Chia sẻ với South China Morning Post, Chris Zou (45 tuổi) - một bà mẹ đơn thân ở Thượng Hải - cho biết cô đã nhận được khoản trợ cấp thai sản của mình.
Cô cảm thấy “hạnh phúc và biết ơn” những người ủng hộ cô đối đầu với chính quyền Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý 3 năm qua.
|
Mẹ đơn thân - có con mà không lấy chồng - bị phân biệt đối xử ở Trung Quốc. Ảnh:iStock. |
Vụ kiện đòi bảo hiểm và trợ cấp thai sản của Zou là trường hợp đầu tiên xảy ra trong hệ thống pháp luật Trung Quốc.
Cụ thể, Zou chưa kết hôn. Năm 2016, sau khi chia tay với bạn trai, Zou phát hiện ra mình mang bầu. Cô quyết định giữ lại đứa trẻ bằng mọi cách. Năm 2017, cô đăng ký nhận bảo hiểm thai sản từ công ty nhưng không được chấp thuận vì cô chưa kết hôn.
Thông thường, các cặp vợ chồng ở xứ tỷ dân sẽ được hưởng bảo hiểm và trợ cấp từ chương trình hỗ trợ tài chính cho phụ nữ sau khi sinh con của chính phủ. Song các bà mẹ có con mà chưa lấy chồng như Zou thì lại không.
Luật bảo hiểm xã hội quy định rằng người mẹ được hưởng bảo hiểm thai sản do người sử dụng lao động cung cấp. Nhưng chính quyền địa phương yêu cầu người phụ nữ được bảo hiểm phải chứng minh “tình trạng sinh con” của họ, mà điều này cần phải có giấy chứng nhận kết hôn.
|
Trung Quốc hiện phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp chưa từng thấy. Ảnh:CNA. |
Trong 3 năm qua, các phán quyết của tòa án liên tục chống lại Zou. Kháng cáo cuối cùng của cô hồi tháng 10/2020 tiếp tục bị bãi bỏ.
Sau khi hết các lựa chọn pháp lý, Zou bắt đầu vận động hành lang tại văn phòng chính quyền Thượng Hải, đồng thời viết thư cho Quốc hội Trung Quốc nhằm nỗ lực thay đổi điều luật.
“Vào tháng 1, với sự giúp đỡ của một người bạn, tôi nhận thấy chính quyền Thượng Hải không còn yêu cầu bằng chứng ‘đã kết hôn’ nữa, nên tôi lập tức nộp đơn trực tuyến”, cô cho biết.
Hai lá đơn đầu tiên bị từ chối, nhưng đến lần thứ ba, đơn xin trợ cấp của Zou đã được chấp thuận. 4 bà mẹ đơn thân khác ở Thượng Hải cũng đăng ký thành công trong tháng này.
Các nhà hoạt động xã hội lạc quan rằng sự thay đổi này sẽ cải thiện cách đối xử với những bà mẹ chưa kết hôn ở Trung Quốc.
Trong một bài đăng trên WeChat, những người ủng hộ tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới Gia đình Đa dạng có trụ sở tại Quảng Châu cho biết họ “tin rằng sẽ có nhiều trường hợp khác xin bảo hiểm trợ cấp thành công và nếu tiếp tục vận động, chính sách sẽ dần được nới lỏng”.
Trước đó, năm 2019, họ đã gửi đề xuất đến hàng trăm quan chức thuộc chính phủ, kêu gọi đối xử bình đẳng với các bà mẹ đơn thân.
Luật sư Dong Xiaoying, người sáng lập tổ chức Mạng lưới Gia đình Đa dạng, khẳng định: “Trường hợp của Zou là một ví dụ điển hình và trở thành nguồn cảm hứng cho người khác”.
|
Các bà mẹ - dù lấy chồng hay đơn thân - nên được đối xử bình đẳng. Ảnh:Kimono Mom. |
Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số khi đồng thời xảy ra tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm. Để giải quyết tình hình, chính phủ nước này dần nới lỏng một số hạn chế sinh sản như chính sách một con vốn được áp dụng cuối những năm 70.
Tuy nhiên, các bà mẹ đơn thân Trung Quốc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử đáng kể. Họ không thể sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản hoặc đông lạnh trứng của họ. Những trường hợp tương tự Zou thì không được nhận viện trợ từ chính phủ.
Vụ việc đang được các nhà lập pháp Trung Quốc đưa ra một lần nữa trước cuộc họp quốc hội thường niên bắt đầu từ hôm 4/3.
Tháng trước, một luật sư đến từ Quảng Đông đề xuất rằng Trung Quốc nên quy định cụ thể việc sinh con ngoài giá thú “là hợp pháp”, đồng thời các bà mẹ đơn thân nên được đối xử bình đẳng về bảo hiểm và các khoản trợ cấp khác.
Theo Zing