Phụ nữ cần được san sẻ gánh nặng gia đình để vươn lên
Cần phá vỡ quy tắc

Thu hẹp khoảng cách giới đang là một chủ đề nóng hổi trên toàn cầu những năm gần đây và tình hình tại Đông Á cũng không khác biệt. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), khu vực châu Á- Thái Bình Dương chịu tổn thất 89 tỉ USD mỗi năm vì phụ nữ không hội nhập hoàn toàn vào lực lượng lao động. Rất nhiều thảo luận và sáng kiến chính sách đưa ra tập trung vào việc làm thế nào để kiến tạo một môi trường làm việc phù hợp với nhu cầu của phụ nữ. Nhiều mục tiêu mang tính “định lượng” được đưa ra như kế hoạch của Nhật nhằm tăng số lượng phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo tập đoàn lên 30% vào năm 2020 hay xây dựng thêm nhiều cơ sở chăm sóc trẻ với chất lượng tốt hơn, cải thiện chế độ thai sản, chế độ nghỉ của chồng khi vợ sinh con…

Song các hoạt động nói trên không hoàn toàn được tán thành. Giới phân tích và các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng vẫn còn thiếu những chính sách, dịch vụ hỗ trợ gia đình thực sự. Đây được coi là các rào cản trong việc trao quyền cho nữ giới ở châu Á. Ở đây vẫn có điểm sáng đó là triển vọng phụ nữ sẽ trở thành những người “phá vỡ quy tắc”, đưa đất nước vào con đường tăng trưởng mới hơn, toàn diện hơn. Trên con đường ấy, phụ nữ nên tự coi chính mình có một lợi thế nếu như sẵn sàng thử nghiệm, sáng tạo ra các nguyên mẫu, tham vấn hay yêu cầu tư vấn, chủ động đề xuất. Đây là cách tiếp cận cần thiết cho ngày nay, thay vì thúc đẩy các mô hình kinh doanh hoàn hảo sử dụng những chiến lược truyền thống.

Thời của tư duy mới

Đông Á cung cấp một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất cho các công ty. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng tại các thị trường châu Á sẽ khác biệt so với quá khứ, khi nhiều công nghệ mới sẵn có sẽ ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng. Rất nhiều vị trí quản lý mới trở nên sẵn có và nhu cầu tìm người có ý tưởng mới trở nên lớn hơn. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trỗi dậy tại châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc đã có dấu hiệu chậm lại.

Thách thức khiến các nước này phải đổi mới mô hình phát triển, mô hình kinh doanh, tạo sự cạnh tranh khác biệt so với những thể thức truyền thống để thành công. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách rằng, những người có ý tưởng mới mẻ cần dẫn dắt các công ty và tổ chức giáo dục để thiết kế các khóa học cho phụ nữ nhằm tiếp thu, học tập các kỹ năng mới. Ở nhiều nước châu Á, phụ nữ thường ở vị thế bất lợi khi tiếp cận với những cơ hội giáo dục. Một cách tiếp cận mới kết nối giáo dục, phát triển các kỹ năng và công việc sẽ không chỉ cho phép phụ nữ nâng cao vị thế trong giáo dục và nơi làm việc, mà còn đem lại cho họ cơ hội để thăng tiến nhanh chóng.

Và hợp tác trong khu vực sẽ diễn ra thế nào? Ở đây vẫn tồn tại các khác biệt giữa các nước châu Á và chúng ta không thể áp dụng một cách duy nhất cho tất cả. Ví dụ, tỉ lệ lao động nữ tương đối cao tại Singapore (43,6%), Nhật Bản (42,3%) và Hàn Quốc (41,6%) nhưng lại khá thấp ở Malaysia (36,1%) và Philippines (39,2%). Trong khi đó, tỉ lệ nữ quản lý ở Philippines lại là 53%, 25% ở Malaysia, 11,1% ở Nhật và 9,4% tại Hàn Quốc. Các gương mặt nữ hoạt động trên chính trường cũng rất khác nhau giữa các nước. Vì sự khác biệt ấy, mỗi quốc gia cần học tập lẫn nhau, chia sẻ câu chuyện và thành công, cũng như hỗ trợ nước khác phát triển. Cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và hợp tác giữa các nước châu Á. Tư duy kiểu cũ khi đề cao cả khác biệt lẫn hòa hợp tại châu Á sẽ phù hợp với cách tiếp cận này.

Bên cạnh đó, có những rào cản văn hóa cần phải vượt qua. Những kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong xã hội vẫn bị cản trở ở nhiều vùng châu Á, thậm chí còn ăn sâu bám rễ và sẽ khó thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, những thay đổi trong 5 năm qua, đặc biệt ở giới trẻ cho thấy, trong thế giới phẳng, trong thời đại ngày nay, một tư duy mới đang phát triển. Cuối cùng, phụ nữ có nhiều khả năng để phát triển thành công các ý tưởng nếu họ hợp tác. Họ có thể kết hợp sức mạnh cá nhân và tận dụng tiềm năng trí tuệ tập thể. Đây là lúc mỗi nước cần nhìn xa hơn biên giới quốc gia để trao quyền cho phụ nữ bằng cách khuyến khích họ trở thành những người tiên phong, những người phá vỡ quy tắc, kiến tạo nên mô hình mới.

Thái Thanh