Lớn lên trong một gia đình Hồi giáo bảo thủ ở Bangladesh, Shishir từng bị chế giễu vì "quá ẻo lả". Những người xung quanh nghĩ cô mắc bệnh tâm thần hoặc "không bình thường". Chuỗi trải nghiệm đó để lại dấu hỏi lớn trong Shishir, rằng: "Tôi là ai?".

"Tôi sinh ra với cơ thể đàn ông, nhưng có tâm hồn của một người phụ nữ. Tôi đã phải chứng minh mình tồn tại trong xã hội", cô chia sẻ. Shishir từng nhiều lần tự hỏi: "Có ai giống với mình không?" và tìm kiếm câu trả lời trên Internet.

Ngay cả khi công khai bản thân là phụ nữ chuyển giới, cô vẫn mất thời gian dài để được chấp nhận. Shishir cho biết đó là "con đường trải đầy những nỗi đau". Cô bị quấy rối, thóa mạ, bị các thành viên trong gia đình xa lánh và từng phải sống trong khu ổ chuột khi không có một xu dính túi.

"Tôi bị kỳ thị nhiều năm, đã cố gắng tự tử 4 lần", cô kể lại.

Tháng 3, cô được kênh truyền hình Boishakhi TV tuyển dụng để đọc bản tin ngắn nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Ba phút lên sóng thay đổi cuộc đời cô. Shishir trở thành MC chuyển giới đầu tiên tại Bangladesh, xuất hiện trong phòng khách của hàng triệu người. Đây là bước ngoặt to lớn ở một quốc gia công nhận giới tính thứ ba, nhưng nhìn chung vẫn coi chuyển giới là điều kém tự nhiên hoặc tội lỗi.

           Tashnuva Anan Shishir dẫn chương trình tại trường quay của Boishakhi TV ngày 8/3. Ảnh: NY Times

Kyle Knight, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: "Đưa một người từ cộng đồng LGBT lên hình là hành động mang tính biểu tượng, vô cùng quan trọng. Cộng đồng này đã đi cả chặng đường dài đầy lặng lẽ. Giờ đây, họ xuất hiện trên truyền hình, họ có sự công nhận từ chính phủ. Rất nhiều thứ đã thay đổi trong khoảng thời gian ngắn. Chỉ điều đó thôi đã mang lại cho tôi hy vọng".

Năm 2013, giới chức Bangladesh chính thức công nhận giới tính thứ ba, hay hijras, chỉ những người sinh ra là nam nhưng bản dạng giới là nữ.

Shishir, như nhiều người chuyển giới khác tại nước này, đã trải qua thời gian dài để chứng minh bản thân. Cô sinh ra tại quận Bagerhat, trong một gia đình 4 chị em gái và hai anh em trai, có mẹ làm nội trợ, cha bán hải sản. Từ nhỏ, Shishir nhận thức sâu sắc về sự khác biệt của mình. Khi xem phim, cô hình dung bản thân là nữ chính. Cô thích mặc sari (trang phục truyền thống dành cho nữ ở Bangladesh) và tô son môi của chị gái. Được truyền cảm hứng từ một người chị khác, Shishir tham gia lớp học múa cho đến khi bị cha mẹ ngăn cản.

Cô trải qua bước ngoặt về tâm lý sau khi bị một thành viên nam trong gia đình tấn công tình dục. "Tôi thực sự sợ hãi. Tôi không thể chia sẻ với bất kỳ ai", cô nhớ lại năm 10 tuổi.

Shishir bị cha xa lánh vì những hành động nữ tính, bị coi như nỗi ô nhục của gia đình. Khi công việc kinh doanh của cả nhà gặp khó khăn, cô bị đẩy khỏi nhà. Cha Shishir nói nếu ở lại, cô sẽ phải che giấu xu hướng tính dục của mình.

Quyết định ra đi năm 15 tuổi không hề dễ dàng. Dù đã cố gắng thích nghi với các chuẩn mực nam giới, Shishir thừa nhận: "Thật khó để tiếp tục sống một mình, nhưng còn khó hơn để cố làm vừa lòng người khác".

Cô chuyển đến sống với một người chú ở Narayanganj, nhưng vẫn phải gồng mình cư xử như nam giới và bị thóa mạ.

                      Shishir trang điểm trước khi lên hình. Ảnh: NY Times

Để tìm kiếm câu trả lời về bản thân, Shishir lùng sục trên Internet, cuối cùng bắt gặp khái niệm "người chuyển giới". Cô bắt đầu có cái nhìn rõ nét hơn về bản thân và cộng đồng LGBT. Shishir chưa từng gặp người chuyển giới khác tại Bangladesh, song đã liên lạc những người bên ngoài đất nước.

"Cảm giác rất tuyệt, tôi thấy mình không phải người duy nhất", cô nói.

Sau khi vào đại học, Shishir phát hiện niềm yêu thích với sân khấu, mong muốn trải nghiệm cuộc sống danh giá, được tôn trọng và ngưỡng mộ. Cô ứng tuyển vào hầu hết các vai nữ. Tuy nhiên, một đạo diễn liên tục nói cô không thể làm điều này vì sinh ra là nam giới.

"Những năm tháng bị bắt nạt và quấy rối dạy tôi phải chứng tỏ bản thân. Bạn không nên mắc kẹt trong cơ thể đàn ông, bạn phải nuôi dưỡng tính nữ của mình, biết yêu thương người phụ nữ bên trong bạn", cô chia sẻ.

Nỗi đau đớn, sự sỉ nhục và xa lánh khiến cô phải chuyển đến Dhaka. Cô sống bằng tiền vay từ bạn bè, đôi khi ở nhờ nhà họ và tìm một công việc tạm thời. Shishir cho biết thời điểm đen tối nhất là khi cô thất nghiệp, sống trong một khu ổ chuột suốt 6 tháng. 7 ngày liền, cô không được ăn và gần như chết đói.

Năm 2015, Shishir chính thức tuyên bố mình là người chuyển giới với nhóm tư vấn tâm lý. Cô chọn cái tên Tashnuva, có nghĩa là "may mắn" trong tiếng Bengali và tên đệm là Anan, có nghĩa "đám mây". Shishir bắt đầu nuôi tóc dài, trang điểm và sử dụng hormone vào năm 2016.

Shishir nhớ lại một bác sĩ tại Dhaka đã coi cô như người mắc chứng rối loạn chống đối xã hội, kê đơn thuốc khiến cô cảm thấy khó chịu vào ban ngày. Trong 8 tháng, làn da cô trở nên thô ráp, quầng thâm hình thành rõ dưới mắt do tình trạng mất ngủ liên miên. Loại thuốc được kê khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm. Nghiêm trọng hơn, Shishir chịu sự công kích, phân biệt đối xử khi làm việc tại những tổ chức phi chính phủ khác nhau.

Trải qua tất cả, Shishir cố gắng hoàn thành tốt công việc, không quên khẳng định giới tính nữ. Đầu năm nay, một đạo diễn thông báo cho cô về đợt tuyển dụng của Boishakhi TV. Ban đầu, Shishir do dự vì từng bị nhiều nơi từ chối. Nhưng cuối cùng, cô nhận được cái gật đầu của đội ngũ sản xuất. 

                    Shishir cùng một đồng nghiệp duyệt lại kịch bản trước khi lên hình. Ảnh: NY Times

Trong một tuyên bố, Boishakhi TV cho biết đây là "sáng kiến lịch sử" sẽ "truyền cảm hứng để xã hội thay đổi thái độ (với cộng đồng LGBT)". Bản tin kéo dài ba phút dưới sự dẫn dắt của Shishir nhận được sự quan tâm của công chúng, len lỏi vào TV của hàng trăm hộ gia đình. Trên Twitter, người dùng trẻ tuổi cho biết họ được truyền động lực bởi sự xuất hiện của cô. Họ gọi đó là "bước nhảy vọt" cho cả cộng đồng.

Không dừng lại ở đó, Shishir tham gia một vai nữ trong bộ phim nhỏ của đài Bangla, trở thành sinh viên Đại học Brac, khoa Y tế Cộng đồng. Nhớ lại khoảnh khắc được đưa tin trên sóng truyền hình, cô biết rằng mình có cơ hội rất lớn. Shishir nói sẽ làm việc nhiều hơn để đóng góp cho cộng đồng của mình, chẳng hạn thúc đẩy chính phủ thông qua dự luật về người chuyển giới.

"Tôi nghĩ rằng 2021 là một năm may mắn. Tôi giờ đây đã là một phần của đất nước này", cô mỉm cười nói.

Theo vnexpress