Siêu sao Ấn Độ Priyanka Chopra từng là Á hậu 1 Hoa hậu Ấn Độ và đăng quang Hoa hậu Thế giới năm 2000. Ảnh: Northeast today
Hồi đầu tuần, Times of India, tờ báo thuộc ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ thường niên, đăng tải một bức ảnh ghép chụp 30 thí sinh lọt vào vòng chung kết năm nay.
Các cô gái đại diện cho nhiều bang khác nhau sẽ tranh tài để giành vương miện Hoa hậu Ấn Độ 2019 vào ngày 15/6 tới và người chiến thắng sẽ đại diện cho quốc gia tham dự các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Đây cũng là cuộc thi khởi đầu cho sự nghiệp của siêu sao Ấn Độ Priyanka Chopra.
Quảng cáo sự kiện này được đăng toàn trang với tiêu đề "Ai sẽ được trao vương miện Hoa hậu Ấn Độ năm nay?" và cho biết mỗi thí sinh là hoa hậu của một bang ở khắp 4 vùng Đông, Tây, Nam, Bắc của Ấn Độ.
Tuy nhiên, bức ảnh nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích trên Twitter khi nhiều người chỉ ra sự thiếu đa dạng trong hình ảnh của các thí sinh. 30 cô gái có ngoại hình tương tự nhau với mái tóc dài thẳng và làn da sáng. Một số người dùng mạng còn đùa rằng họ thậm chí chỉ là một người. Trong khi cuộc tranh cãi lên đến cao trào, ban tổ chức vẫn chưa đưa ra phản hồi nào.
Các cuộc thi sắc đẹp trở thành một ngành kinh doanh quan trọng ở Ấn Độ từ giữa thập niên 90. Ngoài Chopra, quốc gia này đã sản sinh ra nhiều nữ hoàng sắc đẹp nổi tiếng như Aishwarya Rai, Sushmita Sen. Nhiều người đẹp cũng gặt hái thành công khi bước chân vào kinh đô điện ảnh Bollywood.
Bức ảnh quảng bá cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ bị chỉ trích trên Times of India. Ảnh: Times of India
Những năm qua, các học viện đào tạo thí sinh cho các cuộc thi sắc đẹp mọc lên như nấm khắp Ấn Độ. Tuy nhiên, phần đa các người đẹp danh tiếng nhất đều là da trắng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi người Ấn Độ, đặc biệt là phụ nữ, từ lâu đã ám ảnh với nước da trắng và xem da trắng là thượng đẳng so với da tối màu.
Từ thập niên 70, khi "Fair and Lovely", kem làm trắng da đầu tiên tại Ấn Độ, được ra mắt, các mỹ phẩm làm trắng luôn nằm trong tốp sản phẩm bán chạy nhất nước này. Nhiều năm nay, các ngôi sao hàng đầu của Bollywood cũng thường xuyên xuất hiện trong các quảng cáo mỹ phẩm với lời hứa hẹn rằng không chỉ làm trắng da mà còn giúp họ có được công việc hấp dẫn hay tìm được tình yêu. Các cuộc thi sắc đẹp cũng hướng đến hình mẫu trên.
Năm 2005, "Fair and Handsome", loại kem trắng da dành cho đàn ông đầu tiên ở Ấn Độ ra đời. Sản phẩm này nhanh chóng gây sốt nhờ được siêu sao Shah Rukh Khan quảng bá.
Những năm gần đây, các chiến dịch như kêu gọi mọi người tôn vinh làn da tối màu bắt đầu xuất hiện, trong đó các vị thần của đạo Hindu được vẽ lại với làn da sẫm hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được làn sóng của các loại mỹ phẩm làm sáng mọi thứ, từ lông nách cho đến cả cơ quan sinh dục nữ.
Sự phổ biến của các mỹ phẩm này ở Ấn Độ có thể thấy rõ qua doanh thu hàng trăm triệu đôla mỗi năm. Theo ước tính, thị trường sản phẩm làm trắng dành cho phụ nữ ở Ấn Độ dự kiến đạt 50 tỷ rupee (hơn 700 triệu USD) vào năm 2023.
Những người ủng hộ các sản phẩm làm trắng cho rằng vấn đề nằm ở quyền lựa chọn cá nhân. Nếu phụ nữ có thể dùng son để làm môi đỏ hơn thì tại sao họ không thể thoa kem để giúp da trắng hơn?
Lập luận trên dường như rất logic nhưng các nhà hoạt động chỉ ra rằng nỗi ám ảnh về nước da trắng tạo ra những định kiến xã hội và gây tổn thương cho những người có làn da tối màu, khiến họ mất đi sự tự tin. Nó cũng tác động đến đời sống cá nhân và công việc của họ.
Các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ 2019. Ảnh: Femina Miss India
Nhiều người mẫu Ấn Độ có nước da tối kể rằng họ bị từ chối và cũng rất ít nữ diễn viên Bollywood có làn da nâu được đóng vai chính. Năm 2014, Hội đồng Tiêu chuẩn Quảng cáo Ấn Độ (ASCI) đã ban hành một bộ quy định cấm các quảng cáo mô tả người có làn da sẫm màu là "thiếu cuốn hút, không hạnh phúc, lo lắng hay chán nản", xem họ là bất lợi trong "hôn nhân, công việc hay thắng tiến". Tuy nhiên, các quảng cáo như trên vẫn tiếp tục, dù chúng đã được thể hiện theo cách khôn khéo hơn, và các nam nữ diễn viên nổi tiếng vẫn quảng bá mỹ phẩm làm trắng da.
Hồi đầu năm nay, nữ diễn viên Sai Pallavi gây xôn xao Ấn Độ khi thẳng thừng từ chối một hợp đồng quảng cáo kem trắng da trị giá tới 20 triệu rupee (290.000 USD).
"Tôi sẽ làm gì với số tiền mình được trả từ một quảng cáo như thế? Tôi không cần nhiều như vậy", Pallavi nói. "Tôi có thể nói rằng các tiêu chuẩn của chúng ta là sai lầm. Đây là màu da của người Ấn Độ. Chúng ta không thể gặp những người nước ngoài và hỏi họ tại sao họ lại trắng. Đó là màu da của họ còn đây là màu da của chúng ta".
Những bình luận của Pallavi được ca ngợi như một hơi thở mới, nhất là khi đặt chúng trong bối cảnh của cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ, nơi tất cả các thí sinh trông tương tự nhau với làn da được làm trắng.
Theo
vnexpress