Bước đường cùng của người mẹ
Một loạt cáo buộc giết trẻ sơ sinh nổi lên tại Hàn Quốc gần đây sau cuộc điều tra về “những đứa trẻ ma” đã phơi bày nhiều mảng tối về những bà mẹ mang thai ngoài ý muốn. Từ việc tìm thấy thi thể 2 trẻ sơ sinh đông lạnh tại căn hộ ở ngoại ô Seoul, các nhà lập pháp đã thông qua những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm giết trẻ sơ sinh.
|
Bé Heng Heng sẽ lớn lên cùng mẹ và bà ngoại ở Thượng Hải, nơi mà việc gia đình thiếu vắng người cha không bị kỳ thị - Nguồn ảnh: BBC |
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng rằng các biện pháp ấy chưa chạm đến gốc rễ vấn đề. Cho Hee-kyoung - giáo sư luật tại Đại học Hongik ở Seoul - cho biết: "Không người mẹ nào chọn bỏ rơi con vì hình phạt quá nhẹ. Hình phạt tăng lên cũng không giúp ích được gì. Biện pháp thực sự cần thiết là tăng cường hỗ trợ cho các bà mẹ đơn thân, bà mẹ tuổi vị thành niên và những phụ nữ mang thai khác. Kèm theo đó là đảm bảo cho họ khả năng tiếp cận các nơi nhận nuôi trẻ em".
Theo nghiên cứu của giáo sư Kim Youn-shin tại trường y, Đại học Chosun - các vụ giết trẻ sơ sinh thường xuất phát từ việc những người mẹ không muốn thú nhận chuyện mang thai với gia đình hoặc phải trải qua khó khăn về kinh tế. Sự kỳ thị về việc làm mẹ đơn thân vẫn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc và để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong cuộc đời của các bà mẹ. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn liên quan đến việc phụ nữ không được tiếp cận với các dịch vụ phá thai an toàn và hợp pháp. Các bà mẹ thường dựa vào lời khuyên tìm thấy từ internet hoặc tìm cách tự phá thai, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn. Mặt khác, Hàn Quốc cũng chưa phê duyệt loại thuốc phá thai nào. Một cuộc khảo sát năm 2021 với 8.500 phụ nữ cho thấy, gần 70% tìm cách phá thai vì lo ngại đứa trẻ có thể làm gián đoạn công việc, quá trình học tập hoặc vì họ không đủ khả năng nuôi con.
Tại Nhật Bản, Mika (45 tuổi) sống cùng 2 con (3 và 7 tuổi) trong căn hộ nhỏ ở Tokyo kể từ khi ly hôn chồng. Cô nói: "Tôi cảm thấy bị hạ thấp nhân phẩm vì là một bà mẹ đơn thân. Tôi cảm thấy suy kiệt vì không đủ tiền cho con ăn học”. Ở Nhật Bản, trường hợp của Mika không phải hiếm. Ngày nay, có 1,4 triệu hộ gia đình đơn thân ở Nhật Bản với 90% là mẹ đơn thân. Họ gần như bị xã hội lãng quên.
Giáo sư Yanfei Zhou - Đại học Phụ nữ Nhật Bản - cho biết: "So với các nước châu Âu, nhiều bà mẹ đơn thân Nhật Bản sống trong cảnh nghèo khó, ngay cả khi họ đang đi làm". Sự nghèo khó này phần nào đẩy họ đến bước đường cùng. Chẳng hạn cảnh sát thành phố Mito - tỉnh Ibaraki - đã bắt giữ một bà mẹ đơn thân 39 tuổi vào ngày 24/7, sau khi cô này gọi báo án về việc dùng dao sát hại 2 con của mình.
Dấu hiệu thay đổi
Tại một căn hộ ở Thượng Hải (Trung Quốc), Zhang Meili đang nuôi bé Heng Heng 2 tháng tuổi cùng mẹ của mình sau khi chia tay bạn trai. Meili cảm thấy may mắn khi sống tại Thượng Hải, vì việc làm mẹ đơn thân ở thành phố lớn này dễ dàng hơn so với ở quê. Cô nói: "Tôi biết ơn sự bao dung của Thượng Hải. Tôi đến từ vùng nông thôn Hà Nam, nơi tôi bị phân biệt đối xử vì làm mẹ đơn thân".
Giáo sư Yang Juhua - Đại học Minzu, Bắc Kinh - nói: theo luật pháp Trung Quốc, tất cả bà mẹ và con cái của họ phải được hưởng các quyền như nhau bất kể tình trạng hôn nhân. "Nhưng thực tế, cuộc sống của các mẹ đơn thân chẳng mấy suôn sẻ, vì nhiều cộng đồng vẫn không thể hiểu và không khoan dung với hoàn cảnh của họ. Các quy định của Trung Quốc vốn được thiết kế cho các cặp vợ chồng và kết hôn là điều kiện tiên quyết" - Meili nói.
Dù vậy, yếu tố thúc đẩy sự thay đổi đối với các nhà hoạch định chính sách là tình trạng dân số già của đất nước. Sau nhiều thập niên thực hiện chính sách 1 con, giờ đây, Chính phủ Trung Quốc muốn các cặp vợ chồng trẻ sinh thêm con. Nhà chức trách sẽ hỗ trợ cho cả những phụ nữ độc thân có con.
Theo phụ nữ TPHCM