Gần đây, nhà thiết kế Ulla Johnson đang suy nghĩ sẽ mặc gì để đi bỏ phiếu vào ngày 5/11 - liệu bộ trang phục nào có thể truyền tải được tâm ý của cô đối với cuộc bầu cử lần này. Johnson nói rằng cô đã nghĩ đến việc mặc một chiếc áo sơ mi thắt nơ ở cổ. Cô nhận thấy kiểu áo này ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt từ khi Phó tổng thống Kamala Harris mặc chúng tại Đại hội đảng Dân chủ.
Có lẽ chiếc áo sơ mi thắt nơ có thể trở thành “một lời hiệu triệu”, cô nói với New York Times.
Quần áo vốn không phải công cụ chiến lược trong cuộc đua tổng thống năm này. Điều này trái ngược với cuộc đua năm 2016, khi bà Hillary Clinton biến bộ vest trắng thành biểu tượng đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump. Năm nay, bà Harris đã chủ ý giảm bớt yếu tố chính trị bản sắc trong chiến dịch của mình và hạ thấp vai trò của trang phục, vốn gây chú ý đến giới tính của bà.
Dẫu vậy, chiếc áo sơ mi thắt nơ vẫn nổi lên như một biểu tượng của thời đại, len lỏi vào nhận thức chung và trở thành một công cụ biểu đạt khó tin. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chiếc áo này cũng từng nhiều lần xuất hiện khi các vấn đề về quyền và quyền lực của phụ nữ trỗi dậy.
Biểu tượng bền bỉ
Hơn bất kỳ trang phục nào khác từng đại diện cho cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, bao gồm cả ý tưởng từng được coi là cấp tiến về việc phụ nữ mặc quần và những miếng độn vai mạnh mẽ trong cuộc cách mạng C-suite, chiếc áo sơ mi thắt nơ dường như đã trở thành một công cụ ngoại giao ngầm.
Nữ tính nhưng không quá gợi cảm, nam tính nhưng không quá hăm dọa. Chiếc áo vừa đóng vai trò như một cách ngụy trang cho phụ nữ khi bước vào các không gian truyền thống của nam giới, vừa là “một tuyên bố về ý định” của họ, nhà sử học thời trang Kate Strasdin từ Đại học Falmouth, Cornwall (Anh), nhận định.
“Nó có thể là biểu tượng bền bỉ nhất cho nỗ lực vượt qua các rào cản của phụ nữ”, bà nói thêm.
|
|
Áo sơ mi thắt nơ của Prada. Ảnh:Prada/New York Times. |
Phó tổng thống Kamala Harris đã mặc áo sơ mi thắt nơ trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trên chính trường Mỹ. Năm 2020, khi có bài phát biểu đầu tiên với tư cách phó tổng thống, bà mặc chiếc áo với bộ vest trắng mang tính biểu tượng của phong trào đòi quyền bầu cử, nhấn mạnh lần nữa tính tiên phong trong nỗ lực ứng cử và chiến thắng của bản thân.
Bà cũng mặc chiếc áo này 3 lần kể từ khi trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ - hai lần xuất hiện trên sân khấu tại Đại hội Đảng Dân chủ vào tháng 8 và trong cuộc tranh luận với ông Trump vào tháng 9.
Khi Công nương Catherine - Công nương xứ Wales - xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 10 sau khi hoàn thành quá trình điều trị ung thư, bà cũng mặc một chiếc váy sơ mi thắt nơ.
Mùa thu này, áo sơ mi thắt nơ bắt đầu tái xuất trên sàn diễn thời trang, từ nhiều thương hiệu như Carolina Herrera, Prada, Balenciaga, Chanel, Louis Vuitton,... Một chiếc áo sơ mi thắt nơ trong bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Alessandro Michele cho Valentino cũng đang chiếm vị trí trang trọng trong cửa hàng trên đại lộ Madison.
“Đó là một trang phục mang tính biểu tượng cao. Một thiết kế được gửi gắm những thông điệp”, bà Paola Antonelli, giám tuyển cấp cao tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, cho biết.
Thông điệp đó có thể được thể hiện rõ ràng nhất bởi bà Harris, nhưng còn liên quan nhiều hơn đến cuộc tranh luận về cơ thể và quyền tự chủ của phụ nữ đang sục sôi tại Mỹ. Thời điểm này, áo sơ mi thắt nơ dường như đã trở thành một ý niệm hơn là một món đồ.
Bề dày thăng trầm
Kể từ khi xuất hiện vào thế kỷ XVII, chiếc áo đã trở thành biểu tượng của sự cân bằng giữa giải phóng và truyền thống, giữa hành vi bất tuân và chuẩn mực trói buộc nữ giới.
Theo bà Valerie Steele, giám đốc Bảo tàng tại Học viện Công nghệ Thời trang, chiếc áo sơ mi thắt nơ đầu tiên xuất hiện dưới thời Vua Louis XIV.
Sau đó, các cô gái Gibson cuối thế kỷ XIX và những phụ nữ trẻ đầu thế kỷ XX bắt đầu đeo những chiếc nơ quanh cổ khi họ "dám bước ra ngoài một mình", nhà sử học thời trang Strasdin nói. Dù là đi chơi những môn thể thao nam tính như golf hay đi làm, họ sử dụng chiếc nơ như một cách “thách thức chế độ phụ hệ mà không làm đảo lộn nó”.
Chắc hẳn những người tôn thờ chế độ phụ hệ khi đó không thấy điều gì đe dọa từ biệt danh “pussy bow” (chiếc nơ con mèo) xuất hiện vào thập niên 1930. Song 30 năm sau, Yves Saint Laurent đã biến chiếc nơ này thành biểu tượng nữ quyền khi thêm vào bộ tuxedo nữ đầu tiên, kết nối phụ kiện này với khái niệm chiếm dụng giới tính.
Khái niệm này càng nổi bật vào những năm 1970, khi tác giả John T. Molloy viết cuốn sách “Dress for Success” (Phong cách thành công cho phụ nữ) và khuyên phụ nữ có tham vọng làm lãnh đạo nên đeo những chiếc nơ lớn, mềm mại như một phiên bản nữ tính hóa của cà vạt.
“Đó là cách dung hòa giữa các tiêu chuẩn nam tính và nhu cầu duy trì một sự nữ tính nhất định”, bà Antonelli cho biết.
|
|
Những chiếc nơ buộc quanh cổ đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Ảnh:Frank Ockenfels/AMC. |
Chiếc áo sơ mi thắt nơ cũng là phong cách yêu thích của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan trong thời gian cựu Tổng thống Ronald Reagan ở Nhà Trắng. Song người nổi tiếng nhất với chiếc áo này lại là Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 1985, bà Thatcher nói rằng chiếc áo khiến hình ảnh của bà trở nên mềm mại hơn.
Hình ảnh những nhân vật nổi tiếng này gắn liền với chiếc sơ mi cho đến cuộc bầu cử năm 2016, khi bà Melania Trump xuất hiện trong cuộc tranh luận với chiếc áo sơ mi thắt nơ hồng nóng bỏng, chỉ vài ngày sau khi tờ Washington Post tiết lộ đoạn ghi âm cho thấy chồng bà dùng lời lẽ thô tục nói về phụ nữ, gây ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ.
Lựa chọn của bà Melania được ví như một nỗ lực châm biếm, dù không chắc là với truyền thông hay chính ông Trump. Và chiếc áo sơ mi vốn được xem là bảo thủ này bất ngờ trở thành “biểu tượng của sự mỉa mai” trên mạng xã hội, bà Strasdin nhớ lại.
Vị thế biểu tượng chỉ càng tăng thêm vào năm 2018, trong phong trào #MeToo ở Thụy Điển, khi bà Sara Danius, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Viện Hàn lâm Thụy Điển (tổ chức trao giải Nobel), bị sa thải vì cách xử lý cáo buộc tấn công tình dục đối với nhiếp ảnh gia Jean-Claude Arnault, một thành viên trong tổ chức. Ông Arnault bị cáo buộc hành hung và quấy rối tình dục. Để phản đối, phụ nữ trên khắp Thụy Điển đã xuống đường với chiếc áo sơ mi thắt nơ đặc trưng của bà Danius.
“Bà ấy đã biến trang phục nữ tính điển hình này thành một bộ đồ quyền lực”, một người biểu tình cho biết.
Đó là lý do quyết định đưa áo sơ mi thắt nơ vào tủ đồ của bà Harris lại có sức cộng hưởng mạnh mẽ đến vậy. Lịch sử đầy thăng trầm của chiếc áo cho phép bà kết nối với mọi phía.
Bà Harris có thể thu hút những người bảo thủ, những người liên tưởng chiếc áo với bà Thatcher và ông Reagan, coi đó là một bộ đồng phục nữ tính đáng tin cậy. Bà cũng có thể coi đây là một ẩn ý với phe đối lập, những người có thể xem lựa chọn này như một cách châm chọc tinh tế tới đối thủ của bà.
Dù được thắt theo cách mềm mại truyền thống hay nổi bật hơn, chiếc nơ luôn mang ý nghĩa “phô diễn quyền lực”, nhà thiết kế Johnson nói.
“Và với phụ nữ, điều đó vẫn còn vô cùng phức tạp”, bà nhận định.
Theo lifestyle.znews