Cuộc thi Hoa hậu Mỹ - Miss America

Như PNVN đã phản ánh, mới đây, sau 100 năm, Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ - Miss America đã quyết định loại bỏ phần thi trang phục áo tắm. Với việc thông báo không tổ chức phần thi áo tắm, Ban Tổ chức Miss America cố gắng xác định lại vai trò của mình trong thời đại trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới.
 
Nhiều nhà hoạt động nữ quyền ủng hộ điều này với lý do: "Một cơ thể nóng bỏng sẽ có ý nghĩa gì khi họ không thể có một cái đầu thực sự ấn tượng?". Từ năm 1950, Hoa hậu Yolande Betbeze từng gây ồn ào dư luận khi từ chối mặc trang phục áo tắm lúc đăng quang với lý do "Tôi là sinh viên opera và không có đôi chân đẹp". Năm 1992, Á hậu Catherine Ann Lemkau đã bày tỏ mong muốn cuộc thi Hoa hậu Mỹ loại bỏ phần thi trang phục bikini. Chính cuộc thi Hoa hậu Mỹ từng tổ chức cuộc khảo sát với câu hỏi "Có nên bỏ phần thi bikini trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ không?" năm 1995 và đã nhận được câu trả lời là "không" với 2/3 lượng người xem chương trình. 

Cuộc thi Miss World bỏ phần thi áo tắm từ năm 2014

Đấu trường Hoa hậu Thế giới - Miss World chính là nơi đã khơi mào cho phong trào bỏ phần thi bikini trong cuộc thi sắc đẹp.
 Cuộc thi Hoa hậu thế giới 2014 diễn ra tại Anh gây chú ý khi không còn phần trình diễn trang phục bikini trong đêm thi chung kết. Quyết định bỏ phần thi trang phục áo tắm của cuộc thi nhan sắc lâu đời nhất thế giới như Miss World đã khiến không ít người sốc. Bà Julia Morley - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Thế giới - cho rằng phần thi bikini không cần thiết và muốn các thí sinh cạnh tranh nhau ở vẻ đẹp trí tuệ, cách ứng xử, lòng nhân ái... hơn là vẻ đẹp hình thể.
Bà Julia Morley chia sẻ rằng, trong suốt lịch sử của Hoa hậu Thế giới đã xảy ra không ít cuộc biểu tình vì phản đối phần thi bikini ở các nước Hồi giáo. Những phụ nữ đi thi các cuộc thi sắc đẹp còn bị kỳ thị, thậm chí bị sát hại chỉ vì những màn phô diễn cơ thể trên sân khấu. Suốt những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc thi này cũng đã đối mặt nhiều hoạt động biểu tình ngăn chặn của các tổ chức nữ quyền.


Bà Julia Morley (phải) - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Thế giới -
và đương kim Miss World người Ấn Độ

 
Mấy năm trở lại đây, Miss World dành nhiều thời gian để những người dự thi được chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm và những thành tựu họ đóng góp cho cộng đồng và xã hội. "Trong thời đại ngày nay, khi chuyện cởi đồ trên các tạp chí, biển quảng cáo đã trở thành thông dụng, cơ thể phụ nữ được phô bày trên truyền hình không còn là chuyện gây sốc, chúng tôi đang tiên phong tạo bước chuyển cho nền công nghiệp sắc đẹp và nhằm thúc đẩy những ngành khác, để việc đánh giá phụ nữ không phải là bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài hay bằng đường cong cơ thể qua các bộ bikini", bà Julia nói.
 
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã được công luận hưởng ứng vì những thay đổi và cả hướng đi mang tính tiên phong của nó. Một hoa hậu không cần hoàn hảo về vóc dáng nhưng phải có tri thức, vẻ đẹp tâm hồn. Các cuộc thi nhan sắc không bikini vẫn tìm được người đẹp hình thể qua kiểm tra nhân trắc học.
 
Nhiều cuộc thi hoa hậu ở các nước cũng loại dần phần thi trang phục bikini. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Ý - Miss Italia 2012 đã khiến dư luận xôn xao sau khi cấm thí sinh mặc bikini 2 mảnh trong phần thi trang phục áo tắm.

Năm 2015, cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc - Miss World China thông báo bỏ phần tranh tài áo tắm, tập trung vào việc làm nổi bật văn hóa nước này. Ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc cho biết, việc bỏ phần thi áo tắm nhằm thể hiện sự tôn trọng với phụ nữ và sự đa dạng văn hóa. Thay vào phần thi áo tắm, các thí sinh tập trung nhiều vào việc thể hiện trí tuệ trong ứng xử, tài năng về nghệ thuật, văn hóa truyền thống…

Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Anh 2017, Muna Jama trở thành thí sinh đầu tiên trong lịch sử Hoa hậu Hoàn vũ Anh được phép mặc một loại trang phục không phải là đồ bơi trong phần thi… áo tắm. Trước đó, Muna đã chia sẻ thẳng thắn với ban tổ chức rằng cô không cảm thấy thoải mái nếu phải bước đi trên sân khấu trong bộ trang phục bikini. Ban tổ chức sau đó đã cân nhắc và quyết định để cô mặc áo kaftan (một loại áo choàng dài sặc sỡ của phụ nữ đạo Hồi) trong phần thi áo tắm. Nhan sắc đến từ khu Forest Gate, phía Đông Thủ đô London, này chia sẻ: “Tôi không mặc bikini khi ra biển bao giờ, tôi thường mặc những bộ đồ bơi kín đáo phù hợp với chuẩn mực của phụ nữ đạo Hồi. Vì vậy, tôi cũng sẽ không mặc bikini tham gia cuộc thi Hoa hậu chỉ để có được thêm vài điểm”.

Theo Phunuvietnam.vn