Hình ảnh trích từ camera an ninh cho thấy cô Mã quỳ xuống cầu xin người nhà


Thai phụ Mã Nhung Nhung, 26 tuổi, ngày 30/8 nhập viện tại bệnh viện thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, trong cơn đau đẻ dữ dội. Hôm sau, cô bất ngờ nhảy lầu tự tử và vụ việc lập tức gây rúng động toàn Trung Quốc. Theo báo chí địa phương, trong suốt 4 giờ, cô liên tục xin mổ đẻ để giải thoát cơn đau. Sau khi những yêu cầu của cô liên tiếp bị từ chối, Mã lao ra cửa sổ từ tầng 5 bệnh viện, nhảy xuống đất và tử vong, theo AFP.

Gia đình Mã và các bác sĩ đổ lỗi cho nhau xung quanh quyết định không mổ đẻ cho cô để giảm cơn đau. Bi kịch này khiến dư luận Trung Quốc sôi sục và nhiều người tự hỏi làm sao cô Mã lại có thể bị từ chối một tiến trình bình thường như vậy.

Chưa có câu trả lời rõ ràng nhưng vụ việc trên đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề, từ chi phí dịch vụ y tế đắt đỏ, quyền lợi của bệnh nhân cho đến những mối đe dọa tới các giá trị gia đình Trung Quốc.

Tranh cãi

Cuộc tranh luận nóng lên đỉnh điểm hồi tuần trước sau khi đoạn clip rò rỉ từ camera giám sát an ninh cho thấy Mã quỳ gối trước người nhà tại hành lang bệnh viện, dường như để cầu xin họ cho cô được sinh mổ.

Trước cơn giận dữ từ dư luận, tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài xã luận nhấn mạnh dù người chịu trách nhiệm là ai, vụ việc phải được nhìn nhận như một hồi chuông cảnh tỉnh.

"Điều cần thiết nhất là phải chú ý hơn nữa đến cảm xúc của những phụ nữ mang thai và tôn trọng quyền tự quyết định của họ... Chúng ta cần cảm thông và quan tâm họ hơn. Chúng ta không nên chỉ nghĩ về các chính sách và lợi ích", bài xã luận viết.

Ngày 3/9, bệnh viện ra thông báo cho biết bác sĩ đã khuyên cô Mã và gia đình nên tiến hành mổ đẻ vì kết quả kiểm tra y tế cho thấy đầu em bé lớn hơn bình thường, có thể gây ra nhiều rủi ro nếu sinh nở tự nhiên.

Mã cũng đề nghị chồng để cô được sinh mổ. Tuy nhiên, gia đình Mã kiên quyết muốn cô sinh tự nhiên vì tin rằng điều đó sẽ tốt hơn cho đứa trẻ. Như để làm bằng chứng, bệnh viện đã đăng nhật ký phẫu thuật, cho thấy gia đình Mã không chấp nhận yêu cầu xin mổ đẻ từ cô. Điều này có lẽ khiến Mã trở nên quẫn trí và mất kiểm soát vì cơn đau, dẫn đến hành động nhảy lầu.

Bệnh viện cho hay Mã đã ký giấy ủy quyền cho chồng ra các quyết định y khoa thay mặt cô. Vì thế, bệnh viện "không có quyền thay đổi phương pháp đẻ khi chưa có sự đồng ý từ người chồng".

Tuy nhiên, Diên Tráng Tráng, chồng Mã Nhung Nhung, nói với tờ Beijing Youth Daily rằng anh đã đồng ý cho vợ sinh mổ nhưng bác sĩ lại bảo không cần thiết. Một người bà con với Diên xác nhận rằng sau khi khám cho cô Mã, có hai bác sĩ nói không cần phải sinh mổ. Hai bác sĩ này đã bị đình chỉ công tác để điều tra.

Phùng Lập Hoa, chuyên gia về các vụ kiện y tế thuộc Công ty luật Zhongdun ở Bắc Kinh, cho biết theo luật Trung Quốc, quyết định phương pháp đẻ phải do Mã tự đưa ra, không thể ủy quyền cho người khác.

Dù sinh mổ được nhiều phụ nữ ở Trung Quốc lựa chọn vì nó là phương án giúp giảm đau đớn, chính phủ nước này vẫn gây sức ép buộc các bệnh viện phải giảm tỷ lệ sinh mổ ở thai phụ.Cảnh sát đang điều tra vụ việc nhưng câu hỏi đặt ra lúc này đối với nhiều người là tại sao Mã không được chuyển phương pháp đẻ. Một số người cho rằng gia đình cô có lẽ không lo đủ chi phí hoặc không sẵn sàng trả chi phí cho phẫu thuật mổ đẻ. Đây là vấn đề khá phổ biến ở Trung Quốc, một đất nước nơi mà nhiều dịch vụ y tế có thể vượt quá tầm với của người dân bình thường. Những người khác tự hỏi liệu chính sách bệnh viện áp dụng có góp phần gây ra cái chết của Mã hay không.

"Bệnh viện muốn hạn chế những ca sinh mổ, còn các gia đình thì không muốn tốn kém. Kiểu hệ thống bệnh viện như vậy và kiểu gia đình như vậy đã gây ra thảm họa này", một người bình luận viết trên mạng xã hội của Trung Quốc.

"Tại sao bệnh viện không thể tiến hành mổ đẻ như cô ấy yêu cầu. Đơn giản chỉ vì gia đình không nhất trí thôi sao?", một người khác đặt câu hỏi trên Weibo.

Hôm 7/9, ban điều tra bao gồm các quan chức Sở Y tế và Sở Công an ở Du Lâm kết luận bệnh viện đã tắc trách trong khâu chăm sóc thai phụ Mã và không chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp.

                                                                    Theo VNExpress