Bà Lý Vỹ Linh (đầu tiên, trái) cùng gia đình
Dự luật được gọi là Quản lý bảo vệ tư pháp, quy định mức phạt 100.000 đô la Singapore (tương đương 74.000 USD) đối với những người bị kết tội khinh miệt hay chỉ trích tòa án tại Tòa tối cao hoặc Toà phúc thẩm; hoặc bị tù đến 3 năm, hoặc bị phạt bằng cả hai hình thức.
"Dự luật này là một nỗ lực bịt miệng phát biểu của người dân dưới mọi hình thức, kể cả việc thảo luận riêng tư giữa những người bạn thân thiết với nhau, thậm chí trong không gian kỹ thuật số riêng biệt", bà Lee Wei Ling (Lý Vỹ Linh, vốn là một bác sĩ) viết trên tài khoản Facebook của bà hôm nay 15.8, theo AP.
“Tình hình sẽ thế nào nếu dự luật mới được thông qua? Tôi nghĩ nó sẽ tồi tệ hơn nhiều so với hiện tại”, bà Linh viết tiếp.
Theo em gái Thủ tướng Singapore, nếu dự luật mới không dẫn đến việc hạn chế tự do ngôn luận, thì chính phủ sẽ cần thêm quyền lực để hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của người dân, khi theo luật pháp hiện hành, họ không ngần ngại để bịt miệng giới truyền thông.
Bà Linh, 61 tuổi, cố vấn cấp cao tại Viện Khoa học thần kinh quốc gia, là con thứ hai trong 3 người con của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, cha đẻ của Singapore, đã mất hồi năm 2015.
Báo Straits Times hôm nay 15.8 cho biết bà Linh lên tiếng xin lỗi sau khi đăng những bài bày tỏ chính kiến của mình trên Facebook. Tuy nhiên, lời xin lỗi của bà dành cho một bộ trưởng Singapore liên quan đến dự luật. Bà nói rằng vẫn giữ lập trường chỉ trích dự luật cũng như chính phủ của anh trai bà.
Dự luật đang gây quan ngại nơi dân chúng, một nhóm người phản đối dự luật đã đệ trình một bản kiến nghị lên Quốc hội nước này hôm 15.8. Tuy nhiên trong một bài đăng trên Facebook hôm qua 14.8, bà Linh nói rằng rất "ngạc nhiên vì chưa có nhiều tiếng nói phản đối từ người dân Singapore".
"Có lẽ người Singapore đã quen với một chính phủ chuyên chế mà cho đến giờ vẫn hành động vì lợi ích của họ, và vì vậy khi một điều gì mới xảy ra, họ thậm chí không bận tâm suy nghĩ xem nó có đi ngược lại lợi ích của mình hay không", bà Linh nói.
Theo bà Linh, chính phủ hiện tại không giống như các chính phủ của Đảng hành động vì người dân (PAP) trước đó. Đảng PAP cầm quyền Singapore từ khi đảo quốc này giành độc lập hồi năm 1965.
Ông Kok Heng Leun, người đại diện nộp đơn kiến nghị hồi tuần trước với chữ ký của 249 người Singapore lên Quốc hội kêu gọi hoãn việc thông qua dự luật, nói với sự lo ngại rằng người dân sẽ bị hạn chế bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến họ.
Hồi tháng 4.2016 từng xảy ra vụ tranh cãi giữa hai anh em ông Lý Hiển Long khi bà Linh cáo buộc anh trai lạm dụng quyền thủ tướng làm lễ giỗ đầu cho người cha quá cố nhầm phát huy thế lực lãnh đạo của mình.
Theo Thanh niên online