"Họ đột nhập khoảng 2h sáng và cưỡng hiếp chúng tôi. Khi rời đi, họ lấy trộm tiền và điện thoại của chúng tôi", Sarah (tên đã được thay đổi) mô tả về đêm ác mộng mà cô và bạn cùng phòng trải qua khi hai người đàn ông có vũ khí đột nhập căn hộ ở thành phố Port Harcourt, trung tâm dầu mỏ của Nigeria. Cho tới giờ, họ vẫn không biết hai người đàn ông đeo mặt nạ đó là ai.
Lúc đầu, Sarah không dám kể câu chuyện của mình với ai, dù là cảnh sát, gia đình hay bạn bè. "Bạn không thể nói những chuyện này ở đây", Sarah nói.
Nhưng lo lắng cho sức khỏe của bản thân, Sarah lấy hết can đảm tới một phòng khám dành cho những người bị bạo lực tình dục, do tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) điều hành. Các bác sĩ ở đây không chỉ điều trị, mà còn giúp cô có thêm can đảm để kể lại câu chuyện với một bác sĩ tâm lý. Từ đầu năm tới nay, phòng khám này tiếp nhận hơn 1.200 người bị hiếp dâm, và riêng tháng 10 là 148 trường hợp.
|
Doris Onyeneke trong cuộc phỏng vấn hôm 20/12. Ảnh:AFP. |
Giống như hầu hết thành phố lớn ở Nigeria, Port Harcourt phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới nghèo đói và bất bình đẳng. Nhưng thành phố này còn nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng khét tiếng được gọi là "nhóm cuồng giáo". Chúng xuất hiện trong các trường đại học rồi phát triển thành các nhóm tội phạm có tổ chức, thường có tổ chức nghi lễ uống máu và lập lời thề.
Chúng thực hiện các vụ cướp bóc, bắt cóc đòi tiền chuộc và nhiều tội ác khác, trong đó, nạn nhân thường phải chịu bạo lực tình dục. "Khi xảy ra các cuộc xung đột giáo phái tại thị trấn này, mọi người thường chạy tán loạn khắp nơi. Những kẻ cướp có vũ trang sẽ xông vào nhà và cưỡng hiếp các cô gái", Christine Harrison, điều phối viên của tổ chức MSF ở thị trấn Diobu, cho biết.
Người phụ nữ 42 tuổi này thường đi dọc các con phố ở Diobu để cung cấp số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp cho từng cư dân, nhiệm vụ cô làm trong hai năm qua. "Trước đây, hiếp dâm được cho là chuyện bình thường. Nhưng nhiệm vụ của tôi là giúp phụ nữ hiểu rằng họ cần đứng lên bảo vệ chính mình", cô nói.
Chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề hiếp dâm của MSF bao gồm các thông điệp được tuyên truyền qua đài phát thanh địa phương, hay các hình dán minh họa trên phương tiện công cộng. Tình hình dần được thay đổi, đặc biệt sau cái chết của 9 người phụ nữ trong loạt vụ giết người theo nghi thức man rợ tại các khách sạn ở Port Harcourt.
"Chúng tôi chưa từng chứng kiến những điều như vậy. Tất cả mọi người đứng lên và nói rằng 'Quá đủ rồi'", Ibim Semenitari, người từng dẫn đầu nhiều cuộc tuần hành của hàng trăm nhà hoạt động vì nữ quyền, cho biết.
Một cảnh sát ở Port Harcourt lúc đầu nói rằng các nạn nhân là gái mại dâm bởi phụ nữ ở đây không ra ngoài vào ban đêm. Người này cho biết thêm, những cái chết này có thể tránh được thông qua "cải tạo". Tuy nhiên, khi áp lực từ các cuộc tuần hành ngày càng lớn, cảnh sát phải vào cuộc và bắt Gracious David-West, nghi phạm giết người được cho là thành viên của một nhóm cuồng giáo. Phiên tòa xét xử tên này diễn ra hôm 9/12.
"Hắn bị bắt là thành công lớn của chúng tôi. Phụ nữ dễ bị tổn thương ở Nigeria, nhất là vùng Niger Delta", Doris Onyeneke, người đứng đầu trung tâm bảo vệ và đào tạo phụ nữ Mater Dei, ám chỉ trung tâm dầu mỏ của nước này. Theo Onyeneke, các băng đảng ở đây cho rằng sự hung hăng, tàn bạo, chém giết là cách để thể hiện sự nam tính.
Trung tâm Mater Dei, còn được gọi là "Lady Doris", tiếp nhận nhiều cô gái trẻ, trong đó có trẻ vị thành niên. Theresa, thợ may tập sự 21 tuổi, vừa đính những viên đá vào chiếc váy dạ hội may tay vừa chia sẻ về hoàn cảnh của nhiều phụ nữ Nigeria.
"Chúng tôi không có quyền bình đẳng. Với đàn ông, chúng tôi chỉ có giá trị ở xó bếp hoặc trên giường. Tôi từng là người nhút nhát, nhưng giờ tôi có thể mạnh dạn nói trước đám đông. Nếu được trao quyền, chúng tôi sẽ ít bị tổn thương hơn", Theresa nói.
Theo vnexpress