|
|
Nhân viên Gen Z bị sếp cho thôi việc chỉ sau 3 ngày. |
Bài viết dựa trên cuộc trò chuyện với Calli Nguyen (24 tuổi, bang Louisiana, Mỹ), trưởng phòng tiếp thị truyền thông, với Business Insider về việc bị sa thải sau chưa đầy một tuần làm việc.
Tôi từng làm nhiều công việc trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên đảm nhận vai trò trưởng phòng marketing tại một spa thẩm mỹ. Lúc này, tôi tin tưởng sếp mình vô điều kiện. Tôi suy nghĩ khá đơn giản và chỉ mong muốn có một công việc ổn định.
Nhưng hóa ra mọi thứ đều không như mong đợi. Ngày thứ 3 kể từ khi nhận việc, tôi nhận được thông báo sa thải.
Những dấu hiệu đáng ngờ
Thú thực, tôi đã nhìn thấy một số dấu hiệu "cờ đỏ" (red flag) trước khi nhận công việc này, nhưng tôi lại bỏ qua chúng.
Chẳng hạn, tôi đọc được không ít đánh giá tiêu cực về công ty trên một số nền tảng như Glassdoor và Google, do các khách hàng và nhân viên cũ để lại. Một đánh giá cho biết từng có 5 nhân viên nghỉ việc ở spa này trong vòng 2 tuần. Người viết nhấn mạnh rằng đáng lý công ty không nên đối xử tệ với nhân viên bất kể tuổi tác.
Bên cạnh đó, tôi cũng đồng ý thay đổi vị trí từ chuyên viên chăm sóc khách hàng thành trưởng phòng marketing, trong khi mức lương vẫn ở mức 16 USD/giờ. Đáng lẽ, thu nhập ở vị trí trưởng phòng phải cao hơn.
|
|
Calli Nguyen cho biết cô đã phớt lờ những cảnh báo đỏ về công ty trước đó. |
Dù từng cảm thấy thất bại sau khi nghe tin bị đuổi việc, hiện tôi lại thấy đây là một điều may mắn. Kinh nghiệm cho thấy không phải mọi cơ hội đều là cơ hội tốt.
Hơn hết, tôi nhận ra việc bảo vệ sức khỏe tinh thần và để các nhà tuyển dụng nhìn thấy được giá trị cá nhân còn quan trọng hơn việc kiếm thu nhập.
Sếp thiếu lắng nghe
Sau khi nhận được lời mời làm việc, tôi đã chia sẻ rằng bản thân mong muốn được trau dồi kỹ năng sáng tạo, đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển và có nhiều khách hàng hơn.
Nhưng sếp của tôi không phải là người thích lắng nghe ý kiến từ nhân viên.
|
|
Nhân viên Gen Z bị sếp phớt lờ ý kiến. |
Tôi đưa cô ấy xem số liệu phân tích về các bài đăng có hiệu suất thấp trên mạng xã hội và đề xuất ý kiến thay đổi. Nhưng sếp tôi bỏ ngoài tai và phớt lờ mọi thứ. Vì vậy, tôi buộc phải làm theo những kiểu quảng bá lỗi thời như cũ.
Nhưng song song với đó, sếp tôi lại yêu cầu rất nhiều, vượt xa kỹ năng và kiến thức của tôi. Cô ấy hỏi tôi về các sản phẩm mà những spa thẩm mỹ khác đang sử dụng. Tôi hoàn toàn mơ hồ về kiến thức này.
Trước đấy, ở buổi phỏng vấn tuyển dụng, người quản lý không hề đề cập đến việc ứng viên cần có trình độ hiểu biết nhất định trong lĩnh vực thẩm mỹ. Sếp cũng chưa từng đề nghị tôi tìm hiểu về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh trong quá trình tôi thực hiện các dự án.
Đáp lại những câu hỏi vì sao của tôi, quản lý cho rằng tôi phải tự nên biết nghiên cứu các sản phẩm từ đối thủ. Sau đó, cô ấy đưa cho tôi loạt danh sách công việc cần làm.
Sau cuộc họp đó, tôi cảm thấy choáng ngợp.
Với tôi, sức khỏe tinh thần và sự tôn trọng tại nơi làm việc là một trong những yếu tố tiên quyết. Tôi đứng lên, rời phòng họp và nói với sếp mình rằng tôi cần ra ngoài hít thở. Quản lý cấm tôi rời đi, nhưng tôi không nhượng bộ. Tôi thề rằng không để bất cứ ai hành xử thiếu tôn trọng hay coi thường mình tại nơi làm việc.
“Xin lỗi, nhưng tôi cần hít thở một chút. Tôi sẽ quay lại trong vài phút", tôi nhớ chính xác mình đã nói như thế.
Nhưng sếp đã quyết định sa thải tôi ngay lập tức, nói rằng tôi không phù hợp với công việc. Tôi đã rất tức giận và nói lời tạm biệt với đồng nghiệp chỉ sau 2,5 ngày.
Gen Z thay đổi môi trường làm việc
Tôi cảm thấy mình thật thất bại trong suốt thời gian ngắn ngủi đó. Tôi bước ra khỏi cửa cùng một tâm trạng uể oải. Tôi gọi điện cho mẹ mình và khóc lớn, nói lời xin lỗi mẹ vì bị sa thải, dẫu biết bản thân đang làm việc trong một môi trường độc hại.
Tôi đi làm từ năm 17 tuổi và từng làm việc với nhiều nhóm tuổi khác nhau. Nhiều người vẫn luôn nhận định về thế hệ Z chúng tôi là những người lười biếng, không đáng tin cậy và thô lỗ.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là những người lao động có mong muốn về một môi trường làm việc tốt, được đào tạo phù hợp, có thể tận hưởng công việc, phát triển bản thân.
|
|
Calli Nguyen cho rằng nhân sự Gen Z đang định hình lại các môi trường làm việc, họ đòi quyền lợi cho chính mình. |
Trong khi các thế hệ cũ có thể phải chịu đựng môi trường làm việc độc hại, chúng tôi đang lên tiếng cho quyền lợi của chính mình. Tôi rất vui khi nhận được những lời chỉ trích mang tính xây dựng, miễn là những phản hồi đó không vượt quá giới hạn.
Lực lượng lao động liên tục thay đổi và người sử dụng lao động phải cởi mở với sự linh hoạt và thay đổi đó.
Gen Z biết rằng sẽ có nơi làm việc nào đó tốt và phù hợp với họ. Đó là lý do tại sao tôi đang được làm việc tại một công ty quảng cáo uy tín, tôn trọng tôi, ủng hộ sức khỏe tinh thần của nhân viên và các lãnh đạo luôn cố tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ, thú vị.
Với tư cách là một nhân viên, tôi không có lỗi nếu sếp từ chối học hỏi hoặc thay đổi linh hoạt. Nếu như thế, tôi không thể giúp sếp phát triển và cũng không thể phát triển trong môi trường độc hại, đúng chứ?
Theo lifestyle.znews