Mihaela Noroc
Nhiếp ảnh gia người Romania, Mihaela Noroc năm nay 37 tuổi. Cô đi du lịch vòng quanh thế giới từ 6 năm trước, chụp ảnh phụ nữ trên toàn thế giới. Cho đến nay, cô đã đến thăm 70 quốc gia, chụp ảnh chân dung cho 2.000 nữ giới.
Trong những năm qua, CNN, Forbes và các phương tiện truyền thông nổi tiếng khác đưa tin về hành trình của Mihaela.
Năm 2019, Mihaela đã sắp xếp những câu chuyện của 500 người phụ nữ, xuất bản một cuốn sách mang tên “The Atlas of Beauty” và được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
“Chúng ta nên có thái độ cởi mở hơn đối với ngoại hình của phụ nữ. Định nghĩa của vẻ đẹp không phải là chỉ có một”.
“The Atlas of Beauty”
Mihaela đã mang thai năm 2018. Sau sinh, cô đã cùng con đi du lịch vòng quanh thế giới để chụp ảnh và có kế hoạch tiếp tục lối sống như vậy trong ít nhất 3 năm.
Cô chỉ có một vài bộ quần áo, một chiếc vali.
“Tôi không cần thêm tiền, miễn là tôi có thể chi trả cho dự án của tôi là đủ. Tôi sẽ không bao giờ dừng lại bước chân khám phá của chính mình”.
Mihaela đi qua rất nhiều nơi, chứng kiến cảnh sống của nhiều tầng lớp, nhiều con người khác nhau trong xã hội. Cô đã đến các khu ổ chuột ở Brazil, các khu vực xa xôi hẻo lánh ở Afghanistan, nhà thờ Hồi giáo Iran, Bắc Triều Tiên, rừng nhiệt đời Amazon, nơi ở cao cấp của thành phố hoa lệ Paris… Cô đã chụp ảnh cho hơn 2.000 nữ giới từ 3 đến 100 tuổi.
Mỗi bức ảnh chân dung là một câu chuyện khác nhau. Nhìn vào một phần câu chuyện cuộc đời của họ, bạn mới thật sự hiểu được cảm giác bản thân chỉ là một giọt nước trong biển cả là như thế nào.
"Cô ấy là một trong những người phụ nữ thanh lịch nhất mà tôi từng gặp, là mẹ của hai đứa con, sống ở vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên. Cô ấy cũng đeo đồ trang sức khi dọn dẹp nhà, và tôi nghĩ rằng phụ nữ dân tộc Tạng mang phong cách thế này mọi lúc trong cuộc sống". (Tứ Xuyên, Trung Quốc)
"Tôi đã gặp Emiko trên đường phố Tokyo đang cùng chồng đi nghe hòa nhạc Beethoven. Ban đầu, Emiko không muốn chụp ảnh vì cảm thấy mình quá già. Cuối cùng là chồng bà đã khuyến khích và thuyết phục. Hai người có kế hoạch cùng thưởng thức một bữa ăn tối dưới ánh nến sau khi xem buổi hòa nhạc". (Tokyo, Nhật Bản)
Yuka học nghệ thuật ở tuổi 15 và được giáo dục nghiêm ngặt trong một môi trường tương đối khép kín khi còn nhỏ. Vào thời điểm đó, Yuka nhận ra rằng cô khao khát tự do và trong một vài cơ hội được ra khỏi trường, cô đã đến quán cà phê để quan sát tài nghệ của người thợ pha chế. Một năm trước khi chính thức trở thành vũ công, cô quyết định thay đổi quỹ đạo cuộc sống của mình - trở thành một thợ pha chế. Yuki bây giờ là chủ sở hữu của một quán cà phê, cô đã biến cà phê thành một nghệ thuật biểu diễn. (Kyoto, Nhật Bản)
Ania, 24 tuổi, người Ba Lan, được sinh ra với một phần khiếm khuyết trên cơ thể. Mẹ đã bỏ rơi cô trong bệnh viện. 19 tháng tuổi, Aina được nhận nuôi bởi một người Bỉ tốt bụng. Ước mơ suốt đời của Ania là trở thành một vận động viên, nhưng sinh ra không có phần xương đùi gây khó khăn cho việc lắp chân giả. Cuối cùng cô đã thuyết phục bác sĩ cho phép mình tham gia vào một dự án chân tay giả đặc biệt. Bây giờ cô ấy có "chân phải" và có thể chạy nhanh như người thường. Mục tiêu tiếp theo của cô là tham gia Thế vận hội Paralympic, để mẹ ruột nhìn thấy cô trên các phương tiện truyền thông. Ania muốn nói rằng cô chưa bao giờ đổ lỗi cho mẹ ruột và luôn biết ơn khi bản thân được sinh ra trên cõi đời này. (Bỉ)
Hành lang Wahan của Afghanistan là một trong những khu vực xa xôi nhất trên thế giới. Cư dân địa phương vẫn có lối sống tương tự như tổ tiên của họ. Song cuộc sống tương đối khó khăn. Ở đây, mọi người sẽ mời bạn đến ngôi nhà được làm bằng bùn của họ. (Hành lang Wahan, Afghanistan)
"Tôi đã gặp cô gái này ở thung lũng Omo của Ethiopia, bộ lạc của cô được gọi là Daasanach, tách biệt với thế giới, lối sống của người dân ở đây giống như người cổ đại. Bởi vì điều kiện nhiệt độ cao khắc nghiệt, ngày thường họ sẽ trần truồng, cuộc sống rất nguyên thủy". (Thung lũng Omo, Ethiopia)
"Khi đến Ecuador, tôi đã cố gắng để đi sâu vào rừng Amazon. Trong một ngôi làng cổ, tôi đã bắt gặp cô gái này. Chiếc váy đặc biệt mà cô mặc vào thời điểm đó chính là váy cưới của cô. Cô trang điểm bằng một bông hoa được hái từ cây, sử dụng chất dịch của hoa để vẽ vài đường sáng tạo trên khuôn mặt. Sau đó, tôi mời cô ấy chụp ảnh bên cạnh dòng sông Amazon".
Ở chân núi Karkas có một trấn xinh đẹp như tranh vẽ, làng Abyaneh, tôi đã gặp một cụ già. Vì rào cản ngôn ngữ, chúng tôi đã không thể nói nhiều. Nhưng có vẻ như bà hiểu hết những gì tôi muốn thể hiện. (Làng Abyaneh, Iran)
Trung Hạ (Nguồn: Thepaper)