leftcenterrightdel
 Olivia Dunne, VĐV thể dục dụng cụ của Đại học bang Louisiana (LSU), kiếm được hơn 1 triệu USD hàng năm theo các thống kê. Ảnh:Annie Flanagan/The New York Times.
 

Olivia Dunne (20 tuổi) là VĐV thể dục dụng cụ của LSU. Cô hiện học năm 2 chuyên ngành Nghiên cứu Liên ngành.

Dunne đang dẫn đầu phong trào kiếm tiền nhờ quy tắc NIL thay đổi năm 2021, tức cho phép nữ VĐV ở cấp độ sinh viên có thu nhập thông qua tên tuổi, hình ảnh và sự thể hiện của họ.

Dunne không tiết lộ chính xác thu nhập cá nhân, nhưng nhiều thống kê cho thấy con số sẽ đạt 2 triệu USD trong năm tới, theo The New York Times.

“7 con số. Đó là điều tôi tự hào, đặc biệt vì tôi là phụ nữ. Không có giải đấu chuyên nghiệp nào cho VĐV nữ sau cấp độ đại học”, cô giải thích.

Dunne kiếm được số tiền “khủng” nhờ đăng bài lên mạng xã hội - nơi cô xen kẽ nội dung quảng cáo cho các thương hiệu với clip hát nhép hoặc biểu diễn điệu nhảy thịnh hành.

Đối với Dunne, việc được thoải mái thể hiện và khoe vóc dáng cơ thể, theo cách nhấn mạnh quan niệm truyền thống về vẻ đẹp phụ nữ, trên mạng xã hội chính là trao quyền.

leftcenterrightdel
Dunne thu hút hơn 6 triệu lượt theo dõi trên TikTok và hơn 2 triệu trên Instagram. Ảnh:Annie Flanaga/The New York Times. 
 

Bước lùi

Quy tắc NIL đã thay đổi cuộc chơi đối với nữ VĐV sinh viên, đặc biệt là những người thi đấu ở môn thể thao không có doanh thu như thể dục dụng cụ.

Nhờ tận dụng danh tiếng trên mạng xã hội, Dunne và các nữ VĐV sinh viên khác được coi là triệu phú theo quy tắc NIL, bao gồm Haley và Hanna Cavinder - cặp song sinh chơi bóng rổ tại Miami; Sunisa Lee - VĐV thể dục dụng cụ ở Đại học Auburn và chủ nhân HCV tại Olympic Tokyo 2021; Paige Bueckers và Azzi Fudd - ngôi sao bóng rổ tại Connecticut.

Tuy nhiên, dòng tiền mới và cách mà nhiều VĐV nữ đang kiếm được khiến một số người đấu tranh cho sự đối xử công bằng trong thể thao lo lắng. Họ nói rằng đó là phần thưởng cho ham muốn nữ tính truyền thống hơn là sự xuất sắc trong thể thao.

Một số nhà quan sát nói rằng thị trường đang quyết định lựa chọn đó.

Andrea Geurin, nhà nghiên cứu về kinh doanh thể thao tại Đại học Loughborough (Anh), tìm hiểu về các VĐV nữ phấn đấu tham dự Olympic Rio 2016, trong đó có nhiều VĐV ở cấp độ đại học của Mỹ.

“Một trong số chủ đề nổi cộm là áp lực mà họ cảm thấy khi đăng ảnh khiêu gợi của bản thân lên mạng xã hội”, bà nói.

Geurin lưu ý một số VĐV cho rằng việc công khai những hình ảnh như vậy là không đáng. Trong khi đó, số khác nhận thấy đây là một trong những cách chính để tăng sự nổi tiếng trên mạng và khả năng kiếm tiền của họ.

leftcenterrightdel
 
Olivia Dunne và Sunisa Lee khoe vóc dáng trên mạng xã hội. Họ đều trở thành triệu phú nhờ quy tắc NIL thay đổi. Ảnh:@livvydunne,@sunisalee. 
 

Lướt xem tài khoản mạng xã hội của các nữ VĐV sinh viên trên khắp xứ sở cờ hoa, điều dễ thấy là sự gợi cảm được ưa chuộng. Các bài đăng thúc đẩy lý tưởng truyền thống về điều gì khiến phụ nữ hấp dẫn đàn ông chiếm ưu thế và số đông ủng hộ điều đó.

Tara VanDerveer của Stanford, HLV thành công nhất trong môn bóng rổ nữ đại học, coi một phần cuộc cách mạng NIL tập trung vào sắc đẹp là sự thụt lùi đối với các VĐV nữ.

VanDerveer bắt đầu huấn luyện vào năm 1978, trước khi Internet và mạng xã hội trở nên phổ biến, nhưng bà cho rằng công nghệ này đang duy trì những quan niệm phân biệt giới tính cũ.

“Đây là một bước lùi”, bà nói thêm.

Không cần phô bày cơ thể

Thực tế, đa số VĐV nữ kiếm tiền thành công nhất là người da trắng. Rất ít trong số họ công khai xác nhận là người đồng tính. Nhiều người đăng hình khiêu gợi dường như chỉ để thu hút ánh nhìn đàn ông.

Ngoài lượng khán giả khổng lồ trên mạng, không có điều nào kể trên là hoàn toàn mới. Sự căng thẳng giữa hình ảnh cơ thể, nữ tính và mong muốn được coi trọng với tư cách VĐV đã tồn tại ở các VĐV nữ trong nhiều thế hệ.

Quay ngược lại khoảng 70 năm về thời đại của VĐV quần vợt hàng đầu “Gorgeous” Gussie Moran, người trở nên nổi tiếng với những trang phục ôm sát cơ thể và đồ lót ren khi chơi quần vợt.

Vào những năm 1990, VĐV trượt băng nghệ thuật từng 2 lần đoạt HCV Olympic Katarina Witt là người mẫu trang bìa của Playboy. Bà hầu như không phải nữ VĐV duy nhất xuất hiện trong các bức ảnh khiêu gợi lan truyền.

Hay tạp chí áo tắm Sports Illustrated hoặc Magazine’s Body Issue của ESPN cho thấy những bức ảnh nghệ thuật về các VĐV khỏa thân đã thu hút khán giả, chủ yếu là nam giới, trong nhiều năm.

Những mô tả này tiếp tục khiến VĐV nữ coi các buổi chụp hình như vậy là cơ hội để thúc đẩy sự tích cực của cơ thể, tự tin về hình thể mà họ đã khổ luyện chăm chỉ hoặc thách thức chuẩn mực về nữ tính.

Các nữ VĐV sinh viên chắc chắn đang tận dụng nhiều cách để thể hiện bản thân, trong khi luôn phải cảnh giác với việc bị xã hội “vật hóa” hay coi như đồ vật.

Haley Jones, tuyển thủ bóng rổ tại Stanford, cho biết cô không muốn thể hiện sự hấp dẫn về giới tính. Thu nhập của cô được thúc đẩy bởi hình ảnh trên mạng xã hội là cô gái vui vẻ, không có giọng điệu quá khích.

“Tôi không đăng ảnh bikini, không phải vì tôi không muốn phô bày cơ thể. Nguyên nhân là đó không phải kiểu nội dung hàng đầu mà tôi muốn chia sẻ. Khán giả của tôi cũng không tìm kiếm điều đó ở tôi”, cô nói.

leftcenterrightdel
 
 Jones tránh đăng những bức ảnh hở hang lên mạng xã hội vì bản thân muốn thế. Ảnh:Lauren Segal/The New York Times.
 

Jones là một trong số ít nữ VĐV da đen được coi là kiếm nhiều tiền nhất. Cô học cách nhanh chóng phân tích ưu và nhược điểm của kỷ nguyên thương mại hóa mới.

Rishi Daulat, đại diện của Jones, cho biết cô có thu nhập hơn 6 con số kể từ khi quy tắc NIL thay đổi, nhưng từ chối đưa ra con số cụ thể.

Jones lưu ý rằng các VĐV nữ có thể chọn không sử dụng mạng xã hội và mất đi lợi nhuận lớn nhất. Ngược lại, họ có thể tham gia, kiếm tiền, tập trung vào người ủng hộ mình và đối phó với những bình luận mang tính chất khiêu dâm trên trang cá nhân.

“Bạn có thể mặc quần thể thao và áo khoác ra ngoài nhưng vẫn bị tình dục hóa. Tôi nghĩ điều này sẽ luôn ở đó, bất kể bạn làm gì hay thể hiện bản thân như thế nào. Đây là xã hội mà chúng ta đang sống”, nữ VĐV nói thêm.

Theo zingnews