“Nhiệm vụ kép”
Yuko Ishizaki - phó giáo sư tại Đại học Atomi ở Tokyo, người nghiên cứu về vai trò đang thay đổi của shufu (các bà nội trợ) ở Nhật Bản - cho biết, phụ nữ thời Reiwa hiện đại coi vai trò của người vợ và người mẹ nội trợ là một trong nhiều sự lựa chọn của cuộc sống. “Nếu vợ/chồng họ bất ngờ mất việc, ly hôn hoặc thậm chí đột ngột qua đời, một người nội trợ toàn thời gian sẽ không còn ai để nương tựa” - Ishizaki nói và cho rằng phụ nữ hiện nay thích trở thành một phần của “cặp đôi quyền lực”. Đó là do việc trang trải chi phí sinh hoạt - khoản thế chấp ngân hàng, tiền học, hoạt động sau giờ học của con - chỉ dựa vào thu nhập của người chồng ngày càng trở nên khó khăn hơn.
|
Nhiều phụ nữ Nhật Bản cho rằng gia đình lý tưởng là cả vợ chồng đều có thu nhập cao - Ảnh: Johan Brooks |
Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy không chỉ phụ nữ ngày nay có xu hướng theo đuổi “nhiệm vụ kép” trong đó họ kết hôn, sinh con và tiếp tục làm việc, mà cả chồng họ cũng thích điều đó. Ishizaki nhấn mạnh: “Ngày càng nhiều đàn ông mong muốn bạn đời tương lai sẽ đảm đương nhiệm vụ kép này hơn là trở thành những bà nội trợ toàn thời gian”.
Midori Ogino (41 tuổi) lớn lên trong một gia đình Nhật Bản bảo thủ những năm 1980 và 1990. “Mẹ và 2 dì của tôi không được phép đi làm bên ngoài. Một người chồng coi việc vợ có sự nghiệp như một cái tát vào mặt, một lời tuyên bố với thế giới rằng anh ta không chu cấp đủ tốt” - cô nói.
Ogino chọn đi theo con đường riêng và bắt đầu công việc kinh doanh. Cô cũng đã ly hôn. Điều này từng khiến những cuộc trò chuyện giữa Ogino và cha mẹ cô trở nên khó khăn vì cha mẹ cô thuộc thế hệ xem việc ly hôn là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, cuối cùng, cô cũng nhận được sự ủng hộ của cha mẹ và có quan hệ tốt với chồng cũ.
Theo Bộ Y tế, năm 2022, Nhật Bản chứng kiến gần 180.000 cặp vợ chồng ly hôn, so với 96.000 cặp vào năm 1970. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cho thấy khoảng 70% các vụ ly hôn này là do phụ nữ chủ động. Họ cũng có xu hướng giành quyền nuôi con.
Michiko Enari - Giám đốc đại diện của Hiệp hội Hỗ trợ bà mẹ đơn thân Nhật Bản, nơi giúp các bà mẹ đơn thân ổn định về mặt cảm xúc và tài chính - cho biết thay đổi quan điểm về tiền bạc là điều quan trọng để các bà mẹ đơn thân thoát nghèo vì phụ nữ không được dạy dỗ để suy nghĩ như người trụ cột gia đình giống đàn ông.
Một mình nuôi 5 cô con gái sau khi ly hôn với người chồng thứ hai, Enari biết rằng xã hội vẫn kỳ thị những bà mẹ đơn thân, những người không có thời gian thoải mái ở nơi làm việc hay bất kỳ nơi nào khác. “Chính tình yêu thương dành cho con cái đã tiếp sức cho chúng tôi vượt qua những thử thách đó” - cô nói.
Tìm sự cân bằng phù hợp
Dù phụ nữ Nhật Bản mong muốn có những gia đình mà vợ chồng đều đi làm nhưng gánh nặng việc nhà và chăm sóc con cái vẫn đè nặng lên các người mẹ, người vợ ở Nhật Bản.
Ishizaki cho rằng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự bất bình đẳng sâu sắc về cơ cấu giữa các giới. Phần lớn công việc gia đình tiếp tục thuộc về phụ nữ, ngay cả khi vợ chồng đều tích cực làm việc.
Theo một cuộc khảo sát của chính quyền Tokyo, vào tháng 6/2021, khi thủ đô Nhật Bản rơi vào tình trạng khẩn cấp liên quan đến đại dịch, phụ nữ phải dành thêm 5 giờ 20 phút mỗi tuần cho công việc nội trợ so với nam giới.
Ngày nào trên mạng xã hội bạn cũng thấy những “người mẹ có sức ảnh hưởng” Nhật Bản khoe những hộp cơm của con họ hoặc những bữa tối làm từ thực vật ichiju sansai (nghĩa đen là “1 xúp, 3 món”). Nếu lướt qua Instagram, bạn sẽ tìm thấy 22 triệu bài đăng có hashtag #obento.
Aska Wada (37 tuổi) là một trong những bà mẹ sử dụng nền tảng Instagram để chia sẻ các bữa ăn và công thức nấu ăn. Ấn tượng hơn, cô đã đi từ chỗ không có kỹ năng nấu nướng đến việc xuất bản 4 cuốn sách dạy nấu ăn, tạo dựng tên tuổi và thu hút hơn 429.000 người theo dõi.
Wada nói rằng, dù đã đạt được thành công nhất định, cô vẫn giống như bất kỳ bà mẹ Nhật Bản nào khác đang phải vật lộn với việc không đủ thời gian trong ngày để hoàn thành mọi thứ.
“Ngay cả khi có chồng hỗ trợ, gánh nặng vẫn đổ lên vai phụ nữ. Dù có đi làm, bạn vẫn phải làm việc nhà, chăm sóc con cái và cha mẹ già, trong khi vẫn phải trông xinh đẹp” - Wada chia sẻ.
Mặc dù Wada thừa nhận mình nấu ăn nhiều hơn chồng nhưng cô nói rằng nơi của những người mẹ Reiwa không phải ở trong bếp. Những người mẹ không cần phải thuộc về một nơi nào cả. Hầu hết phụ nữ đều đang cố gắng tìm sự cân bằng phù hợp.
Khi phụ nữ trở thành trụ cột trong gia đình
Trong một cuộc khảo sát trực tuyến với 3.000 đàn ông và 3.000 phụ nữ do Chính phủ Nhật Bản thực hiện vào năm 2012, 46,9% phụ nữ cho biết muốn đóng góp tài chính cho gia đình nhiều nhất có thể sau khi kết hôn, 18,3% đàn ông cũng muốn làm điều tương tự.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2023, không giống như ở Mỹ, nơi gần một nửa số phụ nữ kết hôn kiếm được bằng hoặc nhiều hơn chồng họ, việc phụ nữ Nhật Bản kiếm được nhiều tiền hơn chồng vẫn được coi là điều bất thường.
|
Trong thời kỳ đại dịch, các nghiên cứu cho thấy ngay khi cả vợ chồng đều ở nhà, người vợ vẫn phải đảm đương phần lớn việc nhà - Ảnh: Johan Brooks |
Miyuu Kitayama (39 tuổi) là trụ cột trong gia đình. Cô đã rời bỏ công việc 40 giờ/tuần ở công ty để trở thành nhà tư vấn tiếp thị tự do và hiện kiếm được nhiều tiền hơn Masahiro - chồng cô - trong khi chỉ làm việc 15 giờ/tuần. Sau đó, vợ chồng cô đi đến thỏa thuận rằng Masahiro sẽ nghỉ phép 1 năm để dành toàn thời gian cho con đầu lòng - điều mà chưa đến 1% người cha ở Nhật Bản làm vào năm 2021.
Kitayama nói: “Trước đây tôi chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho bữa tối nhưng giờ thì chồng tôi thực hiện việc đó. Tôi chỉ nấu ăn nếu có thời gian. Nếu tôi bận việc, chúng tôi sẽ ăn hộp cơm bento mua ở cửa hàng, còn con gái ăn cà ri làm sẵn và 1 gói cơm ăn liền. Tôi từng cảm thấy tồi tệ nhưng giờ thì không. Tôi không thể quán xuyến tất cả”.
Giống như những bà mẹ Reiwa am hiểu công nghệ khác, Kitayama sử dụng các ứng dụng trò chuyện video và chia sẻ ảnh để kết nối ông bà với cháu. Tuy vậy, cô tránh chia sẻ quá nhiều ảnh và video về con mình lên mạng. Cô cũng nhận ra những rủi ro khi so sánh bản thân với người khác dựa trên nhận thức về thực tế được mô tả trên mạng xã hội. “Chúng ta học hỏi từ thành công, thất bại của người khác và sử dụng điều đó để hình thành phong cách nuôi dạy con cái của riêng mình. Ít nhất thì đó là điều tôi làm” - cô chia sẻ.
Thế nào là người mẹ lý tưởng?
Bất chấp tiến bộ xã hội và tiến bộ công nghệ, dường như ngày càng có sự đồng thuận rằng việc làm mẹ khó khăn hơn trước.
“Làm mẹ thật cô đơn. Cần cả xóm để nuôi dạy 1 đứa trẻ nhưng không có xóm nào cả. Tôi thậm chí còn không biết người hàng xóm bên cạnh mình” - một bà mẹ ở độ tuổi 30 nói.
5 năm trôi qua, thách thức của kỷ nguyên Reiwa là một đại dịch toàn cầu, mẹ và bà của chúng ta đã phải đối mặt với thiên tai, nghèo đói, phân biệt giới tính và chiến tranh. Tuy nhiên, các quy tắc và giải pháp được truyền lại từ các thế hệ phụ nữ trước đó dường như không phù hợp với một thế giới ngày càng kỹ thuật số, cạnh tranh và đầy hiểm họa. Dù vậy, đặc điểm tính cách của những phụ nữ này vẫn tiếp tục gây được tiếng vang.
Khi được hỏi thế nào là người mẹ lý tưởng, Aska Wada đã suy nghĩ rất lâu. Câu trả lời của cô đại khái là những người mẹ Reiwa ở Nhật Bản không cần phải hoàn hảo. “Tôi là một phần của rất nhiều người phụ nữ truyền cảm hứng trong cuộc đời tôi” - cô nói.
Theo phụ nữ TPHCM