Hai phụ nữ bị bắt lên xe hơi và đưa đến nhà “tình nhân”


Tại hẻm núi hiểm trở Bo-om, thung lũng Issyk-Kol, miền Đông Kyrgyzstan, có thác nước Kiz-Kuio hùng vĩ. Theo truyền thuyết, vài trăm năm trước, có cặp trai gái bất hạnh yêu nhau đã lao đầu xuống dòng nước. Họ thà chết cùng nhau còn hơn phải chia lìa bởi gia đình không chấp nhận cuộc hôn nhân của họ. Câu chuyện bi thảm của cặp “Romeo và Juliet” Kyrgyzstan là khởi đầu cho tập tục Ala-kachuu (bắt vợ).

Những cuộc bắt cóc cô dâu nhuốm màu cưỡng bức

“Bắt cóc con người là hành vi phạm pháp, theo luật pháp Kyrgyzstan. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các vụ bắt cóc phụ nữ tại quốc gia này đều không được điều tra và xét xử”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cảnh báo trong báo cáo mang tựa đề “Vô cảm trước bạo lực: Thất bại của nhà nước, bạo lực gia đình và vấn nạn bắt cóc phụ nữ ở Kyrgystan”.

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ của cơ quan chức năng sở tại nhưng theo giới chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ theo dõi nhân quyền, khoảng 50% phụ nữ Kyrgyzstan có chồng là nạn nhân bị bắt cóc. 2/3 trong số họ bị ép gả chồng trái với mong muốn, 10% số phụ nữ chỉ biết sơ qua về chồng tương lai trước khi bị bắt cóc. Không hiếm trường hợp thậm chí chưa hề biết mặt chồng trước tai họa xảy ra.

Chị Ainur Tairova bị một nhóm đàn ông bắt cóc trên đường và dùng vũ lực kéo lên xe hơi. Trong lúc hỗn loạn, chị nhận ra gã trẻ tuổi tối hôm trước tình cờ quen tại vũ trường. “Tôi đã nói với gã tôi không muốn gặp lại. Ngày hôm sau, gã bắt cóc tôi”, chị trả lời phóng viên của tờ The New York Times (Mỹ).
 
Diễn biến các vụ việc thường rất giống nhau: Bên chai rượu mạnh, chú rể tương lai cùng nhóm bạn thân hoặc người nhà vạch kế hoạch bắt cóc. Khi tinh thần đã hứng khởi nhờ men rượu, cả nhóm mò đến nhà đối tượng hoặc phục kích trên đường và chờ cơ hội tấn công. Khi đã tóm được đối tượng, chúng dùng bao tải bịt kín đầu nạn nhân, còng tay, chớp nhoáng đẩy lên xe hơi và đưa đến nhà “tình nhân”.

Tại đó, nạn nhân bị giam trong phòng kín, cho đến lúc chịu choàng lên cổ chiếc khăn trắng chấp nhận lời cầu hôn. Khoảng 80% nạn nhân chấp nhận hôn nhân, bị “chồng tương lai” thường xuyên cưỡng đoạt thể xác.

Khi ấy gia đình nạn nhân buộc phải để con gái mình lấy kẻ đã bắt cóc cô vì “con đã không còn trinh tiết”. Đối tượng mà con gái họ buộc phải cưới làm chồng là người thế nào, không ai quan tâm.

“Bố mẹ thuyết phục tôi nhận lời, quả quyết hắn là chàng trai khỏe mạnh, tốt bụng. Sau đó, cả gia đình nguyền rủa vì hắn mắc bệnh tâm thần”, chị Elmira, người bị bắt cóc năm 17 tuổi, nghẹn ngào chia sẻ với HRW.

Bắt cóc vì không thể lo của hồi môn

Tại quốc gia Trung Á này, vốn có tập tục chú rể tương lai phải dâng lễ vật cho gia đình cô dâu gồm đàn ngựa, bò sữa hoặc cừu, trị giá khoảng 1.500 USD. Đó là số tiền ngoài khả năng của nhiều gia đình nhà trai.

Những người ủng hộ tập tục dâng lễ hồi môn cho đó là truyền thống lành mạnh, bởi nó cho phép người phụ nữ nhận biết giá trị của mình. Những người phản đối lại lập luận, tập tục vô tình biến người phụ nữ trở thành một thứ hàng hóa và tạo rào cản, khiến nhiều bạn trẻ không thể xây dựng gia đình.

Tamerian, chàng trai 31 tuổi, tâm sự với phóng viên The New York Times: “Tôi mồ côi cha từ nhỏ, hai mẹ con tôi không thể xoay xở khoản hồi môn nhưng tôi phải cưới vợ, vì thế tôi bắt cóc người phụ nữ ưa thích”.  

                                                                                          Theo Thế giới và Việt Nam