Bà Sheryl Sandberg - Ảnh: Reuters

Nữ giám đốc Facebook vượt qua nỗi đau mất chồng như thế nào?

Khi một "superwoman" đau đớn vì nghịch cảnh

Sheryl Sandberg từng kể vui bà được các lập trình viên ở Facebook hỏi ý kiến về những tính năng mới trong ứng dụng nhằm biết "người già nghĩ sao". Ở Facebook, một phụ nữ trung niên cũng thuộc về nhóm già, có tuổi.

Nhưng điều trái ngược là Sandberg được giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, vô cùng yêu mến do những đóng góp của bà về truyền cảm hứng và hoạt động xã hội. Một trong những cảm hứng bà mang lại là luôn trung thực kể lại những mất mát lớn của bản thân, khiến giới trẻ đồng cảm và rút ra nhiều bài học.

Ngay khi được bác sĩ báo tin chồng qua đời, Sandberg đã không còn muốn ở thực tại. Bà ước đây là một cơn ác mộng, ngày mai bà sẽ lại tỉnh dậy với chồng bên cạnh. Bà ước ông vẫn còn sống, sẽ hôn lên má bà và đi làm bữa sáng cho gia đình.

Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra được nữa. Ông mãi mãi vắng mặt trong các sự kiện của con ở trường, ngày kỷ niệm cưới hay các dịp hội ngộ bạn bè. Ông không cùng bà già đi như đã hứa.

Những lần gặp gỡ với bạn bè trở nên gượng gạo vì ai cũng rụt rè nói "Tôi rất tiếc cho mất mát này" và không dám hỏi han thêm. Khi bà trở lại với công việc ở Facebook và chủ trì họp, bà không nghe nổi cấp dưới nói gì, thảo luận gì.

Là lãnh đạo, người phụ nữ "thép" được kỳ vọng là phải thật sắt đá và giỏi làm chủ cảm xúc nhưng Sandberg từng rơi nước mắt trong những cuộc họp, phải cáo lỗi, chạy ra ngoài khóc nức nở.

Chống lại 3 chữ "P" để vượt nghịch cảnh

"Khi đối mặt với mất mát, đầu tiên ta phủ nhận, sau đó chuyển qua giai đoạn giận dữ, tiếp theo là thương lượng và chán nản. Chỉ khi hết 4 giai đoạn đó, ta mới chuyển sang chấp nhận", Sandberg dẫn 5 giai đoạn đau buồn do chuyên gia tâm lý Elisabeth Kubler-Ross đề ra. Nhưng 5 giai đoạn này không phải là một đường thẳng, chúng không trộn lẫn vào nhau. Đến được với giai đoạn "chấp nhận", ta sẽ được cứu khỏi nỗi đau.

Điều Sandberg rút ra cho chính mình là sẽ không thể vượt qua nghịch cảnh nếu không rèn luyện tính kiên cường theo một phương pháp khoa học, tuân thủ quy luật tâm lý. Câu nói "Thời gian sẽ hàn gắn nỗi đau" thường được đưa ra để an ủi, nhưng nó sẽ không thành hiện thực nếu trong thời gian đó, người ta không hành động mà cứ để bản thân chìm sâu vào buồn đau.

Sandberg chia sẻ phương pháp do nhà tâm lý Marin Seligman tư vấn: chiến đấu với 3 chữ "P". Thứ nhất là "personalization" (cá nhân hóa), khi ta tin nghịch cảnh xảy ra là do mình tất cả. Thứ hai là "pervasiveness" (lan tỏa), khi ta tin nỗi đau này sẽ lan rộng ra mọi khía cạnh trong cuộc đời. Cuối cùng là "permanence" (vĩnh viễn), khi ta tin dư chấn của nghịch cảnh kéo dài mãi mãi.

Sau khi mất chồng, Sandberg mắc phải cả 3 chữ "P" này, cũng như bất cứ ai chịu mất mát. Bà tin do mình không sớm phát hiện ra chồng ngã trong phòng tập nên không thể cứu sống ông. Bà tin nỗi đau này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bà: gia đình, con cái, công việc, đời sống xã hội. Bà tin nó sẽ không bao giờ chấm dứt.

Sau khi đã biết nguyên tắc 3 chữ "P", Sandberg dần tìm cách bác bỏ chúng. Bà hiểu cái chết của chồng là do loạn tim vì chứng động mạch vành, không ai có thể cứu ông dù phát hiện sớm hơn. Bà hiểu mình có thể đặt ra những giới hạn cho tầm ảnh hưởng của nỗi đau. Bà hiểu rồi một ngày nào đó, nỗi đau sẽ chấm dứt, mình cùng các con sẽ lại vui cười.

Và khi nỗi đau chấm dứt, nỗi nhớ vẫn còn. Không những thế, nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đến bây giờ, nếu có ai hỏi nếu bà biết trước mình chỉ có 11 năm chung sống bên chồng thì bà có yêu và cưới Goldberg hay không, Sandberg vẫn gật đầu. Vì bà biết 11 năm đó là 11 năm hạnh phúc, ngọt ngào, khiến bà trở thành một con người tốt đẹp hơn.

Khi một con người qua đời, có thứ gì đó luôn sống dậy. Với Sandberg, khi mất chồng, trong lòng bà sự kiên cường sống dậy. Bà muốn truyền lại nó cho những phụ nữ khác, những bạn trẻ khác, những ai đang ở trong nghịch cảnh.

Những trích dẫn về mất mát và vượt lên nghịch cảnh

1. "Những người đẹp đẽ nhất mà ta biết là những người từng biết đến thất bại, khổ đau, đấu tranh, mất mát và biết tìm đường leo lên khỏi vực sâu. Họ có được sự trân quý, nhạy cảm và thấu hiểu cuộc đời, vì cuộc đời cho họ lòng thấu cảm, sự dịu dàng và mối quan tâm sâu sắc. Những người đẹp đẽ không ngẫu nhiên mà xuất hiện trên đời", nhà tâm lý Elizabeth Kubler-Ross, chủ nhân của thuyết Kubler-Ross về 5 giai đoạn vượt qua nỗi đau (người Mỹ gốc Thụy Sĩ), tiên phong về nghiên cứu cận tử.

2. "Tôi đã trải qua 19 lễ Tạ ơn và Giáng sinh kể từ khi chồng tôi qua đời. Rất nhiều dịp trong số đó đầy ắp tiếng cười và niềm vui. Những ngày, tháng và năm đó đã giúp tôi quên đi giai đoạn đau buồn, khi giấc ngủ là chốn ẩn náu duy nhất. Vài giây đầu tiên sau khi tỉnh dậy, tâm hồn tôi luôn bị xâm chiếm bởi cảm giác sợ hãi quen thuộc", người dẫn chương trình truyền hình Katie Couric chia sẻ.

Chồng chị, Jay Monahan, qua đời vào năm 1998 sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư kết tràng. Sau cái chết của chồng, Couric thành lập tổ chức Stand Up To Cancer để giúp đỡ bệnh nhân ung thư.

3. "Tôi đã lãng phí cả một năm trời bên ông ấy khi cứ khăng khăng rằng: "Không, em không cưới anh đâu. Em không đi khỏi California đâu. Em không chuyển đến New York đâu". Cuối cùng, chúng tôi vẫn đi cùng nhau, và vẫn thật hạnh phúc", nữ diễn viên Betty White nói.

Cuộc hôn nhân gần 20 năm của White và người chồng Allen Ludden, tình yêu của cuộc đời bà, kết thúc khi Ludden qua đời vào năm 1981 do căn bệnh ung thư dạ dày. Điều khiến White hối hận nhất cuộc đời là bà đã không cưới ông sớm hơn.

Theo tuoitre