Bà Kim Yo Jong năm nay mới 33 tuổi và là em gái duy nhất của ông Kim Jong Un - Ảnh: AFP
Vào giữa tháng 4, khi tin đồn ông Kim Jong Un bị hôn mê sau phẫu thuật lan rộng, nhiều người đã nhìn về bà Kim Yo Jong như nhà lãnh đạo kế tiếp của Triều Tiên.
Nhưng tất cả những gì người ta biết khi đó quá ít, ngoài những tấm ảnh bà tươi cười cầm hoa cho anh trai hoặc hỗ trợ kiểu kề cận trong những chuyến công du.
Hơn một tháng sau đó, bức màn bí mật dần hé mở. Không còn giữ vai trò như một chánh văn phòng của anh trai, bà Kim Yo Jong được giao trọng trách xử lý các vấn đề trong quan hệ với Hàn Quốc. Cũng từ đây, người ta đã được biết tới một Kim Yo Jong hoàn toàn khác, mạnh mẽ và đã nói là làm.
Đi theo con đường của cha
Ngày 13-6, hơn một tuần sau khi được công bố là người "trông coi các vấn đề với Hàn Quốc", Kim Yo Jong bắt đầu bước ra khỏi cái bóng của anh trai.
"Đã tới lúc phải cắt đứt quan hệ với chính quyền Hàn Quốc. Rác phải được ném vào thùng", bà Jong phát biểu đầy tức giận trước việc Seoul tiếp tục để những người đào tẩu miền Bắc thả bóng bay mang truyền đơn vào lãnh thổ Triều Tiên.
Ba ngày sau đó, tòa nhà văn phòng liên lạc liên Triều - công trình biểu tượng cho tinh thần hòa giải được xây dựng sau cuộc gặp lịch sử năm 2018 - chỉ còn là đống đổ nát theo một mệnh lệnh dường như do bà Jong đưa ra khiến Hàn Quốc sửng sốt.
Năm 2018, bà Jong trở thành thành viên đầu tiên của gia tộc Kim đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ năm 1953. Trong ảnh: bà Kim Yo Jong bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khi dẫn đầu đoàn thể thao Triều Tiên sang tham dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc năm 2018 - Ảnh: REUTERS
Giới phân tích nhận định con đường lên đỉnh quyền lực của bà Jong có phần giống với người cha quá cố, lãnh tụ Kim Jong Il, người mở rộng và củng cố quyền lực thông qua nhánh tuyên giáo của Đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Bradley K. Martin, tác giả một quyển sách về gia tộc Kim của Triều Tiên, lưu ý về sự xuất hiện trở lại của cụm từ "Trung tâm đảng" trên tờ Rodong Sinmun hôm 5-6. Lần gần nhất mà cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên sử dụng cụm từ này là vào năm 1974, khi lãnh tụ Kim Nhật Thành được cho là còn phân vân giữa người em Kim Yong Ju và con trai Kim Jong Il cho vị trí "người kế vị".
Trong 6 năm sau đó, ông Kim Jong Il đã phải cạnh tranh với người chú ruột, trước khi được xem như người thừa kế di sản chính trị chính thức và duy nhất của ông Kim Nhật Thành năm 1980.
Ông Martin giải thích cụm từ "Trung tâm đảng" đã được truyền thông Nhà nước Triều Tiên sử dụng trong suốt thập niên 1970 để ám chỉ một người đang cùng tham gia điều hành đất nước với lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Theo ông Martin, ông Kim Jong Il cũng từng giữ vai trò như vậy cho cha mình, với quyền lực được ví như "dưới một người nhưng trên vạn người". Mọi tài liệu từ cấp dưới đều không thể tới bàn ông Kim Nhật Thành nếu không qua văn phòng của ông Kim Jong Il và ngược lại.
Kim Yo Jong rất có thể là ‘Trung tâm đảng’, người đã có kinh nghiệm phục vụ với vai trò như người giữ chìa khóa cổng cho anh trai Kim Jong Un" Bradley K. Martin - tác giả một quyển sách về gia tộc Kim của Triều Tiên |
Sự ủng hộ của anh trai
Kim Yo Jong luôn bên cạnh anh trai Kim Jong Un trong các chuyến công du. Bà tận tụy và kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ như lau viết cho ông Kim Jong Un, hay gom các mẩu thuốc lá của ông để giữ bí mật về sức khỏe - Ảnh: REUTERS
Sinh năm 1987 và được cho là nhỏ hơn ông Kim Jong Un 4 tuổi, bà Kim Yo Jong có quan hệ rất thân thiết với anh trai. Cả hai được cho đi học ở Thụy Sĩ và bắt đầu xuất hiện công khai nhiều hơn sau khi người cha Kim Jong Il qua đời năm 2011.
Nhà nghiên cứu Yang Moo Jin (Hàn Quốc) nhận xét có lẽ những năm tháng cô đơn ở nước ngoài khi còn nhỏ đã khiến hai anh em trở nên đặc biệt gần gũi.
Giới phân tích cam đoan bà Kim Yo Jong sẽ không dám cứng rắn với Hàn Quốc như những tuần vừa qua nếu không được anh trai Kim Jong Un bật đèn xanh. Trong mắt các nhà quan sát nước ngoài, việc ông Un củng cố quyền lực cho em gái xuất phát từ hai điều trong thực tế.
Thứ nhất, con trai của ông còn quá nhỏ (được cho là chỉ mới 12 tuổi) và thứ hai, các vấn đề về sức khỏe của bản thân ông. Vậy nên nếu cần phải có một người ông đủ tin tưởng để giao lại quyền hành đến khi "thái tử bé" đủ tuổi, không ai xứng đáng hơn bà Jong.
Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên chưa từng có lịch sử lãnh đạo tối cao hay "nhiếp chính" là nữ. Bản thân bà Jong cũng không có được tiếng nói nặng ký với quân đội như anh trai.
Vậy nên, theo trang Daily NK, để tránh mọi sự phản đối từ các bậc lão thành, ông Kim Jong Un đã nhận thấy cần phải giúp em gái chứng minh có đủ năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp của đất nước, trong đó có mối quan hệ với Hàn Quốc.
Theo tuoitre