Trước đây, khi nhắc đến cái tên Elizabeth Holmes, người ta sẽ nghĩ ngay đến một cô nàng da trắng, tóc vàng, được mệnh danh là “nữ tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới” khi tự thành lập công ty riêng ở tuổi 19.

Nhưng giờ đây, khi nói về cựu CEO Theranos, truyền thông chỉ nhắc về những "vết nhơ" cô đã để lại cho giới công nghệ ở Thung lũng Silicon. Ngoài Theranos, Holmes còn bị vạch trần những chuyện dối trá khác trong suốt nhiều năm qua.

Không chỉ có vẻ ngoài sáng dạ cùng lối ăn mặc đơn giản, Holmes còn gây ấn tượng mạnh với công chúng khi có chất giọng nam trung trầm ấm. Song, nhiều người cho rằng đây chỉ là một chiêu trò của cô, nhằm xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại, thông minh trong làng công nghệ.

Thực chất, Holmes có chất giọng cao hơn thế.

Từng là hình mẫu người phụ nữ lý tưởng, giờ đây cựu CEO Theranos lại phải đối mặt với nhiều cáo buộc lừa đảo. Ảnh: Flipboard.


"Tôi còn nhớ lần đầu em ấy đến gặp tôi, chất giọng của em ấy không giống như bây giờ", giáo sư y khoa Phyllis Gardner, người từng dạy Holmes tại trường đại học Stanford chia sẻ.

Ngoài ra, một cựu nhân viên Theranos cũng không thể lý giải những chất giọng khó hiểu của cô. "Khi chúng tôi đang chuẩn bị kết thúc cuộc họp, cô ấy đứng dậy và nói bằng chất giọng nữ trẻ trung một cách tự nhiên", người này nhớ lại.

Holmes chưa bao giờ tiết lộ lý do mình giả giọng trầm, nhưng giới công nghệ ở Silicon Valley cho rằng cô cố tình làm thế vì mong muốn được xem trọng trong ngành này - một lĩnh vực mà nam giới thống trị từ trước đến nay.

Ngoài việc giả giọng trầm, nữ CEO tai tiếng bậc nhất nước Mỹ còn bị cho là cố ý bắt chước Steve Jobs, huyền thoại của Apple.

Theo Refinery 29, nữ tỷ phú đã bắt chước cách ăn mặc của nhà sáng lập Apple như một kế hoạch quảng bá cho bản thân. Trong buổi phỏng vấn với Glamour, cô nói rằng mình đã có thói quen mặc những chiếc áo cổ lọ từ năm 8 tuổi. Ngoài ra, Holmes còn khoe rằng cô có 150 chiếc áo cổ lọ trong tủ đồ của mình.

Chia sẻ với Glamour, "phiên bản nữ của Steve Jobs" cho rằng sở dĩ cô chỉ mặc áo cổ lọ là bởi điều đó khiến cuộc sống của cô đơn giản hơn.

Ngoài Steve Jobs, hình ảnh chiếc áo cổ lọ đen cũng là một biểu tượng thời trang làm nên tên tuổi của Elizabeth Holmes. Ảnh: Vanity Fair.


"Không cần phải suy nghĩ ngày mai mặc gì giúp tôi tập trung tốt hơn vào công việc", Holmes bày tỏ.

Dù vậy, các nguồn tin cho rằng nữ doanh nhân đã nói dối. Một nhân viên cũ của Theranos từng làm việc tại Apple cho biết những ngày đầu, Holmes thường mặc chiếc áo len mỏng hoặc những chiếc "áo len Giáng sinh màu mè" trước khi hỏi các nhân viên Apple về trang phục nổi tiếng của Jobs.

Richard Fuisz, một bác sĩ tâm thần kiêm cựu điệp viên CIA, người đã quen biết Elizabeth Holmes từ thời thơ ấu, xác nhận rằng việc bắt chước Steve Jobs của Holmes là có chủ ý để trở nên nổi tiếng hơn.

Sau vụ việc này, nhiều người mỉa mai rằng việc mặc áo cổ lọ ít nhất cũng đã giúp Steve Jobs tập trung hơn vào công việc, đem lại sự thành công cho Apple. Điều này đối với Holmes thì hoàn toàn ngược lại.

Trong đời sống cá nhân, Holmes có nuôi một chú chó Husky có tên Balto. Mọi chuyện trông có vẻ chỉ đơn giản như thế, cho đến khi cô lặp đi lặp lại rằng chú chó cưng của mình là một con sói.

Sau khi phát hiện giống chó Husky có nguồn gốc của loài sói, Holmes có vẻ rất hãnh diện về điều này. Bằng chứng cho thấy là khi bất kỳ ai hỏi cô, "Balto thuộc giống chó gì?", thay vì trả lời chính xác là "Husky" thì vị nữ CEO lại phô trương rằng "nó là một con sói".

Chính vì nói dối quá nhiều, mọi người bắt đầu tin rằng "nữ tỷ phú tự thân" có những hành vi ảo tưởng và lệch lạc. Một số thậm chí còn tiếc thay Holmes khi cô có sự thông minh nhưng lại lãng phí nó.

Theo Zing