coi là một trong những hoàng hậu có phong cách ăn mặc trang nhã, thanh lịch nhất thế giới. Bộ trang phục nổi tiếng nhất của hoàng hậu Bhutan là chiếc váy kira màu vàng cô mặc trong lễ cưới năm 2011. Mẫu váy này khiến các người thợ dệt tốn 3 năm để hoàn thành với mọi công đoạn thực hiện thủ công.

Các mẫu váy truyền thống của hoàng hậu trẻ Jetsun Pema thường tạo nên "cơn sốt" với người dân nơi đây. Dường như, mọi thứ cô mặc ra đường đều được người dân chú ý đến. Bà Kelzang Wangmo cho biêt, giới hoàng gia thường thích vải lụa bởi nó đắt đỏ và sang, nhưng Jetsun Pema lại thường mặc kira đơn giản, thi thoảng cô ấy mới diện những bộ có họa tiết may từ vải đắt tiền. "Ở Bhutan, hoàng hậu cũng không khác gì người mẫu thời trang. Hầu hết người ta thích mặc những gì cô ấy mặc, thậm chí còn bắt chước các họa tiết trên váy áo của hoàng hậu xinh đẹp", bà nói.

Hai nàng “Lọ lem”

 Mối quan hệ giữa Hoàng tử William và cô gái bình dân Kate Middleton từng tốn kém không ít giấy mực của báo chí và truyền thông. Vượt qua không ít khó khăn, chuyện tình đẹp của họ đã dẫn đến cái kết vô cùng có hậu của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, không chỉ có công nương Kate Middleton bước ra từ chuyện cổ tích Lọ lem, thiếu nữ xuất thân từ gia đình thường dân Jetsun Pema  cũng có câu chuyện tình đáng ngưỡng mộ.

Jetsun Pema sinh năm 1990 tại Thimphu trong một gia đình có 5 người con và cha cô làm phi công. Cô trở thành hoàng hậu của vương quốc Bhutan từ năm 2011 trong một đám cưới diễn ra hết sức giản dị theo truyền thống tại một tu viện có từ thế kỷ thứ 17.

Nhà vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck gặp và quen biết Hoàng hậu Jetsun Pema Wangchuck từ khi cô mới 7 tuổi. Dù chênh lệch nhau tới 10 tuổi, nhưng lúc đó, hai người vẫn có sự đồng cảm và chơi với nhau rất thân thiết. Lúc đó, hoàng tử chỉ nói với cô rằng: “Khi nào em lớn lên, nếu như anh vẫn còn độc thân, em vẫn còn độc thân và chúng ta vẫn dành tình cảm cho nhau thì anh sẽ cưới em làm vợ.”

Jetsun Pema đã có cơ hội gặp lại hoàng tử của Bhutan khi cả hai đi du học tại Anh. Cô nhận được sự quan tâm đặc biệt của hoàng tử. Tình yêu của họ nảy nở từ đó và cả hai đi đến quyết định kết hôn khi hoàng tử lên ngôi.

Hoàng hậu Bhutan từng học tại Trường Lawrence Sanawar ở Ấn Độ, sau đó là trường Cao đẳng Regents ở London. Ngoài vẻ đẹp yêu kiều, Jetsun Peman còn được đánh giá là một cô gái thông minh, đáng yêu và hòa đồng với bạn bè.

Kate Middleton và Jetsun Pema dù không hẹn nhưng đã cùng bước vào cuộc sống hoàng gia vào năm 2011. Trong khi hoàng hậu tương lai của nước Anh vô cùng yêu thích nghiên cứu lịch sử nghệ thuật cùng các môn thể thao thì hoàng hậu Bhutan cũng tỏ ra ham hiểu về mỹ thuật, hội họa và bóng rổ.

Theo Thế giới và Việt Nam