Số ca sinh vẫn tiếp tục giảm dù Trung Quốc đã tích cực khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con trong nhiều năm. Để đối phó với tình huống này, các nhà chức trách khắp quốc gia bắt đầu nới lỏng, giảm bớt quy định làm khó những người mẹ chưa chồng mà có con, Wall Street Journal đưa tin.

Làm mẹ đơn thân không phải điều đơn giản ở Trung Quốc. Dù quốc gia không có quy định cụ thể nào cấm phụ nữ độc thân không được sinh con, nhiều người không được hưởng chăm sóc trước khi sinh hoặc đăng ký sinh con tại bệnh viện công nếu không có giấy đăng ký kết hôn.

Họ cũng khó tiếp cận các quỹ bảo hiểm quốc gia nhằm nhận tiền nghỉ thai sản hoặc trợ cấp xã hội dành cho trẻ sơ sinh.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Gao Jie buộc phải kết hôn với bạn trai cũ để được hưởng bảo hiểm xã hội đúng quy định. Ảnh:Raul Ariano/Wall Street Journal.
 

Cuộc đấu tranh dai dẳng

Năm 2019, khi Gao Jie (Thượng Hải) phát hiện mình mang thai, nữ doanh nhân đã nghiên cứu chính sách của chính phủ để xem cô có những quyền gì.

Cô độc lập về tài chính và sẵn sàng tự nuôi dạy đứa trẻ, nhưng kết hôn vẫn là cách duy nhất đảm bảo hai mẹ con được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Dù đã chia tay, Gao và bạn trai cũ vẫn phải tức tốc đi đăng ký kết hôn. Họ không tổ chức lễ cưới và cuộc hôn nhân cũng chẳng đi đến đâu. Năm ngoái, họ đã ly hôn.

Trong khi đó, Chris Zou, một kế toán cũng đến từ Thượng Hải, chọn một con đường khác.

Cô phát hiện mình mang thai vào năm 2016, ở tuổi 40. Cô quyết định một mình sinh con. Sau khi con trai ra đời vào năm 2017, cô nộp đơn xin trợ cấp nghỉ thai sản từ quỹ an sinh xã hội mà hầu hết người lao động và người sử dụng lao động Trung Quốc phải đóng tiền.

leftcenterrightdel
 Chris Zou, mẹ đơn thân, đấu tranh nhiều năm để được hưởng trợ cấp nghỉ thai sản. Ảnh:Raul Ariano/Wall Street Journal.
 

Khi lá đơn bị từ chối với lý do cô là mẹ đơn thân, Zou đã kiện chính quyền thành phố Thượng Hải. Cô cho biết mình đã đóng tiền vào quỹ này hơn một thập kỷ.

“Đó là tiền của chúng tôi, quyền của chúng tôi”, cô nói.

Suốt 4 năm tiếp theo, các tòa án địa phương liên tục ra phán quyết có lợi cho chính quyền địa phương và từ chối kháng cáo của cô.

Đến đầu năm 2021, Thượng Hải mới nới lỏng các quy định về lợi ích đó. Vài tháng sau, Zou mới nhận được gần hết số tiền nghỉ thai sản. Năm 2022, một số bà mẹ đơn thân khác ở Thượng Hải cũng đã nhận trợ cấp.

Cái khó của mẹ đơn thân

Tháng 1, Tứ Xuyên trở thành tỉnh mới nhất tuyên bố sẽ mở rộng một số lợi ích mà mẹ đơn thân cũng được hưởng như những phụ nữ đã lập gia đình.

Bắc Kinh và một số tỉnh, thành của Trung Quốc hiện cho phép mẹ đơn thân nhận tiền nghỉ thai sản. Trước đây, phụ nữ mang thai khi chưa lập gia đình thường bị yêu cầu phải kết hôn rồi mới được hưởng trợ cấp - khoản tiền gần như thay thế thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ thai sản.

leftcenterrightdel
 Chris Zou quyết định làm mẹ đơn thân và hạ sinh con trai vào năm 2017. Ảnh:Raul Ariano/Wall Street Journal.
 

Theo các nhà nghiên cứu, chưa chắc việc nới lỏng quy định phụ nữ độc thân sẽ tạo ra sự bùng nổ ca sinh.

Thực chất, sinh con ngoài giá thú khá hiếm ở Trung Quốc, dù chưa có nhiều dữ liệu. Tình huống này ở Trung Quốc có thể tương tự với các nước Đông Á khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi các bà mẹ đơn thân chỉ chiếm 2-3% số ca sinh.

Nhưng Yi Fuxian, nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), cho biết dù không làm tăng đáng kể tỷ lệ sinh, động thái thay đổi này có thể làm giảm số ca phá thai vẫn còn cao ở Trung Quốc.

Mặt khác, theo một luật sư từ lâu thúc đẩy quyền sinh sản của phụ nữ ở Trung Quốc, việc chính quyền địa phương nới lỏng đăng ký khai sinh gần đây không đồng nghĩa các bà mẹ đơn thân sẽ được đối xử tương tự các bà mẹ đã kết hôn.

Chẳng hạn, người mẹ đơn thân công tác tại chính phủ hoặc cơ quan nhà nước vẫn có thể bị phân biệt đối xử trong công việc, như không đảm bảo vị trí cố định hoặc được thăng chức.

Phụ nữ độc thân cũng không thể tham gia các phương pháp điều trị sinh sản do nhà nước trợ cấp. Các quy định cũng cấm phụ nữ chưa kết hôn đông lạnh trứng trừ khi họ gặp vấn đề sức khỏe, như mắc bệnh ung thư.

leftcenterrightdel
 Teresa Xu, phụ nữ độc thân ở Trung Quốc, kiện một bệnh viện sau khi bị từ chối yêu cầu đông lạnh trứng. Ảnh:Roman Pililey/Shutterstock.
 

Năm ngoái, trong một vụ kiện cấp cao, một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết chống lại Teresa Xu, người phụ nữ độc thân đã kiện bệnh viện địa phương năm 2018 vì từ chối yêu cầu đông lạnh trứng của cô.

Xu, người sẽ bước sang tuổi 35 vào tháng tới, đã kháng cáo. Một phiên điều trần kháng cáo dự kiến sẽ diễn ra sớm.

“Tôi mong công chúng chấp nhận quyền sinh con của phụ nữ độc thân”, Xu nói.

Ai được hưởng lợi?

Số người lần đầu kết hôn ở xứ tỷ dân giảm còn 11,6 triệu vào năm ngoái, theo Niên giám thống kê Trung Quốc 2022. Con số này thấp hơn 700.000 so với năm 2021, và kém xa mức cao nhất từng được ghi nhận là 23,9 triệu vào năm 2013.

Năm 2022 cũng đánh dấu mức tỷ lệ sinh thấp kỷ lục ở quốc gia này - chỉ 6,77 ca sinh trên 1.000 người, dẫn đến tình trạng lần đầu tiên dân số Trung Quốc suy giảm trong hơn 6 thập kỷ qua.

Theo kết quả khảo sát toàn quốc về phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ do chính phủ thực hiện được công bố vào cuối tuần qua, trung bình, phụ nữ kết hôn lần đầu ở tuổi 26 vào năm 2020, so với tuổi 22 vào những năm 1980.

Vào tháng 8/2022, Liu Juan, quan chức của Cục An ninh Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã kêu gọi chính quyền địa phương trao cho các bà mẹ đơn thân quyền được hưởng các khoản trợ cấp thai sản - một thông điệp rõ ràng cho thấy thái độ về vấn đề đã thay đổi.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cơ quan giám sát các vấn đề về sinh nở, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

leftcenterrightdel
 Năm 2022, Trung Quốc lần đầu giảm dân số sau hơn 60 năm. Ảnh minh họa:New York Times.
 

Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California-Irvine (bang California, Mỹ), cho biết việc trao quyền lợi cho các mẹ đơn thân sẽ hòa hợp lợi ích của cả chính phủ lẫn nữ giới.

“Ngoài khả năng sinh sản, vấn đề sâu xa hơn ở đây là việc phụ nữ trẻ Trung Quốc đang cố gắng vượt qua ranh giới để bảo vệ và mở rộng quyền cá nhân”, giáo sư nhận định.

Các chính sách mới giúp phụ nữ đơn thân sinh con dễ dàng hơn là điều đáng khen ngợi. Tuy nhiên, theo bài viết trên tờ The Paper của Chen Bi, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh, thật đáng lo ngại nếu các chính sách được thiết kế hoàn toàn để phù hợp ưu tiên của chính phủ.

“Nếu một quốc gia hạn chế quyền tự do sinh sản khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài nguyên (chính sách một con áp dụng năm 1979-2015 - PV), rồi lại đưa ra quyền tự do sinh sản khi đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số, rõ ràng đây là chủ nghĩa thực dụng sinh sản”, bà viết.

Theo zingnews