Căn nhà xinh xắn ở trung tâm London của Giám đốc FTW được bài trí đẹp mắt bằng những bức tranh nhiều màu sắc, trong đó có nhiều bức đến từ Việt Nam, mang lại cho chúng tôi cảm giác thân quen, gần gũi như đang ở trên chính quê hương Việt Nam của mình.

Cuộc trò chuyện với Katrin khiến chúng tôi hiểu được tình cảm của bà dành cho Việt Nam và động lực để người phụ nữ mảnh mai này theo đuổi hành trình mang lại sự thay đổi lớn lao cho hàng nghìn trẻ em Việt Nam mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh.

Với vẻ xúc động, Katrin chia sẻ với chúng tôi kỷ niệm về một bé sơ sinh Việt Nam mà bà đã gặp. Cô bé chỉ khoảng 6 tháng tuổi nhưng có khuôn mặt dị dạng khiến người bình thường có thể sẽ không dám nhìn. Nhưng cuộc phẫu thuật do các bác sỹ của FTW cùng các đồng nghiệp Việt Nam thực hiện đã tạo nên sự kỳ diệu, biến em thành một cô bé rất đáng yêu. Bà Katrin chia sẻ: “Đó là một cảm giác tuyệt vời khi bạn nhìn thấy sự thay đổi có thể giúp một đứa trẻ bị cô lập khỏi cộng đồng trở lại hòa nhập với xã hội”. 

leftcenterrightdel
Bà Katrin Kandel, CEO tổ chức Facing the World 

Katrin nói những em bé Việt Nam phải chịu những dị tật bẩm sinh khủng khiếp và tình yêu của gia đình dành cho các em là động lực để bà và FTW hoàn thành sứ mệnh của tổ chức ở Việt Nam. 

Mối duyên với Việt Nam tình cờ đến với Katrin vào năm 2007 khi FTW được một tổ chức từ thiện của Mỹ mời đến Việt Nam, nơi ghi nhận tỷ lệ trẻ em mắc dị tật bẩm sinh rất cao, ước tính cao gần gấp 10 lần so với các nước trong khu vực, theo một số chuyên gia. Chuyến thăm là khởi đầu cho hành trình suốt 15 năm qua FTW đồng hành cùng các bác sỹ Việt Nam để mang lại nụ cười và cuộc sống bình thường cho hàng nghìn trẻ em Việt Nam mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh.

“Trao cần câu thay vì cho cá” 

Là tổ chức từ thiện thành lập năm 2002 tại Anh, nhằm giúp đỡ trẻ em mắc dị tật hàm mặt ở các nước đang phát triển, FTW ban đầu chọn cách đưa trẻ em Việt Nam cần phẫu thuật hàm mặt phức tạp sang Anh điều trị, với chi phí lên tới 0.5-1 triệu bảng/em. 

Tuy nhiên, từ năm 2008, FTW bắt đầu đưa các đoàn bác sỹ nước ngoài thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau sang Việt Nam, phối hợp với các bác sỹ Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật hàm mặt phức tạp cho trẻ em. Kể từ đó, FTW thực hiện chiến lược lâu dài và bền vững, giúp điều trị hàng chục nghìn bệnh nhi mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh.

Bà Katrin cho biết, giải pháp bền vững này dựa trên cách tiếp cận “trao cần câu thay vì cho cá,” theo đó, thay vì đưa bệnh nhi ra nước ngoài điều trị với chi phí tốn kém, tổ chức gửi bác sỹ Việt Nam đến các viện và trường y hàng đầu thế giới để học các kỹ thuật phẫu thuật và phương pháp điều trị dị tật hàm mặt.

leftcenterrightdel
Một ca phẫu thuật phức tạp. Nguồn: NVCC 

Từ năm 2015, FTW cũng mở những chương trình đạo tạo bác sỹ tại các bệnh viện ở Anh, Canada, Mỹ và mới đây là Australia. Cho đến nay, hơn 100 bác sỹ ở Việt Nam đã được cử đi đào tạo. 

Ngoài việc gửi bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, từ năm 2018, trung bình mỗi năm FTW cử đến Việt Nam hai đoàn bác sỹ đến từ các bệnh viện nơi cấp học bổng và đào tạo bác sỹ Việt Nam để phối hợp với các đồng nghiệp Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật dị tật hàm mặt phức tạp, đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên môn trực tuyến với các bác sỹ phẫu thuật trên khắp Việt Nam.

Bà Katrin cho biết, FTW cũng đặc biệt quan tâm tới phương pháp khám, tư vấn và điều trị từ xa như một phần của chiến lược đào tạo. Hiện nay, FTW đang hợp tác với 3 bệnh viện đối tác tại Việt Nam, gồm bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc, Viện quân y 108 và Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Thông qua hai bệnh viện công hàng đầu của Việt Nam với mạng lưới kết nối gần 100 bệnh viện và trung tâm y tế trên khắp cả nước, FTW có thể mở rộng chương trình trên cả nước, giúp điều trị cho trẻ em nghèo mắc dị tật bẩm sinh.

Tại Viện quân y 108, FTW đã tài trợ cho việc thành lập Trung tâm phẫu thuật hàm mặt và thẩm mỹ đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 2018. Dự kiến sau 8 năm hoạt động, Trung tâm sẽ kết nối và điều trị 60% trẻ em mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh ở Việt Nam.

Trong vòng 5 năm tới, FTW dự kiến sẽ hỗ trợ 40.000 cuộc phẫu thuật dị tật hàm mặt trẻ em do các bác sỹ Việt Nam được đào tạo thực hiện. Tổ chức cũng có kế hoạch gửi 200 bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, đồng thời tiếp tục tài trợ các thiết bị y tế và công nghệ phục vụ khám chữa bệnh từ xa.

leftcenterrightdel
Các bác sỹ Việt Nam và Anh khám sàng lọc cho bệnh nhi.Nguồn: NVCC

Một điểm đặc biệt của FTW là tất cả những người làm việc cho tổ chức đều tình nguyện và không nhận lương, từ CEO Katrin Kandel tới các bác sỹ phẫu thuật và các bệnh viện đối tác ở Việt Nam và nước ngoài, cũng như những người tham gia vào công việc hành chính của tổ chức như kế toán, pháp chế, truyền thông…

Katrin cho biết về lâu dài FTW kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm đào tạo phẫu thuật hàm mặt ở Đông Nam Á. Khi FTW mở rộng chương trình sang các nước láng giềng như Lào và Cambodia, Katrin hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đào tạo của tổ chức, giúp đào tạo cho các nước trong khu vực tương tự như Anh, Mỹ, Canada đang hỗ trợ Việt Nam. Bà cho rằng Việt Nam có nhiều bác sỹ giỏi và các trung tâm y tế trình độ cao tại các thành phố lớn, hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm phẫu thuật hàm mặt của khu vực, đặc biệt với việc Viện quân y 108 và Bệnh viện Việt Đức được Đại học phẫu thuật hoàng gia Anh chính thức công nhận về trình độ chuyên môn, đồng nghĩa hai bệnh viện này có trình độ đào tạo tương đương các bệnh viện hàng đầu ở Anh.

Rời nhà Katrin, chúng tôi tin rằng với động lực đầy tính nhân văn này, bà và FTW sẽ gặt hái nhiều thành công mới trong hành trình mang lại hy vọng và hạng phúc cho những đứa trẻ thiếu may mắn ở Việt Nam và trên thế giới, cũng như gia đình của các em.

Những đóng góp của FTW đã được chính phủ Việt Nam và Anh công nhận. Katrin Kadel đã được trao tặng Huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam; Kỷ niệm chương vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc, và Bằng khen vì những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội năm 2021 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Bà cũng được trao tặng Giải thưởng Points of Light năm 2017 của Thủ tướng Anh, giải thưởng công nhận những đóng góp của các cá nhân và tổ chức tình nguyện giúp mang lại sự thay đổi cho cộng đồng. 

Nguyễn Hợp