Mở xưởng để đỡ tốn tiền đi học workshop

Một ngày cuối tuần, chúng tôi ghé con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Huy Tưởng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), nơi tọa lạc tiệm gốm của chị Kim Ha-kyung (tên thường gọi là Haru, 32 tuổi). Trước đây, xưởng gốm này nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7 (TP.HCM), nơi có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Từ giữa năm 2023, xưởng gốm được chuyển đến Q.Bình Thạnh, thuận tiện hơn trong việc đi lại.

Xưởng gốm của chị Haru có 2 khu vực gồm quán cà phê và không gian học làm gốm. Căn nhà này ngập tràn ánh nắng và cây xanh, văng vẳng bên tai là những giai điệu nhẹ nhàng của Hàn Quốc, tạo cảm giác thư giãn cho khách hàng.

Ngẫu hứng mở xưởng gốm, cô gái Hàn được bạn trẻ Việt đón nhận nồng nhiệt- Ảnh 1.

Chị Kim Ha-kyung sang VN mở xưởng gốm được 8 năm

HUỲNH NHI

 
"Dễ chịu" chính là điều chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến đây. Không tấp nập, ồn ào, những vị khách đến cửa tiệm của chị Haru ngồi ở những góc bàn riêng vẽ gốm, số khác nhào nặn đất sét, người thì ngồi đan len, ai đó gõ máy tính.

Chị Haru kể cách đây 8 năm chị đã quyết định đến VN sinh sống cùng ba mẹ. Trước đó, chị làm việc trong một công ty thiết kế của Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành gốm sứ.

"Tại Hàn Quốc nhịp sống rất bận rộn và nhộn nhịp, tôi cảm thấy không phù hợp. Nếu vẫn ở Hàn Quốc sống một mình thì thật sự khó khăn nên tôi quyết định chuyển đến VN để gần gũi với gia đình hơn", chị Haru chia sẻ.

Ngày mới sang VN, vì chưa có nhiều bạn bè, chị thường đến những lớp workshop (buổi chia sẻ kỹ năng) học cắm hoa nghệ thuật để thư giãn sau giờ làm. Nhưng vì quá đam mê, có thời điểm chị đến workshop 4 lần/tuần, một tháng chi tới 16 triệu đồng cho hoạt động này.

"Lúc đó mẹ nói tôi tốn quá nhiều tiền vào việc đi workshop, hay là tự mình mở xưởng cho đỡ tốn kém? Tôi thấy cũng có lý nên tìm cách mở một xưởng gốm với chi phí vận hành dưới 16 triệu đồng/tháng", chị Haru kể về sự ra đời của xưởng gốm, rất ngẫu hứng và tình cờ.

Người thợ làm gốm giỏi cần những gì ?

Theo chị Haru, người thợ làm gốm giỏi cần có kỹ thuật tốt và chất nghệ sĩ. "Khi còn học đại học, chúng tôi có rất nhiều đồ án yêu cầu sinh viên phải làm sản phẩm thật hoàn hảo, láng mịn. Nhưng tôi tự hỏi vì sao phải như vậy? Tôi thích làm một điều gì đó khác biệt hơn", chị nói.

Quan sát những sản phẩm gốm của chị Haru, có thể thấy chúng không quá hoàn hảo, sắc sảo. Trên bề mặt mỗi chiếc cốc, cái đĩa vẫn còn in lại dấu tay của người thợ, hoặc những đường nét không được láng mịn, trơn tru. Hoa văn của sản phẩm cũng không cầu kỳ, tinh xảo, mà là những hình vẽ đơn giản về chú chó, con mèo, mặt người hồn nhiên, cùng những câu chữ nắn nót giản đơn mang ý nghĩa tích cực. Thế nhưng đó lại là bản sắc riêng của sản phẩm này, có chút gì đó mộc mạc, đơn giản, và chính điều đó khiến nhiều người say mê.

Ngẫu hứng mở xưởng gốm, cô gái Hàn được bạn trẻ Việt đón nhận nồng nhiệt- Ảnh 2.

Những sản phẩm gốm không láng mịn hoặc vẽ tinh xảo, nhưng vẫn được nhiều người yêu thích

NVCC

Chị Haru nói đó là cách hội tụ những điều xoay quanh cuộc sống của mình thông qua gốm, những họa tiết được trang trí từ cuộc đời và trải nghiệm sống trong hành trình trưởng thành của bản thân.

Thời gian đầu mở xưởng gốm, khách hàng của chị Haru chủ yếu là người Hàn Quốc sinh sống trong khu vực. Chị không cập nhật hình ảnh lên các trang mạng xã hội, nên khá bất ngờ khi có nhiều người Việt đến xưởng học làm gốm, chụp lại những sản phẩm xinh xắn do chị làm.

Đôi lúc chị Haru nói mình có cảm giác "sợ hãi" vì hành trình ở VN quá thuận lợi, hoàn toàn khác so với khi chị ở Hàn Quốc. Nhưng cũng vì vậy mà chị thấy yêu VN hơn. Dù chị không thể nói tiếng Việt để diễn giải về các sản phẩm mình làm, nhưng khách hàng vẫn cảm nhận được chất nghệ sĩ, cảm xúc của chị và những điều chị thích: cây cối, ánh nắng, những điều đơn giản.

"Khi tiếp xúc với chị Haru, mình cảm nhận được năng lượng tích cực từ chị ấy rất nhiều. Dù tính cách có trầm lắng nhưng khi gặp chị, bạn muốn nói chuyện và kết nối, mở lòng mình ra, sống vui vẻ hơn", Nguyễn Phan Thảo Dung (25 tuổi), ngụ Q.Phú Nhuận (TP.HCM), nhận xét.

Chị Haru cho biết khá thoải mái khi sống tại VN vì ở đây có gia đình, người thân. Nhận xét về chính mình, cô gái Hàn cho rằng bản thân không phải kiểu người nhìn về quá khứ, nên cũng chẳng biết có hối tiếc điều gì khi đến VN không. Còn ở tương lai, chị muốn truyền nghề cho nhiều bạn trẻ Việt hơn, để họ có thể mở một xưởng gốm yêu thích của riêng mình như chị đã làm cách đây 8 năm.

Theo Thanh niên