Ngay cả khi phải đối mặt với đại dịch toàn cầu, năm qua, phụ nữ vẫn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong môi trường làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, "burn out" (hội chứng cháy sạch - chứng gây ra bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc) cũng xuất hiện nhiều hơn, CNN đưa tin.

Theo một báo cáo thường niên từ công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company và tổ chức hỗ trợ phụ nữ LeanIn.org, thực hiện trên hơn 65.000 nhân viên từ 423 tổ chức, sự hiện diện của phụ nữ được cải thiện trên hầu hết hoạt động của doanh nghiệp vào năm 2020.

Đây là tín hiệu tốt song phụ nữ vẫn xuất hiện ít trong các vai trò lãnh đạo, đặc biệt là phụ nữ da màu.

"Khi các công ty tiếp tục đối mặt những thách thức của đại dịch và tìm cách xây dựng một nơi làm việc bình đẳng hơn cho tương lai, họ cần tập trung vào hai ưu tiên chính: thúc đẩy tất cả khía cạnh của sự đa dạng, giải quyết tình trạng kiệt sức ngày càng tăng trong tất cả nhân viên, đặc biệt là phụ nữ", báo cáo kết luận.

Mối đe dọa thực sự

Đại dịch đã làm gia tăng tình trạng "sức tàn lực kiệt" trong nhân viên và đặc biệt tồi tệ đối với phụ nữ, những người vốn đang gặp nhiều bất lợi.

Trong số phụ nữ được khảo sát, 42% cho biết trong năm nay, họ thường xuyên hoặc gần như luôn luôn trong tình trạng kiệt sức so với 35% nam giới. Năm ngoái, 32% phụ nữ cho biết cảm thấy như vậy, so với 28% ở nam giới.

Đáng lo ngại hơn nữa là cứ 3 phụ nữ thì có một người đã cân nhắc nghỉ việc hoặc chuyển nghề, tăng so với tỷ lệ trước đó là 1/4, theo báo cáo. Phụ nữ giữ chức vụ quản lý thậm chí còn có mức độ kiệt sức cao hơn, với hơn 50% cho biết họ thường xuyên hoặc gần như luôn luôn "cháy sạch".

 
 
phu nu kiet suc vi cong viec anh 1
Trong đại dịch, nhiều phụ nữ đối mặt tình trạng kiệt sức trong công việc. Ảnh:Istock.
 

Theo báo cáo, cứ 100 nam giới được thăng chức lên vị trí cấp quản lý thì con số ở phụ nữ chỉ là 86.

"Tình trạng mất cân bằng này có thể giải thích lý do tỷ lệ hiện diện của phụ nữ ở các cấp quản lý cấp cao, giám đốc và phó chủ tịch được cải thiện chậm", báo cáo cho hay.

Trong nỗ lực cải thiện tính đa dạng, các doanh nghiệp cần xem xét lại những phương thức tuyển dụng, thăng chức và đánh giá hiệu suất để đảm bảo tính công bằng, các nhà lãnh đạo công ty có trách nhiệm giải trình và theo dõi vấn đề này đầy đủ hơn.

Báo cáo cũng cho thấy trong khi nhiều công ty coi trọng sự đa dạng, chỉ có khoảng 2/3 cho rằng các nhà lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện các mục tiêu này và con số ở các nhà quản lý là chưa đến 1/3.

"Trong một số trường hợp, các công ty sử dụng hình thức phạt, khen thưởng bằng tài chính để đạt được những mục tiêu này, một số thì công khai kết quả cho cả bên ngoài công ty. Những điều này cho thấy đây là vấn đề rất quan trọng và là trách nhiệm của cả từng cá nhân", Ishanaa Rambachan, đối tác của McKinsey & Company, nhận định.

Theo Zing