Zoya Jreidini Rohana, giám đốc của Kafa, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Arab News: “Từ đầu năm đến nay, tổ chức đã thống kê có 10 vụ sát hại phụ nữ đã kết hôn hoặc sau ly hôn, 6 vụ tự sát của phụ nữ, và 3 vụ nạn nhân may mắn thoát khỏi âm mưu giết người".

leftcenterrightdel
 Phụ nữ Li-băng biểu tình phản đối luật cho phép kẻ hiếp dâm thoát tội nếu hắn kết hôn với nạn nhân

Các vụ án được thực hiện bởi đa số là đàn ông với nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Luật địa vị cá nhân ở quốc gia này (“Personal status law”) cho phép người chồng có quyền lực kiểm soát tuyệt đối với gia đình. Khi người vợ đòi ly hôn, đã chạm đến lòng tự tôn của anh ta và đẩy đến động cơ giết người. Hiệu quả xét xử của những vụ án này cũng không cao, kéo theo hệ quả gia tăng nhanh chóng loại tội phạm này khi chỉ cần trốn ra ngoài biên giới quốc gia. Các hồ sơ vụ án vẫn còn tồn đọng quá nhiều trong các cơ quan tư pháp”, bà Zoya nói thêm.

Vấn nạn này đang càng trở nên nóng hơn vào đầu tháng 3 trở lại đây. Bao gồm những nạn nhân như Rokaya Halawi, 50 tuổ,  bị chồng của mình là Khalil Al-Hamoush, 70 tuổi sát hại bằng khẩu súng săn vào tháng 6, sau khi cô đệ đơn yêu cầu ly hôn do bị ngược đãi trong hôn nhân.

Vụ việc của Amira Mughniyeh, 30 tuổi, một phụ nữ Li-băng sống ở Sydney được phát hiện đã chết vào tuần trước. Chồng cô, Ahmed Hadraj, 39 tuổi, bị truy cứu với tội danh giết cô.

Rabih Francis, một cảnh sát đã bị cáo buộc bắn chết người vợ là Sahar và mẹ của cô rồi tự sát, ở quận Jezzine vào tháng trước.

Ragia Al-Akoum, từ thị trấn Bsaba, tử vong do bị chồng cũ đâm nhiều nhát và dùng ô tô cán qua người cô ngay trước mặt các con của họ vài ngày sau khi họ ly thân.

Maher H bị cáo buộc đã bắn chết vợ cũ tại thị trấn Quâmtiyya - 2 người đang tranh chấp quyền nuôi con chung.

Hay vụ việc đang được điều tra của Mona Al-Homsi, nghi ngờ bị chồng cũ bắn chết ở thành phố lớn Jabal Mohsen.  

Theo Ngân hàng Thế giới (World bank): “Tỷ lệ phụ nữ bị sát hại trên toàn cầu đã giảm dần kể từ những năm 1990, nhưng con số đó ở Trung Đông vẫn giữ ở mức cao và tốc độ tăng trưởng nhanh”.

Năm 2020, quốc hội Li-băng đã thông qua các sửa đổi nhằm tăng cường Luật Bảo vệ phụ nữ và các thành viên trong gia đình khỏi bạo lực gia đình, lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây sau khi luật này được ban hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nó vẫn chưa cung cấp một mạng lưới an toàn hiệu quả cho phụ nữ và trẻ em. Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trong nước cũng là nguyên nhân chính gây thêm áp lực lên các nhà cầm quyền.

Theo một báo cáo của UNICEF công bố vào tháng 6: “Nhiều gia đình ở Li-băng vẫn chưa được đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Ngày càng có nhiều gia đình buộc phải gửi con cái của họ, một số trong đó chỉ mới 6 tuổi, đi làm việc như một nỗ lực tuyệt vọng để tồn tại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài”.

Trích dẫn trong báo cáo, nhiều bậc phụ huynh cho biết gia đình họ luôn phải sống trong cảnh tuyệt vọng vì thiếu thốn dẫn đến tình trạng căng thẳng đối với con cái của họ. Theo tỉ lệ trên 10 người thì có 6 người (phụ huynh hoặc người giám hộ chính) thường xuyên muốn quát mắng con mình, và 2 trong số đó luôn cảm thấy tức giận đến mức suýt đánh con mình.

Căng thẳng, cùng với sự thiếu thốn của gia đình ngày càng tăng, cũng gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần của trẻ. 7 trong số 10 hộ gia đình cho biết con của họ hay có vẻ bồn chồn, căng thẳng và dễ cáu kỉnh. Gần một nửa cho biết con cái của họ thường xuyên buồn rầu hoặc thường xuyên bị trầm cảm.        

Một nghiên cứu trước đây của UNICEF cho thấy cuộc khủng hoảng ở Li-băng dẫn đến sự tan vỡ và chia rẽ các mối quan hệ gia đình. Điều này thể hiện rõ qua việc các bậc phụ huynh cảm thấy không nhận được sự tôn trọng từ các thành viên trong gia đình vì con cái họ mất niềm tin vào cha mẹ.

Theo phụ nữ TPHCM