Khoảng 7g sáng, cạnh một cây cầu vượt trên cao tốc Brooklyn - tuyến đường huyết mạch thuộc quận Brooklyn, thành phố New York, Elizabeth Reyes xếp hàng tại góc phố cô đã quen thuộc có tên la parada (“trạm dừng” trong tiếng Tây Ban Nha). Mặt trời vừa lên cao, một số tài xế dừng xe ven đường, lớn tiếng nói vọng về phía nhóm người đang kiên nhẫn chờ như Reyes: dọn nhà, phụ bếp… Qua vài giờ nữa, Reyes cuối cùng cũng nghe được một yêu cầu công việc phù hợp: xây dựng.
|
Nữ công nhân Elizabeth Reyes cho biết, phụ nữ nhập cư phải đương đầu nhiều rào cản trong nghề xây dựng vì vấn đề xuất thân và giới tính - Nguồn ảnh: The Guardian |
Ở đoạn đường ấy, nơi lao động nhập cư thường tụ họp để lựa chọn những công việc bán thời gian, vị khách hàng vừa tìm thợ xây đậu xe sát lề rồi hỏi kỹ hơn: “Ai có giấy tờ vậy?”. Thứ người đàn ông đề cập không phải giấy tờ nhập cư mà là một loại giấy chứng nhận tiêu chuẩn làm việc cấp bởi Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp. Reyes tự tin giơ tay. Vị khách tỏ ra hài lòng, mời cô lên xe. Một ngày làm công của cô khởi đầu như thế.
“Nếu cô ấy làm được, tôi cũng vậy”
Người nhập cư chiếm tỉ lệ quá nửa trong tổng số hơn 200.000 công nhân xây dựng tại thành phố New York. Vài năm trở lại đây, giới chức trách và các chuyên gia về nhân quyền nhận thấy ngày càng nhiều phụ nữ nhập cư tham gia ngành này.
Giống như đa số lao động nữ cùng cảnh ngộ, Reyes - một cựu giáo viên 52 tuổi đến từ Ecuador - phải vất vả chen chân vào nghề xây dựng. Đến Mỹ bươn chải kiếm sống, cô có trải nghiệm đầu tiên khó quên với công việc thợ xây. “Hôm đó tôi nài nỉ người bạn nam cùng nhà dẫn tôi đi theo, tới một công trường nhỏ nơi nhóm công nhân đang lắp sàn nhà. Tôi đứng cạnh quan sát một lúc rồi thuyết phục họ để mình làm thử. Không lâu sau, tôi chính thức được tuyển” - Reyes kể. Reyes vẫn nhớ như in lời nhận xét của người chủ thuê ngày hôm ấy: “Cô không có lợi thế ngoại hình nhưng tôi cảm nhận được cô là người rất kiên định”.
Tại các buổi học an toàn xây dựng, triển khai miễn phí bởi loạt tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại New York, như Trao quyền cho cộng đồng nhập cư (NICE) và dự án bình quyền cho người lao động, phụ nữ chiếm hơn phân nửa ghế ngồi. “5 năm trước, hiếm có phụ nữ nhập cư nào đến lớp. Mọi thứ thay đổi rõ rệt gần đây, đến mức chúng tôi đang thiết lập một số khóa huấn luyện việc làm dành riêng cho phái nữ” - Giám đốc tổ chức NICE - Nilbia Coyote - tiết lộ.
Yếu tố hấp dẫn hàng đầu ở nghề xây dựng là mức lương. Cho mỗi dự án, công nhân có thể hưởng lương 20 USD (gần 500.000 đồng)/giờ, thậm chí cao hơn. Một số lao động nữ chia sẻ, giờ làm linh động (thường chỉ kéo dài nửa ngày) giúp họ có thời gian chăm sóc gia đình, đón con tan học buổi chiều. Một số phụ nữ trẻ lại mơ ước tạo dựng sự nghiệp với nghề này, đơn giản vì đam mê.
“Có một hiệu ứng cộng đồng thú vị ở đây. Khi lao động nữ trông thấy một phụ nữ khác làm việc ở công trường, họ dần được truyền cảm hứng. Nhiều người bắt đầu nghĩ rằng nếu cô ấy làm được, tôi cũng vậy” - Ligia Guallpa - Giám đốc điều hành dự án bình quyền cho người lao động - nhận định.
Đối diện rủi ro, kỳ thị
Tuy nhiên, công việc xây dựng ẩn chứa không ít nguy hiểm, với phụ nữ chính là các mối nguy hại thể chất lẫn tinh thần. Họ không chỉ cần cảnh giác vấn đề an toàn lao động mà còn phải chịu đựng nguy cơ bị chèn ép lương, thái độ xem thường, kỳ thị từ nam giới vốn chiếm số đông trong ngành.
|
Trong và sau đại dịch toàn cầu, ngành xây dựng tại Mỹ chứng kiến số lượng lao động nữ tăng vọt - Nguồn ảnh: New York Times |
Nelsy Suazo (26 tuổi, gốc Honduras) đến Mỹ lao động đã hơn 2 năm. Suốt năm đầu tiên trên đất khách, Suazo, mẹ và 4 con của cô phải sống chật vật trong một trung tâm cứu trợ người vô gia cư ở phía nam quận Brooklyn. Vì sinh kế, Suazo chọn nghề xây dựng. “Trước khi đến New York, tôi từng làm công tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Texas. Nhóm thợ xây chỉ có 2 phụ nữ - tôi và một đồng nghiệp khác, còn lại là khoảng 80 nam giới” - cô kể.
Nhóm thợ nam thường xuyên trêu đùa cợt nhả, thậm chí miệt thị, chế nhạo Suazo “không làm nổi việc chỉ của nam giới”. Thậm chí vì công trường không có không gian kín đáo để phụ nữ thay đồ, Suazo phải thay quần áo lao động ở một nhà hàng gần đó.
Nghĩ tới đồng lương nuôi sống gia đình, cô cố gắng nhẫn nhịn. Thế nhưng, khiến Suazo thấy ám ảnh hơn cả là tình trạng thiếu hụt trầm trọng thiết bị bảo hộ an toàn, như găng tay, dây nịt phù hợp với phụ nữ. Cô bày tỏ: “Công trường thiếu đồ bảo hộ size nữ nên lắm lúc tôi phải leo trèo mà không có gì bảo vệ cơ thể. Nhưng, dù sợ hãi đi nữa, tôi không dám phàn nàn. Nếu xảy ra sai lầm gì, dẫu tính mạng bạn bị đe dọa, bạn cũng có thể ngay lập tức bị đuổi. Có khi tôi thậm chí không tin rằng mình được quyền lên tiếng”.
Dũng khí của phụ nữ
Một trong những nữ công nhân đang đấu tranh để thay đổi sự bất cập đó là Angélica Novoa (36 tuổi). 6 năm trước, bị cái nghèo đeo bám, cô quyết định rời quê hương Colombia đến New York lập nghiệp lần nữa. Thuở đầu theo nghề xây dựng, Novoa phải căng thẳng làm quen với nhiệm vụ mang vác gạch đá hay treo mình trên giàn giáo cách mặt đất hàng chục mét.
Nhờ lớp học do NICE tổ chức, Novoa nghiêm túc áp dụng các quy tắc an toàn lao động và tích cực lan tỏa tinh thần “an toàn là trên hết” cho nhiều đồng nghiệp nam lẫn nữ.
|
Năm 2018, hàng ngàn công nhân xây dựng xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền thành phố New York cải thiện điều kiện làm việc - Nguồn ảnh: Getty Images |
Novoa chia sẻ: “Tôi cũng từng chịu đựng sự nhục mạ từ nam giới nhưng vấn đề không chỉ nằm ở việc hòa nhập. Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người thợ xây dựng”.
Giờ đây, Novoa và một số công nhân giàu kinh nghiệm khác đang cộng tác cùng tổ chức xã hội như NICE để vừa đào tạo kỹ năng công việc cho phụ nữ nhập cư, vừa khuyến khích họ đòi hỏi quyền lợi - điều kiện làm việc tốt hơn trên công trường.
Cách đây không lâu, Suazo vừa thông qua bài kiểm tra tại trung tâm đào tạo của NICE, lấy được giấy chứng nhận bởi Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp. Như Reyes, Novoa và hàng ngàn chị em phụ nữ khác đi trước, cô được trang bị đầy đủ kiến thức lẫn tinh thần để đối đầu công việc xây dựng lắm nhọc nhằn.
“Họ giúp bạn chuẩn bị mọi thứ cần thiết, giáo dục bạn về các quy định an toàn, về quyền lợi chính đáng của người lao động và của phụ nữ. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người nhận ra tiềm năng và tôn trọng những nữ thợ xây chúng tôi. Chúng tôi không yếu ớt. Chúng tôi có kỹ năng, kinh nghiệm, lòng tự tôn. Chúng tôi muốn kiếm sống lương thiện” - Suazo bày tỏ.
Nhiều tổ chức đấu tranh vì nhân quyền kỳ vọng việc trao thêm tiếng nói cho lao động nữ, về lâu dài sẽ thúc đẩy ngành xây dựng tại các thành phố lớn cải thiện điều kiện làm việc.
Coyote - Giám đốc NICE - tiết lộ: “Điều chúng tôi hướng đến là dẹp bỏ dần mô hình la parada - những “chợ lao động” tự phát. Trong tương lai, tôi hy vọng lao động nhập cư, nhất là phụ nữ, sẽ lựa chọn tìm kiếm doanh nghiệp uy tín liên kết với các tổ chức xã hội”.
“Tôi từng cứu một số công nhân nam bất cẩn khỏi tai nạn lao động. Tôi nghĩ vì phụ nữ thường cẩn thận và nhạy cảm, có phải sẽ tốt hơn nếu ngành xây dựng chào đón hơn với lao động nữ? Nhiều phụ nữ nhập cư khi thấy tôi làm công tại công trường, có ý định đi cùng tôi. Những lúc như thế, tôi khuyên họ đến lớp học an toàn lao động trước đã. Tôi nói với họ, hãy tiếp tục kiên định. Phụ nữ có thể học tập và làm được rất nhiều điều” - Reyes khẳng định.
Theo phụ nữ TPHCM