Sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề với bằng bảo trì thiết bị hóa chất vào năm 2019, Zhang Cheng gia nhập một công ty khí đốt tự nhiên ở Tây Bắc Trung Quốc với mức lương 6.000 nhân dân tệ/tháng.
Con số cao hơn mức lương trung bình của sinh viên trên toàn Trung Quốc tốt nghiệp năm đó, theo SCMP.
Trong khi được người xung quanh ngưỡng mộ vì thu nhập cao, Zhang than phiền công việc anh làm rất nặng nhọc, không dễ dàng chút nào.
"Tôi làm việc trong môi trường ồn ào, nhiều hơi nước và nồng độ oxy thấp. Xung quanh tôi có rất nhiều môi chất làm lạnh. Tất cả đều nguy hiểm, đe dọa mọi người làm việc trong ngành này", chàng trai 24 tuổi nói.
|
Các ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công. Ảnh:AP.
|
Thiếu hụt
Mặc dù bẩn thỉu và nguy hiểm có thể là một phần của công việc tay chân, mức lương mà nhân viên cổ cồn xanh ở Trung Quốc nhận được không hề thấp.
Năm 2020, lao động nhập cư, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm lao động tay chân của Trung Quốc, kiếm được trung bình 6.214 nhân dân tệ/tháng, tăng 6,2% so với năm trước, theo Cục Thống kê.
Trong khi đó, thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi đóng thuế) bình quân đầu người là 14.897 nhân dân tệ/năm, theo dữ liệu 6 tháng đầu năm ngoái.
Gần 40% người chuyển phát nhanh, tài xế taxi và nhân viên giao hàng có thu nhập trung bình hàng tháng trên 9.000 nhân dân tệ, theo báo cáo được công bố bởi Trung tâm dữ liệu Internet Trung Quốc vào năm 2020.
Con số đó cao hơn mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học, báo cáo cho biết. Năm 2020, mức lương trung bình hàng tháng của cử nhân ở Trung Quốc là 5.471 nhân dân tệ.
|
Giới trẻ Trung Quốc không mặn mà với công việc tay chân dù được trả lương cao. Ảnh:China News.
|
Tuy nhiên, thu nhập cao vẫn không thể ngăn chặn sự thiếu hụt nhân sự trong các ngành công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào lao động chân tay của Trung Quốc. Chính phủ nước này ước tính đến năm 2025 hàng chục triệu vị trí việc làm trong ngành có thể bị bỏ trống.
Gần 70% doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và 55% công ty đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân viên cổ cồn xanh, theo Báo cáo quản lý việc làm và lương thưởng của Blue Collar năm 2021.
Tháng 1/2021, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội cho biết trong số 100 ngành nghề thiếu hụt nhân công, có tới 36 nghề được phân loại là ngành sản xuất.
Trong số 25 ngành nghề mới xuất hiện trong danh sách này, 15 nghề liên quan trực tiếp đến sản xuất.
Nguyên nhân
Tình trạng thiếu lao động trong ngành sản xuất ở Trung Quốc có thể được giải thích bởi những quan niệm lâu đời cho rằng công việc tay chân thường chỉ dành cho những người có trình độ học vấn kém.
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp muốn trở thành công chức, có công việc bàn giấy ổn định, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.
Theo ước tính của Bộ Giáo dục nước này, trong khi có quá nhiều sinh viên đổ xô tìm kiếm việc làm văn phòng, đến năm 2025, lĩnh vực sản xuất sẽ thiếu gần 30 triệu lao động.
Theo Zhang Xiaorao, giám đốc trường Cao đẳng nghề Silk Road, nơi chuyên đào tạo các kỹ thuật viên cơ khí và tự động hóa, Nho giáo là lý do lịch sử quan trọng dẫn đến định kiến đối với lao động tay chân.
|
Có nhiều định kiến xoay quanh các công nhân cổ cồn xanh ở Trung Quốc. Ảnh:Pixie.
|
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã hỗ trợ chỗ ở, tiền ăn, học phí cho người theo học các trường dạy nghề và trợ cấp 2.000 nhân dân tệ/năm cho học sinh nghèo. Zhang nói rằng điều đó cho thấy chính phủ đang coi trọng việc đào tạo nghề.
Năm ngoái, Trung Quốc ban hành một số hướng dẫn mới nhằm giải quyết tình trạng phân biệt đối xử với học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề. Ví dụ, vào tháng 10, Bộ Lao động đã cấm nhà tuyển dụng chỉ dựa trên nơi học tập để đánh giá ứng viên.
Còn Liu Kai, chủ một cửa hàng sửa chữa ôtô ở Thâm Quyến, cho rằng có nhiều lý do khác khiến người trẻ ngại nhận việc tay chân.
"Công việc khá tẻ nhạt, không có ngày nghỉ cố định, phải làm khoảng 12 giờ/ngày. Những người trẻ ngày nay nói chung không muốn chịu những khó khăn như vậy", Liu nói.
Hơn nữa, phải mất nhiều năm tích lũy kinh nghiệm nếu muốn trở thành kỹ thuật viên lành nghề hoặc một chuyên gia trong lĩnh vực.
"Tuy nhiên, ngày nay những người trẻ tuổi hiếm khi sẵn sàng gắn bó, trái ngược với việc trở thành công chức và làm việc trong một môi trường thoải mái".
Theo Zing