Yumi Ishikawa, người khởi xướng phong trào #KuToo, phản đối quy định buộc phụ nữ đi giày cao gót đến nơi làm việc. Ảnh: AFP
Một nhóm phản đối phân biệt giới nơi công sở hôm qua nộp đơn kiến nghị lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, kêu gọi chính phủ cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm. Lá đơn với 18.856 chữ ký là một phần của phong trào #KuToo do thủ lĩnh Yumi Ishikawa khởi xướng trên Twitter.
"Đây chỉ là bước đầu tiên", nữ diễn viên kiêm nhà văn 32 tuổi nói tại một cuộc họp báo sau đó.
Việc trình đơn kiến nghị trùng với thời điểm các công ty ở Nhật Bản bắt đầu tuyển dụng cử nhân vào làm việc và những người ủng hộ chiến dịch trên cho hay việc đi giày cao gót là quy định bắt buộc khi ứng tuyển.
"Tôi hy vọng chiến dịch này sẽ thay đổi tiêu chuẩn xã hội để việc phụ nữ đi giày bệt như đàn ông không bị xem là tồi tệ", Ishikawa nói.
Phong trào #KuToo bắt đầu hồi tháng một, khi Ishikawa chia sẻ về việc cô phải đi giày cao gót tại nhà tang lễ mà cô làm thêm. Bài viết của Ishikawa đã thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ lại. #KuToo được ghép từ phong trào phản đối quấy rối phụ nữ trên toàn cầu #MeToo cùng hai từ tiếng Nhật "kutsu" (giày) và "kutsuu" (đau).
Một nữ sinh 22 tuổi, thành viên trong nhóm của Ishikawa, cho hay cô không phản đối giày cao gót nhưng loại giày này có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cô nhắc tới những phụ nữ lớn tuổi hiện không thể đi một số loại giày nhất định do bàn chân bị biến dạng sau một thời gian dài đi giày cao gót ở văn phòng.
"Chúng tôi muốn một điều luật mới, vì tôi tin đây là một vấn đề cấp bách", Ishikawa nói.
Ishikawa cho biết một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã nói rằng đây là lần đầu tiên cơ quan này nhận được "nhiều tiếng nói" cùng yêu cầu ra lệnh cấm về quy định trang phục. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhiều lần được giải thích rằng việc ban hành luật chống quấy rối và phân biệt về giới là rất khó", cô nói.
Nhật Bản có luật cấm phân biệt giới tính trong các giai đoạn làm việc nhất định như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng, nhưng không đề cập tới quy định về trang phục.
Các phong trào tương tự từng diễn ra ở các nước khác những năm gần đây. Tại Anh, năm 2015, lễ tân của một công ty tài chính đã đệ đơn yêu cầu chính phủ thay đổi luật trang phục sau khi bị sa thải không lương vì không đi giày cao gót 5 - 10 cm theo yêu cầu.
Tại Liên hoan Film Cannes năm 2016 ở Pháp, Julia Roberts và nhiều diễn viên khác đi chân trần hoặc giày thể thao lên thảm đỏ để phản đối việc một số phụ nữ bị cấm tham dự sự kiện do không đi giày cao gót vào năm trước đó.
Theo vnexpress