Nữ hạm trưởng đầu tiên của Nhật Bản, trung tá Miho Otani, trong đài chỉ huy
của khu trục hạm JS Yamagiri.


Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) lên kế hoạch nâng tỷ lệ binh sĩ nữ phục vụ trong lực lượng này từ 6% trong năm nay lên 9% vào năm 2030, theo Reuters.

JMSDF quyết định cho phép phụ nữ phục vụ trên các chiến hạm từ năm 1993 và nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định các nữ quân nhân có thể sớm được tham gia hoạt động trên tàu ngầm. JMSDF hiện có khoảng 45.000 quân nhân với hơn 100 chiến hạm và tàu các loại, trong đó có 20 tàu ngầm, hơn 40 khu trục hạm và bốn tàu sân bay trực thăng.

Lý do chính khiến JMSDF quyết định tuyển thêm binh sĩ nữ không hoàn toàn xuất phát từ mục tiêu bình đẳng giới mà do tỷ lệ sinh của Nhật quá thấp trong thời gian qua, khiến số lượng nam thanh niên nhập ngũ giảm sút, dẫn tới tình trạng thiếu hụt binh sĩ nam phục vụ trên các tàu sân bay trực thăng như JS Kaga hay JS Izumo.

Giới trẻ Nhật Bản hiện nay cũng không nào hứng với việc nhập ngũ, đặc biệt là JMSDF, do quy định bị hạn chế sử dụng mạng xã hội. Thủy thủ trên các chiến hạm Nhật Bản chỉ được phép gửi 4 tin nhắn văn bản mỗi ngày và hiện chưa rõ liệu JMSDF có thay đổi chính sách cho phép các thủy thủ dùng Internet khi làm nhiệm vụ để thu hút thêm nguồn nhân lực hay không.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ phụ nữ trong biên chế cũng khiến JMSDF phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối, đó là tình trạng quấy rối tình dục trên tàu chiến. Tháng 7/2018, một sĩ quan nam của JMSDF bị tước quân tịch do hôn và sờ soạng ba thủy thủ nữ trong vài tháng liên tiếp.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) năm ngoái cũng quyết định cho phép phụ nữ phục vụ trong các đơn vị lục quân, tăng thiết giáp và các đơn vị khác có tham gia chiến đấu trực tiếp trên chiến trường. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi ấy là Tomomi Inada, quyết định này giúp phụ nữ đóng vai trò chủ động hơn trên chiến trường để thu hút thêm phụ nữ gia nhập JGSDF.

Theo VNExpress